Đã nhiều lần ghé qua Long Khánh và cũng từng nghe nói về những biệt thự Pháp còn sót lại ở đây nhưng gần đây chúng tôi mới có dịp khám phá và thật sự ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của di sản mà người Pháp để lại.
Đã nhiều lần ghé qua Long Khánh và cũng từng nghe nói về những biệt thự Pháp còn sót lại ở đây nhưng gần đây chúng tôi mới có dịp khám phá và thật sự ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của di sản mà người Pháp để lại. Và cũng thật không ngoa khi người ta ví khu vực tập trung các biệt thự ở Suối Tre, Xuân Lập (TP.Long Khánh) là một “Đà Lạt của miền Đông” xét trên yếu tố cảnh quan kiến trúc biệt thự.
Từ quốc lộ 1 rẽ vào P.Xuân Lập vài chục mét là một con đường rợp bóng cây cổ thụ (ảnh 1) và rải rác quanh đó là một số biệt thự cổ mang kiến trúc Pháp. Các biệt thự tọa lạc trên khuôn viên đất rộng từ 1-2 ngàn m2; được tính toán cẩn thận về chiều cao công trình (phổ biến chỉ 2 tầng để không cao hơn ngọn cây xung quanh) với vật liệu kiến trúc đặc trưng là móng đá, tường gạch, cửa gỗ và có nhiều cửa sổ lớn để đón gió vào mùa nắng nóng (ảnh 2, 4).
Tập trung nhiều nhất và đáng giá nhất vẫn là khu vực Trung tâm Văn hóa Suối Tre do Tổng công ty Cao su Đồng Nai quản lý với nhiều ngôi biệt thự được xây dựng nằm khuất giữa rừng cây đặc hữu của vùng Đông Nam bộ và trên các quả đồi để tạo sự mát mẻ (ảnh 3). So với các khu biệt thự cổ Đà Lạt như Lê Lai, Trần Hưng Đạo thì không bề thế bằng và phần lớn các biệt thự ở Long Khánh được xây dựng vào khoảng thập niên 30 của thế kỷ trước. Tuy nhiên điều giá trị hơn cả chính là khững khu rừng cảnh quan xung quanh các biệt thự ở Suối Tre xứng đáng được gọi là di sản (ảnh 5) và nơi đây vẫn là điểm đến của du khách lẫn dân địa phương, nhất là giới trẻ (ảnh 6, 7).
Chỉ tiếc là một số kiến trúc đã xuống cấp theo thời gian và rất cần có hướng nâng cấp, tôn tạo để phát huy giá trị của di tích trong bảo tồn kiến trúc, phát triển du lịch.
Quang Phú