Bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học (ĐDSH) được coi là một mắt xích rất quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, góp phần làm chậm lại diễn biến tiêu cực của biến đổi khí hậu. Bởi vì, ĐDSH có vai trò thiết yếu trong phát triển kinh tế - xã hội, cân bằng hệ sinh thái.
Bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học (ĐDSH) được coi là một mắt xích rất quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, góp phần làm chậm lại diễn biến tiêu cực của biến đổi khí hậu. Bởi vì, ĐDSH có vai trò thiết yếu trong phát triển kinh tế - xã hội, cân bằng hệ sinh thái. Không chỉ tại Việt Nam mà các nước trên thế giới đều quan tâm đến việc bảo tồn ĐDSH và đây là một trong những mục tiêu để phát triển bền vững.
Do đó, bảo vệ, duy trì ĐDSH là góp phần giữ môi trường sống cho tương lai, hạn chế được những thảm họa của thiên tai. Theo dự báo của các chuyên gia về môi trường, Việt Nam là một trong những quốc gia sẽ phải chịu tác động tiêu cực nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Điều này đã được thể hiện khá rõ nét trong 5-6 năm trở lại đây. Cụ thể là thiên tai, bão lũ, nắng hạn, xâm nhập mặn ngày càng gay gắt, diễn biến bất thường, khó dự báo dẫn đến thiệt hại lớn về tài sản, con người. Đồng thời, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội của nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Giữ rừng, trồng thêm cây xanh, giảm phát thải nhà kính, ngăn chặn xâm nhập mặn, sản xuất xanh, bảo tồn ĐDSH... được Việt Nam triển khai rộng khắp để góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu.
Hiện nay, Việt Nam là một trong 20 quốc gia có ĐDSH cao. Đồng Nai còn giữ được nhiều rừng tự nhiên để đảm bảo môi trường sống cho nhiều loài động, thực vật trong tự nhiên. Giữa các giống loài trong hệ sinh thái đều có mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau. Do đó, bảo tồn, phát triển được các giống loài sẽ giữ được cân bằng trong chuỗi ĐDSH. Việc này cũng đồng nghĩa với các nguồn gen quý hiếm sẽ được lưu giữ để phục vụ cho phát triển bền vững. Vì thế, nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đã coi bảo vệ ĐDSH là việc làm cấp thiết trong tiến trình phát triển. Bên cạnh đó, Việt Nam và nhiều nước đã cam kết trong bảo tồn ĐDSH, trong đó sẽ nâng cao công tác quản lý, bảo vệ động, thực vật hoang dã quý hiếm.
Trong bảo vệ môi trường, ĐDSH được xem là một mắt xích quan trọng không thể thiếu trong chuỗi của hệ sinh thái tự nhiên. Bởi mất đi ĐDSH sẽ làm cho chuỗi bị đứt đoạn, không thể hoạt động liền mạch, việc này có thể khiến cho biến đổi khí hậu diễn biến tiêu cực nhanh hơn. Hậu quả là xuất hiện lũ lụt, siêu bão nhiều hơn, trái đất nóng lên, băng tan, nước biển dâng, hàng triệu ha cây trồng sẽ bị xâm nhập mặn giảm năng suất và nhiều vùng sẽ ngập sâu trong nước, ảnh hưởng đến đời sống của nhiều người dân.
Đồng Nai tuy không có biển, ít khi bị thiên tai, nhưng tỉnh rất coi trọng việc phục hồi hệ sinh thái bằng các phương án như: trồng rừng, bảo vệ rừng, bảo tồn ĐDSH. Tỉnh cũng bố trí nguồn vốn để phục hồi nguồn gen quý hiếm trong tự nhiên để phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội ở hiện tại và trong tương lai. Ví như, Đồng Nai đã đầu tư nghiên cứu, nhân rộng các cây rừng là những loại thuốc quý để phục vụ cho đời sống, sức khỏe cho người dân trong vùng.
Uyển Nhi