Báo Đồng Nai điện tử
En

Phòng chống bạo lực gia đình

09:05, 06/05/2023

Nạn bạo hành gia đình đang là thực tế nan giải, nhiều bài báo, trang mạng đã phản ánh các vụ việc xôn xao dư luận. Nhiều năm về trước đã có bài Xót xa nạn bạo hành gia đình trên Báo Đồng Nai điện tử (ngày 8-6-2012).

Nạn bạo hành gia đình đang là thực tế nan giải, nhiều bài báo, trang mạng đã phản ánh các vụ việc xôn xao dư luận. Nhiều năm về trước đã có bài Xót xa nạn bạo hành gia đình trên Báo Đồng Nai điện tử (ngày 8-6-2012). Mới đây, thêm đau lòng với loạt bài về một người phụ nữ ở Đồng Nai cùng con gái cầu cứu chính quyền vì liên tục bị chồng bạo hành đến gây thương tích.

Xây dựng gia đình quan hệ bình đẳng là một trong những giải pháp phòng, chống bạo lực gia đình. Ảnh minh họa: Vĩnh Huy
Xây dựng gia đình quan hệ bình đẳng là một trong những giải pháp phòng, chống bạo lực gia đình. Ảnh minh họa: Vĩnh Huy

* Hệ thống pháp luật

Về việc này, cuộc vận động phòng chống bạo lực gia đình trong xã hội được thực hiện sâu rộng, nhưng chỉ đạt được một số kết quả do hòa giải bằng “năn nỉ” là chủ yếu. Cần điều chỉnh bằng pháp luật. Nhà nước Việt Nam đã sớm có nhiều văn bản pháp quy phù hợp với công ước quốc tế. Hiến pháp năm 2013 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã tích hợp đầy đủ nội dung tinh hoa của các công ước: Tuyên ngôn Nhân quyền của LHQ (năm 1948), Công ước CEDAW chống phân biệt đối xử với phụ nữ, Tuyên bố của LHQ về xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (năm 1993), Công ước của LHQ về quyền trẻ em (năm 1990), mục tiêu phát triển bền vững SDGs của LHQ giai đoạn 2015-2030.

Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam đã tạo ra khung pháp lý thúc đẩy bình đẳng giới, trên cơ sở đó Quốc hội ban hành Luật Bình đẳng giới năm 2006, Luật Hôn nhân và gia đình năm  2014, Bộ luật Dân sự năm 2015. Chính phủ và Bộ VH-TTDL triển khai nhiều văn bản dưới luật mang nội dung về phòng chống bạo lực gia đình.

Năm 2007, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (Luật số 02/2007/QH12) ra đời đã nêu rõ sự cần thiết phòng chống bạo lực trong gia đình và đưa ra các nguyên tắc, biện pháp và quy định cụ thể. Nội dung phòng chống bạo lực gia đình cũng đã được đưa vào nhiều luật, văn bản dưới luật khác.

Sau một thời gian dài thực hiện hệ thống văn bản pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình, xét thấy cần thiết phải sửa, bổ sung, tại Kỳ họp thứ 4 ngày 14-11-2022, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (Luật số 13/2022/QH15). Luật gồm 6 chương với 56 điều, có hiệu lực từ ngày 1-7-2023. Chính phủ đang soạn thảo nghị định để thực thi.

* Căn nguyên và giải pháp

Hệ thống pháp luật đã có, việc thực thi sẽ phải nghiêm minh, nhưng không dễ giải quyết tận gốc nạn bạo lực gia đình bởi tính xã hội phức tạp của nó. Cần thêm góc nhìn khách quan để hiểu căn nguyên mà thực hiện các giải pháp thực thi pháp luật cho hiệu lực.

Bạo lực gia đình là một dạng thức của bạo lực xã hội do người trong gia đình thực hiện gây tổn hại hoặc đe dọa gây tổn hại cho thành viên khác trong gia đình.

Có 4 dạng bạo lực gia đình thường xảy ra: Bạo hành thể xác bằng cơ bắp hoặc dùng vật dụng tác động vào thân thể gây thương tích, làm tổn hại sức khỏe thể chất của nạn nhân (thường có sự chênh lệch về sức mạnh thể chất); Bạo hành tình dục ép quan hệ tình dục khi bạn đời không muốn; Bạo hành tinh thần dùng quyền lực khống chế, điều khiển hoặc gây áp lực lên tinh thần, tình cảm của nạn nhân; Bạo hành xã hội bao vây kinh tế, ngăn cách giao tiếp, hạn chế hoạt động mang tính cộng đồng.

Bạo lực gia đình không chỉ có ở Việt Nam, là vấn nạn của thế giới, kể cả ở các quốc gia văn minh. Theo tài liệu của WHO, nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, và số ít là đàn ông; 38% phụ nữ bị bạo hành thể xác (tại Anh 37%; Canada, Úc, Nam Phi, Israel và Mỹ đạt từ 40-70%); nhiều quốc gia có cổ tục “thiêu sống cô dâu” (năm 2011, đã có 8.618 vụ thiêu sống cô dâu ở Nam Á).

Thực tế ở Việt Nam, bạo lực gia đình diễn biến phức tạp. Theo số liệu thống kê của Bộ VH-TTDL, trong giai đoạn 2009-2021, tổng số vụ bạo lực gia đình các địa phương đã phát hiện trên cả nước là 324.641 vụ. Trong khi đó, Điều tra quốc gia bạo lực với phụ nữ được Bộ LĐ-TBXH, Tổng cục Thống kê, Quỹ Dân số LHQ tại Việt Nam thực hiện năm 2019, công bố năm 2020 cho thấy, năm 2019, có 31,6% phụ nữ phải chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong 12 tháng, cứ 3 phụ nữ thì có gần 1 người (32%) bị chồng bạo lực thể xác/hoặc bạo lực tình dục. Đáng chú ý có 90,4% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác và/hoặc tình dục không tìm kiếm sự giúp đỡ. Kết quả điều tra này cũng cho thấy năm 2019, bạo lực gia đình với phụ nữ gây thiệt hại 1,8% GDP (tăng 0,2% so với năm 2012). Bạo lực gia đình gây tác hại nghiêm trọng, hiển thị và ẩn tàng, trước mắt và lâu dài.

Về nguyên nhân, thường được cho là do: người nam say rượu; tỷ lệ cao ở các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt kinh tế khó khăn, trình độ văn hóa thấp, thiếu việc làm, thiếu điều kiện sinh hoạt, tai nạn đột biến; quan niệm nuôi dạy con và quyền lực của cha mẹ “thương cho roi cho vọt”; thu nhập thấp, vị thế thấp. Thực ra, đó chỉ là những nguyên cớ nhận thấy khi có xung đột gây bạo lực. Nguyên nhân sâu xa là do cội nguồn ở gia đình gắn với chữ CHƯA: Chưa no ấm, chưa bình đẳng, chưa tiến bộ, chưa hạnh phúc, chưa phát triển bền vững.

Vậy nên, để thực thi pháp luật, giải quyết tận gốc nạn bạo lực gia đình, cốt lõi là ở các giải pháp xây dựng gia đình: Một là, phát triển kinh tế hộ gia đình đảm bảo nhu cầu sinh hoạt của gia đình (không áp lực thiếu thốn); hai là, xây dựng gia đình quan hệ bình đẳng (bình đẳng giới, bình đẳng thế hệ, bình đẳng hưởng thụ); ba là, chống bạo hành trong gia đình đối với người yếu thế (phụ nữ, trẻ em, người già…), chống bạo hành tinh thần (như dùng thủ đoạn, quyền lực gây áp lực); bốn là, phát huy truyền thống gia đình (gia phong, gia ước, gia quy) - tôn trọng cá tính của mỗi thành viên (cá tính trong  sinh hoạt, lập thân, sáng tạo); năm là, thực hiện hôn nhân hạnh phúc (hôn nhân có tình yêu, bền chắc giảm ly hôn, tan vỡ).

Trong xử lý các tình huống bạo lực gia đình, cần coi trọng công tác hòa giải, phát huy vai trò của cộng đồng gia đình, làng xóm. Cộng đồng giúp trước, pháp luật xử sau. Vai trò của cộng đồng xã hội thể hiện qua: Hệ thống giáo dục (giáo dục nhận thức cho các thế hệ học sinh là giải pháp căn bản, lâu dài); các đoàn thể xã hội, láng giềng thường xuyên, giáo dục, phân giải; dòng họ thuyết phục bằng uy tín, truyền thống, gương mẫu của người già, người tiêu biểu; hòa giải viên cơ sở hòa giải mâu thuẫn thấu tình đạt lý; truyền thông đưa tin, phân tích, uốn nắn sai trái, động viên việc tốt…

Khi hòa giải không thành, pháp luật xử lý phải kịp thời, nghiêm minh, mang tính giáo dục, nhân văn, bảo vệ người bị hại.

Trong gia đình, khi phát sinh mâu thuẫn, vai trò và cách ứng xử của người vợ - người phụ nữ rất quan trọng, có khi hóa giải mâu thuẫn từ trứng nước, không để xảy ra bạo hành nhờ ứng xử khôn khéo, dịu dàng, mềm mỏng theo kiểu “lạt mềm buộc chặt”. Việc này rất cần các chị em hội phụ nữ trao truyền “bí kíp” cho nhau.

Huỳnh Văn Tới

Tin xem nhiều