Báo Đồng Nai điện tử
En

Nâng cao tay nghề cho bác sĩ trẻ

07:04, 01/04/2023

Để trở thành bác sĩ (BS) giỏi, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác điều trị, các BS trẻ phải dành nhiều thời gian để học hỏi, trau dồi kiến thức, tay nghề. Điều này không chỉ đòi hỏi ý chí, quyết tâm học tập của BS mà cần có sự hỗ trợ, sắp xếp của bệnh viện.

Để trở thành bác sĩ (BS) giỏi, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác điều trị, các BS trẻ phải dành nhiều thời gian để học hỏi, trau dồi kiến thức, tay nghề. Điều này không chỉ đòi hỏi ý chí, quyết tâm học tập của BS mà cần có sự hỗ trợ, sắp xếp của bệnh viện.

Các bác sĩ Khoa Ngoại, chấn thương chỉnh hình - bỏng, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất đang quan sát bác sĩ CKII Nguyễn Tấn Toàn, Phó trưởng khoa Chi trên, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình (TP.HCM) khám bệnh. Ảnh: H.YẾN
Bác sĩ CKII Nguyễn Tấn Toàn, Phó trưởng khoa Chi trên, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình - TP.HCM (thứ 2 từ phải qua) hướng dẫn các bác sĩ Khoa Ngoại, chấn thương chỉnh hình - bỏng, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất khám bệnh. Ảnh: H.YẾN

Các bệnh viện có nhiều hình thức học tập, trao đổi chuyên môn, nâng cao tay nghề, trình độ của đội ngũ BS.

Tinh thần học tập không ngừng

Từ sau khi tốt nghiệp, BS Phạm Trung Bắc đã về công tác tại Khoa Ngoại, chấn thương chỉnh hình - bỏng, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất. Tính đến nay, BS Bắc đã có gần 5 năm công tác tại bệnh viện này. Đây cũng là khoảng thời gian mà anh được học tập, làm việc với nhiều BS giỏi, chuyên gia đầu ngành để nâng cao tay nghề, áp dụng các kỹ thuật mới trong khám và điều trị bệnh.

Theo BS CKI Nguyễn Thái Bình, Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, việc quan sát học hỏi từ đồng nghiệp là yếu tố rất quan trọng giúp BS trẻ nâng cao tay nghề. Tuy nhiên, để tiến bộ nhanh hơn, BS trẻ phải thực hành, khi gặp khó khăn cần chủ động trao đổi, tham khảo ý kiến của các BS giỏi.

Khoa Ngoại, chấn thương chỉnh hình - bỏng đã mời nhiều chuyên gia, BS đầu ngành từ các bệnh viện lớn về để khám bệnh, chuyển giao kỹ thuật, trao đổi chuyên môn. “Sau mỗi lần khám chữa bệnh của các chuyên gia tại bệnh viện, các BS trong khoa đều sẽ có 1 buổi ôn lại những vấn đề mà các chuyên gia đã triển khai để đào sâu hơn nữa, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ. Hoạt động này giúp cho đội ngũ BS trẻ trau dồi được kiến thức chuyên môn, nâng cao kỹ năng khám, chữa bệnh. Đối với mảng ngoại khoa, chấn thương chỉnh hình, tôi học hỏi được nhiều kỹ thuật mới trong công việc” - BS Bắc cho hay.

BS CKI Ngô Thái Bình, Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai có thể được xem là tấm gương điển hình của việc không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề. Sau 7 năm về công tác tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, anh Bình đã tham gia nhiều khóa đào tạo và hiện đã là BS CKI.

Năm 2016, BS Bình đoạt giải nhất hội thi BS trẻ bệnh viện; năm 2018 anh được cử đi học về kỹ thuật ECMO (tim phổi nhân tạo) tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM); năm 2019, anh đi học lớp lọc máu liên tục trẻ em tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM); năm 2020 anh học CKI và tốt nghiệp cuối năm 2022…

BS Bình cho hay: “Chuyên môn hồi sức có nhiều chuyên biệt hơn so với những khoa khác, các thủ thuật và kỹ thuật cao cũng nhiều hơn. Vì vậy, việc được đi học các kỹ thuật cao ở bệnh viện tuyến trên giúp tôi có thể áp dụng vào trong quá trình thăm khám, theo dõi, điều trị tốt hơn”.

Nhiều hình thức đào tạo

Theo ThS-BS Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, lực lượng BS trẻ tại bệnh viện hiện nay khá đông (65/100 BS của bệnh viện), trong đó có khoảng 30 BS mới vào công tác tại bệnh viện được vài năm.

“Từ những BS mới ra trường còn nhiều bỡ ngỡ cho tới những BS bắt đầu làm được, tới BS giỏi, rồi có thể đứng đầu, là chủ chốt của một kỹ thuật, chuyên khoa nào đó hay trở thành BS trong ban chủ nhiệm khoa… là quá trình phấn đấu rất dài của các BS. Thông thường phải mất khoảng 10 năm để một BS trẻ mới ra trường có thể học để trở thành BS chủ chốt” - ThS-BS Nguyễn Trọng Nghĩa cho hay.

Đối với công tác đào tạo BS trẻ, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai xác định rõ 2 hướng đào tạo: đào tạo để BS đáp ứng tốt công việc, đào tạo để BS trở thành chủ chốt. Bệnh viện có nhiều hình thức đào tạo phù hợp với từng mục tiêu.

Cũng theo BS Nghĩa, bên cạnh việc cử BS đi học tập tại bệnh viện tuyến trên, học tập nâng cao trình độ thì hình thức đào tạo liên tục là rất quan trọng. Đây cũng là hình thức tự đào tạo tại bệnh viện. Hình thức đào tạo này sát thực tế, chủ yếu xuất phát từ những yêu cầu trong quá trình khám, chữa bệnh tại bệnh viện.

ThS-BS Nguyễn Trọng Nghĩa cho hay: “Có nhiều hình thức đào tạo liên tục. Thông thường, hình thức “cầm tay chỉ việc” thường được áp dụng đối với những BS trẻ mới ra trường. Với hình thức này, chúng tôi cử những BS có kinh nghiệm trực tiếp kèm cho BS trẻ. Hình thức thứ 2 là đào tạo theo những lớp bệnh viện tự tổ chức ngắn hạn, ví dụ đào tạo lớp cấp cứu cơ bản, cấp cứu nâng cao, hồi sức nâng cao... Hình thức thứ 3 là sinh hoạt khoa học của bệnh viện, được tổ chức 2 tuần/lần”.

Một hình thức đào tạo được BS Nghĩa đánh giá rất cao là bình bệnh án. Hình thức này thường được áp dụng đối với những bệnh án hay hoặc bệnh án khó chẩn đoán, điều trị, các loại bệnh theo mùa. Đây là hình thức học trực tiếp dựa trên các ca bệnh thực tế. Thông thường, các BS giỏi, BS đứng đầu chuyên khoa của bệnh viện đảm nhận vài trò phân tích, bình luận, nhận xét các vấn đề trong bệnh án. Từ những ca thực tế này, các BS sẽ rút ra được nhiều kinh nghiệm trong công tác khám, chữa bệnh.

Hải Yến


ThS-BS NGUYỄN TRỌNG NGHĨA, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai:

Tạo động lực học tập cho BS trẻ

Đào tạo BS trẻ là công việc ưu tiên hàng đầu của bệnh viện. Khi cử các BS trẻ đi học, những BS còn lại phải choàng vai, gánh việc cho các BS đi học. Việc học tập nâng cao trình độ, chuyên môn sẽ tốn nhiều thời gian, tiền bạc nên bên cạnh hỗ trợ về chi phí học tập thì bệnh viện rất quan tâm, chú ý động viên tinh thần các BS trẻ.

Bệnh viện cũng cho các BS thấy rõ quyền lợi của mình khi tham gia học tập nâng cao tay nghề. Theo đó, bên cạnh việc nâng cao kỹ năng, trình độ chuyên môn, những BS giỏi, phát huy được năng lực chuyên môn sẽ được định hướng trở thành BS đứng đầu của một chuyên ngành, kỹ thuật trong bệnh viện. Những BS này cũng có thể được đưa vào diện quy hoạch cán bộ, được đào tạo để trở thành lãnh đạo các khoa, phòng và bệnh viện trong tương lai.

BS CKII NGUYỄN TƯỜNG QUANG, Trưởng khoa Ngoại, chấn thương chỉnh hình - bỏng Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất:

Cơ hội cho BS trẻ học hỏi, trau dồi kỹ năng

Việc mời chuyên gia về trao đổi, khám bệnh đã được Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, trong đó có Khoa Ngoại, chấn thương chỉnh hình - bỏng, thực hiện trong nhiều năm nay. Khoa liên hệ với các bệnh viện tuyến đầu để làm việc với các chuyên gia ở những thế mạnh riêng trong từng lĩnh vực để về giúp cho khoa.

Qua quan sát các chuyên gia khám bệnh, các BS của khoa sẽ học hỏi được cách khám những ca khó. Hoạt động này cũng giúp người bệnh trong tỉnh giảm được chi phí, thời gian vì không phải đi xa.

Mỗi năm, chúng tôi có ít nhất 1-2 lần mời chuyên gia về trực tiếp khám bệnh. Bên cạnh đó, trong quá trình khám bệnh, nếu phát hiện những ca bệnh khó, chúng tôi sẽ hội chẩn với các chuyên gia thông qua hình thức trực tuyến. Sau đó, nếu BS của bệnh viện tự xử lý được thì sẽ tiến hành điều trị, nếu không thì sẽ mời chuyên gia về hỗ trợ điều trị, phẫu thuật để BS của bệnh viện có cơ hội học hỏi thêm.

Để nâng cao trình độ, chuyên môn, các BS phải thường xuyên học tập. Từ 1-2 tuần, khoa đều tổ chức các bài nói chuyện, thảo luận trao đổi chuyên môn. Chúng tôi cũng cử đội ngũ BS đi học nâng cao trình độ, chuyên môn.

Tường Vi (ghi)


  

Tin xem nhiều
Hiểu rõ deadline và tầm quan trọng