Ngày 15-4-1966, một binh chủng đặc biệt được thành lập và trở thành bất tử với tên gọi Trung đoàn Đặc công rừng Sác anh hùng. Qua 57 năm, tinh thần của những người lính Đoàn 10 vẫn luôn được giữ vững và phát huy trong cuộc sống.
Ngày 15-4-1966, một binh chủng đặc biệt được thành lập và trở thành bất tử với tên gọi Trung đoàn Đặc công rừng Sác anh hùng. Qua 57 năm, tinh thần của những người lính Đoàn 10 vẫn luôn được giữ vững và phát huy trong cuộc sống.
Đại tá Lê Bá Ước (người thứ 3 từ trái sang) cùng Bộ đội Đặc công Rừng Sác đã làm nên những chiến công huyền thoại trong kháng chiến chống Mỹ. Ảnh tư liệu |
“Mỗi người ngã xuống một bài thơ”
Chiến khu Rừng Sác trải rộng trên diện tích hơn 2.200ha, thuộc các huyện Nhơn Trạch, Long Thành (Đồng Nai) đến H.Cần Giờ (TP.HCM). Hoạt động trong một điều kiện hết sức khắc nghiệt, giữa rừng ngập mặn, ngay sát nách quân thù với trang thiết bị, vũ khí tối tân, những người chiến sĩ đặc công thủy của Đoàn 10 Rừng Sác chỉ có “trái tim yêu nước nồng nàn, cộng với trí thông minh và trái bộc phá, con gao găm” (lời của đại tá - Anh hùng lực lượng vũ trang Lê Bá Ước, nguyên Trung đoàn trưởng kiêm Chính ủy Đoàn 10, nguyên Phó chỉ huy kiêm Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Đồng Nai). Hơn 9 năm bám trụ, Đoàn 10 đã thực hiện hơn 600 trận đánh, hoàn thành mục tiêu khống chế toàn bộ hệ thống vận tải thủy tiếp tế cho Sài Gòn và phía Nam, đồng thời lập những chiến công vang dội ngay ở nội đô. Hơn 900 người đã hy sinh, đến nay còn hơn 500 liệt sĩ chưa tìm thấy...
Đại tá, anh hùng Lê Bá Ước cũng đã trở về sông nước cùng với đồng đội. Còn nhớ, năm 1975, khi đất nước hòa bình, thống nhất, ông tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời ông bắt đầu đi tìm lại đồng đội, nhất là những người đã mất, công việc kéo dài đến khi ông qua đời. Ông để lại những câu thơ như lời bày tỏ nỗi lòng:
“Bâng khuâng tấc dạ niềm thương nhớ
Lộng gió trên sông đẹp bóng cờ
Mãi mãi hiên ngang rừng Sác đứng
Mỗi người ngã xuống một bài thơ”
Bà Thân Tuyết Vân, vợ của cố đại tá Lê Bá Ước, cũng là một đồng đội của ông, từng vào sinh ra tử ở chiến trường Rừng Sác, bà chia sẻ cùng ông hành trình đi tìm và quy tập liệt sĩ hy sinh, coi tất cả là người thân, anh em của mình. Bà tiếp nối tâm nguyện của chồng dành cho Đoàn 10 Rừng Sác, tiếp tục làm một “địa chỉ đỏ” để đồng đội cũ, những nhà nghiên cứu lịch sử và quân sự tìm đến. Bà cùng các con vẫn thực hiện những việc làm thiết thực hỗ trợ chính quyền và các nhà chuyên môn tìm hiểu, hoàn thành những công trình về Đoàn 10 Rừng Sác. Dịp 2-9 hàng năm, bà trở về Nghĩa trang liệt sĩ Rừng Sác để tưởng nhớ những người chiến sĩ đã hy sinh, bà vui khi gặp lại đồng đội cũ, rồi chợt buồn vì“mỗi năm mỗi ít người trở về đây...”.
Người nữ chiến sĩ hậu cần của Đoàn 10 năm xưa hầu như không quên một ai, hoặc một trận đánh nào, không quên một câu chuyện gì của quá khứ hào hùng ấy. Bà nhớ cả những điều chồng mình dặn dò, và đau đáu mong mỏi những điều tốt đẹp nhất dành cho chiến sĩ, đồng đội của mình. |
Họa sĩ Đào Tấn Hưng, hội viên Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai cũng dành rất nhiều tâm huyết cho Đoàn 10 Rừng Sác, nơi ông từng là đặc công thủy, và cũng là đơn vị đầu tiên ông tham gia chiến đấu sau khi rời ghế nhà trường ở miền Bắc. Ông thể hiện tình yêu, lòng biết ơn và nhớ thương đồng đội đã hy sinh bằng cách vẽ tranh, ghép gốm, làm tượng đài; và sát cánh với những người còn sống để chia sẻ vui buồn. Ông coi Đoàn 10 Rừng Sác là lý tưởng, là lẽ sống của mình, vì ông cho rằng mình là người may mắn còn ở lại, trong khi đồng đội mình hy sinh từ khi còn rất trẻ... Ở tuổi ngoài 70, họa sĩ Đào Tấn Hưng vẫn không ngừng tìm kiếm, sáng tác về người chiến sĩ Rừng Sác, về Đoàn 10 thân yêu.
Một trong những người ở chiến trường Rừng Sác ngay từ ngày thành lập, hiện nay vẫn gắn bó với Đoàn 10 là ông Võ Duy Tấn (sinh năm 1946, quê Nghệ An), nguyên là trung úy, Chính trị viên Đại đội, Phó ban Liên lạc truyền thống Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác. Ông cho biết mình vốn là lính trinh sát, sau năm 1975 được rút về công tác tại Thành ủy TP.HCM. Ông cũng khắc cốt ghi tâm nỗi nhớ, tình thương dành cho đồng đội, đã cùng Ban Liên lạc đi khắp đất nước để tìm kiếm và thực hiện chế độ chính sách cho đồng đội, hỗ trợ cho những hoàn cảnh thiệt thòi, bị nhiễm chất độc dioxin trong chiến tranh...
Ban Liên lạc hiện nay do trung tá Nguyễn Thanh Tùng, nguyên Phó trung đoàn trưởng Đoàn 10 làm Trưởng ban (thay cho thiếu tướng Trần Thành Lập đã mất vì dịch Covid-19). Ban Liên lạc hiện đang gặp nhiều khó khăn trong hoạt động, nhất là do nhiều đồng chí đã già yếu, đồng thời ban cũng hạn chế về tài chính. Nhiều năm tham gia Ban Liên lạc truyền thống Đoàn 10 Rừng Sác, ông Võ Duy Tấn cũng luôn ghi nhớ và trải lòng về anh em đồng đội cũ - như món nợ ân tình day dứt khôn nguôi.
Sau những chiến công
Lịch sử Đoàn 10 Rừng Sác là chiến công tiếp nối chiến công, anh hùng nối gót anh hùng - kể cả những người chưa được biết tên. Tuy nhiên, sau những chiến công lừng lẫy, làm rung chuyển Dinh Độc Lập và thức tỉnh lương tri nhân loại, thì điều mà những người chiến sĩ Đặc công Rừng Sác để lại chính là nhân cách sống, tinh thần yêu nước, quả cảm và sự gắn bó không thể tách rời của đội quân anh hùng. Các chiến sĩ đến từ khắp nơi trên đất nước, làm nhiều nhiệm vụ khác nhau và cùng sống chết với mảnh đất này.
Rừng Sác đã trở thành nơi chốn linh thiêng; những con người bám trụ, chiến đấu và hy sinh nơi đây cũng góp phần cho hồn thiêng nước Việt trường tồn, bền vững. |
Bên cạnh những bài học lịch sử, đã có rất nhiều áng thơ, văn, những công trình nghệ thuật tái hiện tinh thần và vẻ đẹp của người chiến sĩ Đoàn 10 Rừng Sác. Tiêu biểu có thể kể đến công trình tượng đài Đặc công Rừng Sác của nhóm tác giả Thanh Thanh, Sĩ Nguyên, Lê Bá Ước (được đặt trong khu Di tích lịch sử Rừng Sác ở Nhơn Trạch). Chiến trường xưa đã được chính đại tá Lê Bá Ước viết thành hai tập sách Một thời rừng Sác (đã được tái bản nhiều lần), và là nguồn cảm hứng của tập thơ rất đặc biệt của ông - Trái tim người lính.
Rừng Sác cũng từng mang đến giải A Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 2000 cho vở cải lương Dòng sông đỏ (tác giả Lê Hồng Khanh, đạo diễn - NSND Giang Mạnh Hà dàn dựng). Tác phẩm múa Dũng sĩ Rừng Sác của biên đạo múa Trần Ly Ly đã nhận giải thưởng cao nhất của cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2018-2020 do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức. Những tác phẩm này đều được các nghệ sĩ, diễn viên Đồng Nai biểu diễn.
Chiến khu rừng ngập mặn và người chiến sĩ rừng Sác đã đi vào các tác phẩm văn học, nghệ thuật cả nước, song luôn là đề tài sáng tác được các tác giả Đồng Nai ấp ủ trong máu thịt. Gần đây nhất tác giả trẻ Ngô Mỹ Hường với truyện ngắn Chiếc xuồng đêm đã đoạt giải C cuộc thi viết về chủ đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của tỉnh Đồng Nai năm 2022 (giai đoạn 2021-2025). Chân dung Đại tá Lê Bá Ước đã được họa sĩ Đào Tấn Hưng ghép gốm, hiện tác phẩm được đặt tại Bảo tàng Đồng Nai.
Tuy nhiên, vẫn còn đó niềm mơ ước xây dựng, sáng tác những công trình hoành tráng, công phu, mang tầm vóc lớn lao xứng tầm với tượng đài người chiến sĩ đặc công Rừng Sác bất tử. Như Phó ban Liên lạc truyền thống của Đoàn 10 Rừng Sác - ông Võ Duy Tấn chia sẻ: Ban Liên lạc đã từng được Thành ủy TP.HCM giao chuẩn bị tham gia bộ phim tài liệu Đặc công Việt Nam dài 30 tập, trong đó có nhiều tập về đặc công của Đoàn 10 Rừng Sác. Tuy nhiên, do nhiều lý do khách quan mà đến nay bộ phim chưa được bấm máy. Thời gian trôi đi, những nhân chứng lịch sử của Đoàn 10 ngày càng mai một. Những người chiến sĩ năm xưa như ông Võ Duy Tấn, bà Thân Tuyết Vân, họa sĩ Đào Tấn Hưng... đều tha thiết mong mỏi ngày trở về của đồng đội, cũng như sự ghi nhận, những dấu ấn của dân tộc, của cộng đồng nhằm bảo tồn và phát huy tinh thần chiến sĩ Đoàn 10 Rừng Sác.
Thiết nghĩ, cần có sự chung tay của nhiều tổ chức và cá nhân để có thêm những công trình thiết thực tưởng nhớ, tôn vinh chiến sĩ Đoàn 10 Rừng Sác. Đó cũng là những công trình ghi dấu vào lịch sử dân tộc, ghi dấu và tôn vinh con người, nhân cách Việt Nam.
Trần Thu Hằng