Báo Đồng Nai điện tử
En

Đọc Người Việt nói tiếng Việt: Học, hiểu thêm vẻ đẹp thành ngữ dân tộc

09:06, 30/06/2023

Tập sách Người Việt nói tiếng Việt của tác giả/nhà báo Nguyễn Quang Thọ do NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành ra mắt ngày 1-7 thể hiện sự công phu trong tìm tòi, sưu tập, khảo cứu về thành ngữ, tục ngữ tiếng Việt xưa nay.

 Tập sách Người Việt nói tiếng Việt của tác giả/nhà báo Nguyễn Quang Thọ do NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành ra mắt ngày 1-7 thể hiện sự công phu trong tìm tòi, sưu tập, khảo cứu về thành ngữ, tục ngữ tiếng Việt xưa nay. 

Nhà báo Nguyễn Quang Thọ
Nhà báo Nguyễn Quang Thọ

Tác giả Nguyễn Quang Thọ dành gần 10 năm cất công tham khảo nhiều nguồn từ điển tiếng Việt để sưu tra lại nhiều thành ngữ, tục ngữ Việt Nam vốn đang ngày càng mai một. Đồng thời góp phần minh chứng sự phong phú, ngày càng phát triển của vốn từ tiếng Việt qua các từ ngữ, dãy từ, thành ngữ mới ra đời theo tiến triển xã hội.

Điều đáng ghi nhận và trân trọng khác từ bộ sách là ông Nguyễn Quang Thọ đã nỗ lực tìm kiếm và đóng góp giải nghĩa rõ ràng, trọn vẹn hơn đối với nhiều câu thành ngữ, tục ngữ bị bỏ sót, giải nghĩa sai hoặc cần bổ sung cách hiểu đa chiều. Tâm huyết của tác giả thể hiện qua việc đối chiếu với những từ điển của các tác giả khác, phân tích nhiều hơn, kỹ hơn
nội dung.

Hơn 380 trang Người Việt nói tiếng Việt chứa sưu tập hơn 600 thành ngữ, tục ngữ thông dụng trong đời sống. Nhiều câu quen thuộc như Mắt thấy tai nghe; Nói gần nói xa, chẳng qua nói thật; Trông người lại ngẫm đến ta… hay dí dỏm bình dân thường ngày xuất hiện gần đây như Chạy mất dép, Cạp đất mà ăn, Khóc tiếng Miên, Hồng nhan bạc tỷ, Trả dép tôi về… Cuốn sách vì vậy vừa có giá trị tham chiếu cho các nhà ngôn ngữ học, nghiên cứu ngôn ngữ, vừa giúp độc giả phổ thông học - hiểu thêm nhiều vẻ đẹp đặc sắc trong hành trình phát triển của tiếng Việt.

Tác giả Nguyễn Quang Thọ sinh năm 1949, cựu binh Sư đoàn 304, nguyên Tổng biên tập Báo Yêu Trẻ (1997-2010) có quá trình hơn 20 năm nghiên cứu sâu về tiếng Việt và thành ngữ Việt. Ông bày tỏ: “Vốn từ của một dân tộc là vô cùng lớn, không ai biết hết được. Muốn biết nhiều thì phải học nhiều. Học từ lúc nằm nôi cho tới khi xuống lỗ”.           

T.N

Tin xem nhiều