Với thông điệp "Sách: Nhận thức - đổi mới - sáng tạo"; "Sách cho tôi, cho bạn", các hoạt động được tổ chức trong Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam (21-4) đã và đang tiếp tục tạo động lực phát triển, lan tỏa phong trào đọc sách trong cộng đồng...
Với thông điệp “Sách: Nhận thức - đổi mới - sáng tạo”; “Sách cho tôi, cho bạn”, các hoạt động được tổ chức trong Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam (21-4) đã và đang tiếp tục tạo động lực phát triển, lan tỏa phong trào đọc sách trong cộng đồng...
Bạn đọc trên địa bàn TP.Biên Hòa quét mã QR đọc sách trực tuyến trong Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam năm 2023. Ảnh: L.NA |
Đặc biệt, thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ 4.0 giúp người đọc dễ dàng tiếp cận thông tin, gia tăng số hóa các sản phẩm trí tuệ. Tuy nhiên, điều này cũng kéo theo nguy cơ gia tăng các vi phạm về quyền tác giả mà lĩnh vực xuất bản không phải là ngoại lệ.
* Đa dạng hoạt động phục vụ bạn đọc
Ngày Sách và văn hóa đọc năm nay ở Đồng Nai được tổ chức khá sớm (ngày 13 và 14-4) đã thu hút trên 3 ngàn lượt bạn đọc tham gia. Sau ngày sách, hệ thống thư viện các huyện và thư viện trường học trên địa bàn tỉnh đã và đang tiếp tục tổ chức đa dạng các hoạt động, phục vụ nhu cầu bạn đọc.
Anh Phạm Quang Thắng, phụ trách Thư viện H.Định Quán cho biết, hưởng ứng Ngày Sách và bản quyền thế giới (23-4), Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam (21-4), Thư viện huyện đẩy mạnh trưng bày, xếp sách nghệ thuật, triển lãm, giới thiệu sách trực tuyến thông qua mạng xã hội Facebook và YouTube, luân chuyển sách phục vụ cơ sở (chủ yếu ở các trường học và các thiết chế văn hóa). Với hơn 80 ngàn bản sách cùng nhiều báo, tạp chí hiện có, thư viện chủ động đa dạng các hoạt động tuyên truyền… Nhờ vậy, thu hút ngày càng nhiều độc giả trong và ngoài địa phương tiếp cận với sách, báo.
Giám đốc Thư viện tỉnh NGUYỄN NGỌC THÀNH cho biết: “Hiện nay, số đầu sách điện tử được bổ sung từ các nguồn tại thư viện là trên 12,1 ngàn tên sách và 2 ngàn đĩa CD các loại được xử lý. Nguồn tài liệu địa chí Đồng Nai đã dần được số hóa (năm 2022 có 100 tên tài liệu địa chí đã số hóa), phục vụ các đối tượng bạn đọc”. |
Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa - thông tin và thể thao TP.Long Khánh Nguyễn Thị Thanh Uyên cho hay, hiện nay thư viện thành phố đã tăng cường tuyên truyền về ngày sách trên các phương tiện thông tin, trong trường học, khu vực đông dân cư, bệnh viện… Thư viện đã phát động cán bộ, viên chức, người dân tham gia sàn sách trực tuyến quốc gia (tại địa chỉ Book365.vn) của Bộ TT-TT. Các CLB trong trường học tham gia những hoạt động ngoại khóa như: vẽ tranh theo sách, kể chuyện theo sách.
“Thư viện TP.Long Khánh đã và đang tổ chức Tuần lễ sách với nhiều hoạt động phong phú: luân chuyển, hỗ trợ sách từ thư viện thành phố đến trung tâm văn hóa thể thao - học tập cộng đồng phường, xã, các trường tiểu học, THCS. CLB Bạn đọc thư viện Long Khánh tổ chức nói chuyện chuyên đề về Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam; ra mắt Báo tường Minh Thư số 31. Trưng bày mô hình sách nghệ thuật, báo, tạp chí theo các chủ đề Ngày sách, kỷ niệm 48 năm Ngày Giải phóng Long Khánh
(21-4-1975 - 21-4-2023), Ngày Giải phóng miền Nam (30-4)” - bà Uyên chia sẻ.
Theo Giám đốc Thư viện tỉnh Nguyễn Ngọc Thành, việc tổ chức đa dạng dạng các hoạt động phục vụ bạn đọc từ tỉnh đến cơ sở hưởng ứng Ngày Sách và bản quyền thế giới, Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam có ý nghĩa quan trọng trong việc tăng số lượng bản sách mỗi người đọc trung bình một năm, lan tỏa văn hóa đọc, xây dựng xã hội học tập. Thư viện tỉnh luôn cổ vũ, tạo mọi điều kiện thuận lợi và là cầu nối liên kết các đơn vị, địa phương, cá nhân triển khai các hoạt động phát triển văn hóa đọc và thúc đẩy thực hiện nhiều hoạt động khuyến đọc trên địa bàn tỉnh”.
* Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ
Điểm nhấn của Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam năm nay là nhiều đơn vị, địa phương đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ 4.0 vào phát triển, lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng. Hầu hết các thư viện đều chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin, nâng cấp phần mềm quản lý thư viện số, tăng cường số hóa tài liệu, xây dựng các bộ sưu tập số, hoàn thiện và bổ sung các tiện ích trực tuyến. Chỉ tính riêng Thư viện tỉnh, từ đầu năm đến nay đã gắn mã QR cho hàng chục cuốn sách, giúp bạn đọc tra cứu, đọc tài liệu trên điện thoại di động.
Các em học sinh sử dụng smartphone đọc sách trực tuyến tại Thư viện tỉnh |
Tuy nhiên, việc dễ dàng tiếp cận thông tin, gia tăng số hóa các sản phẩm trí tuệ cũng kéo theo nguy cơ gia tăng các vi phạm về quyền tác giả mà lĩnh vực xuất bản không phải là ngoại lệ. Theo NXB Đồng Nai, từ năm 2008 đến nay, NXB đã ấn hành trên 116 ngàn đầu sách, trong đó trên 5 ngàn đầu sách là tác phẩm văn học, nghệ thuật. Một số bộ truyện tranh do NXB Đồng Nai ấn hành bị in lậu tại Đà Nẵng và một số tỉnh miền Tây. Sau khi phát hiện, NXB đã có văn bản gửi các cơ quan chức năng những địa phương này để phối hợp xử lý, tránh tái diễn.
Ngay tại các thư viện, nhất là thư viện số, những vấn đề liên quan đến bản quyền xuất bản cũng là vấn đề băn khoăn. Nguồn tài liệu phục vụ cho nghiên cứu, học tập giới hạn nên các thư viện số sưu tầm tài liệu thêm. Điều này dễ dẫn đến tình trạng vi phạm bản quyền, bởi có những nguồn tài liệu chưa được chia sẻ công khai. Ngoài ra, một số sách không tái bản nhưng nhu cầu người học cần, dù có photo các nguồn tài liệu trên phục vụ cho việc học (không vì mục đích thương mại) nhưng cũng ảnh hưởng đến bản quyền…
Những vấn đề liên quan đến sách in nhiều người có thể đã rõ nhưng bản quyền điện tử vẫn còn băn khoăn. Phó giám đốc Sở TT-TT Giang Thị Thu Nga cho biết, trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các cá nhân, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân; chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm bản quyền. Qua đó, chung tay phát triển, lan tỏa giá trị của sách và văn hóa đọc trong cộng đồng.
Ly Na