Lịch sử, văn hóa của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai được nghiên cứu ở nhiều góc độ tiếp cận, trong đó có những công trình tiêu biểu: Gia Định thành thông chí (Trịnh Hoài Đức), 5 tập sách về Biên Hòa (Lương Văn Lựu), 5 tập Địa chí Đồng Nai (nhiều tác giả)…
Lịch sử, văn hóa của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai được nghiên cứu ở nhiều góc độ tiếp cận, trong đó có những công trình tiêu biểu: Gia Định thành thông chí (Trịnh Hoài Đức), 5 tập sách về Biên Hòa (Lương Văn Lựu), 5 tập Địa chí Đồng Nai (nhiều tác giả)… Nội dung liên quan được đề cập trong chừng mực ở các công trình này với dung lượng tư liệu vừa phải. Có 2 công trình tập trung về địa danh Biên Hòa - Đồng Nai khá nhiều tư liệu: Địa danh Hành chính, văn hóa, lịch sử Đồng Nai (Trần Quang Toại chủ biên), Hỏi đáp về Biên Hòa - Đồng Nai (Nguyễn Thanh Lợi, Phan Đình Dũng).
Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh sau khi được trùng tu (tháng 3-2023) |
Thời gian thành lập
Tỉnh Đồng Nai được thành lập vào đầu năm 1976 trên cơ sở sáp nhập 3 tỉnh: Biên Hòa, Bà Rịa - Long Khánh và tỉnh Tân Phú. Tỉnh Đồng Nai gồm có 1 thành phố (Biên Hòa), 1 thị xã (Vũng Tàu) và 9 huyện: Long Thành, Xuân Lộc, Thống Nhất, Tân Phú, Long Đất, Xuyên Mộc, Châu Thành, Vĩnh Cửu, Duyên Hải. Địa giới của tỉnh Đồng Nai lúc bấy giờ khá lớn, bao gồm 1 số diện tích của các tỉnh, thành khác hiện nay ở miền Đông Nam bộ. Trên cơ sở của tỉnh Đồng Nai mà sau này một số huyện, thị (Vũng Tàu, Long Đất, Xuyên Mộc, Châu Thành) được điều chỉnh, tách ra thành lập tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Riêng H.Duyên Hải gồm 30 xã vào năm 1978 được tách ra thành đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc TP.HCM (sau này được đổi thành H.Cần Giờ). Có một số mốc sự kiện liên quan đến công tác quản lý, định hướng phát triển nên có sự chia tách, điều chỉnh địa giới trong xã, thị trấn của các huyện, thị, thành phố thuộc tỉnh Đồng Nai. Đặc biệt, trong năm 1982, tỉnh Đồng Nai nhận thêm phần địa giới, quản lý huyện đảo Trường Sa nhưng chỉ trong 1 tháng đã có sự điều chỉnh đơn vị này trực thuộc tỉnh Phú Khánh (Khánh Hòa, Phú Yên sáp nhập).
Vùng đất Đồng Nai được gọi quen thuộc với nội hàm lịch sử - văn hóa: Biên Hòa - Đồng Nai, Đồng Nai - Gia Định. |
Cho đến giờ, văn bản chính thức quyết định thành lập tỉnh Đồng Nai chưa sưu tra được để biết thêm những thông tin cụ thể liên quan về thời gian, chủ thể quyết định và người ký. Địa chí Đồng Nai (tập 2, Địa lý) cho biết: Đầu năm 1976, hợp nhất 3 tỉnh cũ Biên Hòa, Tân Phú, Bà Rịa - Long Khánh lấy tên là tỉnh Đồng Nai. Một số tư liệu chưa có sự thống nhất về thời gian thành lập, phần lớn tập trung vào tháng 1 và tháng 2-1976. Thời gian chính quyền cách mạng tiếp quản khi chế độ Việt Nam Cộng hòa sụp đổ, các địa phương được quản lý, điều hành theo chế độ quân quản với bộ máy chính quyền lâm thời - mang tính chất bình ổn trong thời gian trước mắt để sau đó chuyển tiếp cho bộ máy chính quyền chính thức.
Để tìm hiểu về thời gian thành lập tỉnh Đồng Nai, cần lưu ý một số sự kiện liên quan đến tình hình của địa phương nói riêng, miền Nam nói chung dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trong năm 1975 đến đầu năm 1976. Trong đó, có những sự kiện mà các nguồn tư liệu đã công bố:
Ngày 24-4-1975, tại Gia Kiệm, Thường vụ Khu ủy miền Đông công bố nghị quyết của Khu ủy miền Đông về chủ trương tổ chức Ủy ban quân quản các tỉnh, thành phố. Ngày 3-5-1975, hội nghị Ban Thường vụ Khu ủy miền Đông và cán bộ chủ chốt, đồng chí Lê Quang Chữ (Bí thư) công bố quyết định thành lập Ủy ban quân quản các tỉnh Biên Hòa, Bà Rịa - Long Khánh, Tân Phú, TP.Vũng Tàu.
Ngày 20-9-1975, Trung ương Cục miền Nam ra quyết định số 16/QĐ.75 giải thể các khu, sáp nhập các tỉnh cũ thành lập một số tỉnh mới.
Ngày 29-9-1975, Ban chấp hành Trung ương Đảng ra nghị quyết số 21-NQ/TW về nhiệm vụ của cách mạng miền Nam trong giai đoạn mới, nêu “hợp nhất các tỉnh thành đơn vị hành chính - kinh tế với quy mô cần thiết”.
Từ ngày 15 đến 21-11-1975, Hội nghị hiệp thương chính trị thống nhất hai miền Nam Bắc được tiến hành.
Tháng 12-1975, Bộ Chính trị của Đảng Lao động Việt Nam ra nghị quyết điều chỉnh lại địa giới các tỉnh miền Nam.
Tháng 1-1976 diễn ra cuộc họp liên tịch của Ủy ban thường vụ Quốc hội Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Hội đồng cố vấn Chính phủ Cộng hòa miền Nam Việt Nam để quyết định Tổng tuyển cử bầu cử Quốc hội cả nước vào ngày 25-4-1976.
Tháng 2-1976, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra nghị định sắp xếp lại các đơn vị hành chính miền Nam, theo đó tỉnh Biên Hòa, Phước Tuy, Long Khánh, Tân Phú (phía cách mạng) và một phần tỉnh Bình Tuy hợp nhất thành tỉnh Đồng Nai.
Ngày 24-3-1976, Chủ tịch Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ban hành quyết định số 21/QĐ-76 về việc công nhận Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh Đồng Nai theo đề nghị của Đại hội đại biểu nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Như vậy, việc tra cứu, sưu tầm tư liệu từ những văn bản liên quan các sự kiện trên sẽ là nguồn tư liệu rõ cho việc thành lập tỉnh Đồng Nai cách đây 47 năm (1976-2023).
Địa danh văn hóa
Về tên gọi Đồng Nai đã được đề cập qua nhiều giả thuyết được công bố qua các công trình nghiên cứu được xuất bản, đăng tải trên truyền thông nhân các dịp, sự kiện liên quan. Địa danh Đồng Nai được đề cập khá sớm trong nhiều văn bản, ghi chú trên các bản đồ và đặc biệt đi vào ca dao, gắn với vùng đất Gia Định, Nam bộ hay đăng đối với các địa danh có tầm vóc lớn. Một số câu dao: “Nhà Bè nước chảy chia hai. Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về” (dị bản: Nhà Bè nước chảy phân đôi. Ai về Gia Định, ai hồi Đồng Nai”. Câu ca dao này làm cho người đọc liên tưởng đến huyết mạch đường thủy quan trọng trong khu vực Đông Nam bộ. Từ cửa biển đi vào, đến ngã ba sông Nhà Bè có ngã ba sông - nơi hợp của dòng chảy sông Sài Gòn, sông Đồng Nai trước khi đổ ra biển Đông. Những người đi ngược sông tới đây đứng trước lựa chọn để vào vùng đất sâu hơn phía trên là Gia Định hay Đồng Nai. Nhưng, hai vùng đất này không phải là hoang vu mà đã được khai khẩn của những lớp di dân trước đó được phản ánh qua từ ngữ “về, hồi” nghe thân thuộc, gần gũi. Câu ca dao “Làm trai cho đáng nên trai. Phú Xuân đã trải, Đồng Nai đã từng” hay câu “Rồng chầu ngoài Huế, ngựa tề Đồng Nai”… nói lên chí khí của đấng nam nhi, sự đăng đối địa danh quan trọng của Phú Xuân/ Huế và Đồng Nai. Vùng đất Phú Xuân ở miền Trung ghi dấu ấn của nhà Nguyễn, Tây Sơn, triều Nguyễn và Đồng Nai - vùng đất mở phương Nam - địa đầu của Nam bộ.
Tính từ góc độ hành chính của nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tỉnh Đồng Nai được thành lập được 47 năm (1976-2023). Thế nhưng, trong lịch sử phát triển của vùng đất này trong tiến trình hòa nhập vào Việt Nam đã bắt đầu trên 3 thế kỷ trước với sự kiện quan trọng từ năm 1698 (Mậu Dần) khi Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh đưa vùng đất này thuộc sự quản lý của chúa Nguyễn với sự sắp đặt tổ chức hành chính đầu tiên. Địa giới tỉnh Đồng Nai hiện nay là một phần của vùng đất Trấn Biên thời chúa Nguyễn, tỉnh Biên Hòa trong “Nam kỳ lục tỉnh” do vua Minh Mạng thành lập vào năm 1832. Phạm vi của tỉnh Biên Hòa khá rộng, bao gồm một phần hay toàn bộ diện tích các tỉnh thuộc miền Đông Nam bộ hiện nay (phần lớn địa giới TP.Thủ Đức của TP.HCM, tỉnh Bình Dương, tỉnh Bình Phước, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu…).
Phan Đình Dũng