Báo Đồng Nai điện tử
En

Từ chuyện nâng cao thể trạng, sức khỏe người dân

11:03, 11/03/2023

Cải thiện và nâng cao thể trạng, sức khỏe người dân không còn là vấn đề của riêng mỗi người dân, từng gia đình mà suốt những năm qua đã được xem là chuyện "quốc gia đại sự", được cả xã hội quan tâm.

Cải thiện và nâng cao thể trạng, sức khỏe người dân không còn là vấn đề của riêng mỗi người dân, từng gia đình mà suốt những năm qua đã được xem là chuyện “quốc gia đại sự”, được cả xã hội quan tâm.

Một buổi sinh hoạt của CLB 30 phút sống khỏe mỗi ngày. Ảnh: Huy Anh
Một buổi sinh hoạt của CLB 30 phút sống khỏe mỗi ngày. Ảnh: Huy Anh

Năm 2022, trên trang Vietnamplus có đăng tin Chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam tăng sau 20 năm, thông tin: “Chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam tăng lên sau 20 năm. Theo đó, nữ trung bình cao 152,3cm (năm 2000) đã tăng lên 155,6cm (năm 2020). Như vậy nữ Việt Nam đã tăng 3,3cm trong 20 năm. Nam giới Việt Nam cao trung bình 162,3cm (năm 2000) đã tăng lên 168,1cm (2020)... Chiều cao của người Việt Nam đang đứng thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á, xếp sau Singapore, Thái Lan và Malaysia. Tỷ lệ tăng chiều cao của người Việt trong 20 năm so với quốc gia ở châu Á như Nhật Bản vẫn chưa đạt như mong muốn”.

Quả thật, việc cải thiện chiều cao, thể trạng của người dân không phải là việc làm trong một sớm một chiều. Bằng chứng là theo thông tin dẫn chứng nêu trên, có thể thấy, phải mất cả một thế hệ (20 năm), chiều cao của người Việt mới chỉ tăng lên trung bình 3-6cm. Dĩ nhiên là mức tăng đó chưa đạt như mong muốn của số đông. Vì qua thông tin trên Báo Tuổi Trẻ, được biết: “Hà Nội đặt mục tiêu tới năm 2030, chiều cao của nam thanh niên sẽ đạt 170,5cm và nữ là 159cm. Còn tại TP.HCM, đến năm 2030 mục tiêu chiều cao trung bình nam là 168,5cm và nữ là 157,5cm”.

Không thể bàn đến việc cải thiện thể trạng và sức khỏe của người dân mà bỏ qua yếu tố quan trọng là rèn luyện thể chất.

Để mục tiêu cải thiện chiều cao trên khả thi, cần cả một quá trình lâu dài, cần phải đảm bảo các yếu tố như dinh dưỡng, hoạt động thể chất, lối sống, cũng như liên quan đến gene… Nếu như vấn đề liên quan đến hệ gene, chúng ta khó có thể can thiệp, thì còn lại là vấn đề dinh dưỡng, hoạt động thể chất, lối sống… là điều mỗi người và gia đình đều có thể tác động trực tiếp từng ngày nhằm cải thiện thể trạng, nâng cao sức khỏe.

Trước hết là về vấn đề dinh dưỡng. Khi cuộc sống ngày càng phát triển, đời sống vật chất của ngày càng nâng cao, thì câu chuyện từ “ăn no” vào những năm tháng khó khăn trước đây đã chuyển sang “ăn ngon”. Bữa ăn với đầy đủ chất dinh dưỡng hơn với các nhóm chất đạm - chất béo - chất bột - chất đường - rau và hoa quả. Tuy nhiên, suốt một thời gian, nhiều người dân, trong đó đặc biệt là trẻ em, thường dùng và yêu thích thức ăn nhanh (fastfood) kèm nước ngọt có ga, góp phần dẫn đến tình trạng béo phì cao ở các đô thị lớn. Ngày nay, câu chuyện dinh dưỡng thời thượng đã theo một hướng khác. Đó là “ăn ngon” nhưng cũng phải đảm bảo “healthy” - “ăn khỏe” - “ăn xanh”.

Bữa cơm của các gia đình ở đô thị hoặc những gia đình có điều kiện kinh tế khá giả hơn tất nhiên sẽ có nhiều sự lựa chọn và phong phú hơn, đáp ứng các yếu tố, tiêu chuẩn dinh dưỡng cần có. Song bữa ăn ở những gia đình nông thôn hoặc những gia đình có điều kiện kinh tế còn khó khăn cũng cần được lưu ý, nhất là khi đối mặt với biểu đồ gia tăng của giá cả hiện nay. Chăm lo nâng cao đời sống kinh tế vốn là xuất phát điểm, là trung tâm của các chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước; đồng thời cũng là mối quan tâm hàng đầu của của mỗi người dân và từng gia đình.  

Bên cạnh đó, trẻ khó có thể đạt được chiều cao mong muốn nếu không được vận động thể dục - thể thao thường xuyên. Thực tế, trong chương trình giáo dục chính quy của Bộ GD-ĐT hiện nay, môn Giáo dục thể chất và vận động đã được quan tâm và chú trọng giảng dạy từ bậc học mầm non. Tuy nhiên, như với trẻ tiểu học - giai đoạn tuổi tiền dậy thì - mỗi tuần chừng 2 tiết học Giáo dục thể chất (mỗi tiết học chừng 45 phút) thì xem ra vẫn chưa đủ để đạt chiều cao như mong muốn. Những môn như bơi lội, bóng rổ, bóng chuyền, cầu lông, nhảy dây, xà đơn, bóng đá… được xem là “liều thuốc bổ đắc lực” để phát triển chiều cao cho trẻ.

Vấn đề đặt ra ở đây là số trẻ được đến các cơ sở giáo dục thể thao để học tập và rèn luyện thể dục thể thao thực sự chưa nhiều. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, trong đó phần đông đến từ áp lực của việc học chữ còn nặng nề, nhưng chủ yếu là do phụ huynh lẫn học sinh chưa thực sự coi trọng việc luyện tập thể dục - thể thao thường xuyên.

Việc đưa đón con sau giờ tan trường và đến các cơ sở luyện tập thể dục thể thao dĩ nhiên là mất rất nhiều công sức, thời gian của phụ huynh, sau một ngày dài ở các xưởng chuyền, nhà máy, công ty; dù vậy, điều đạt được là rất đáng khi các con của chúng ta có được một sức khỏe dẻo dai, một thể trạng tốt nhất để học tập và lao động trong tương lai.

Việc luyện tập, rèn luyện thể dục thể thao không phải là việc khó khăn, phải tốn nhiều kinh phí, thời gian mới có thể làm được. Chỉ cần với ý chí quyết tâm, sắp xếp thời gian hợp lý, thì mỗi người đều có thể tự chọn cho mình môn thể dục - thể thao phù hợp với điều kiện, sở thích. Từ đó hình thành một lối sống năng động, tích cực cho bản thân, cùng gia đình và lan tỏa trong cộng đồng xã hội.

Tiếp đến là vấn đề lối sống. Thể trạng của người dân khó có thể mà cải thiện được nếu trong giai đoạn tăng trưởng về chiều cao mà trẻ “ghiền điện thoại” để thâu đêm suốt sáng chơi game online, coi phim, lướt mạng xã hội, hoặc có lối sống thiếu lành mạnh như nghiện chất kích thích, sử dụng rượu bia, thuốc lá... Hay sức khỏe của mỗi người dân khó có thể đảm bảo nếu sa vào rượu bia, thuốc lá thường xuyên mà không chú trọng đến việc luyện tập thể dục thể thao.

Khi cuộc sống ngày càng phát triển, người dân quan tâm nhiều đến chăm sóc, cải thiện sức khỏe, nhất là tuổi trung niên trở đi. Đồng chí Nguyễn Sơn Hùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh, vào ngày 21-1 (nhằm 30 Tết) khi dẫn đầu đoàn công tác của tỉnh đi chúc Tết các bệnh viện lớn trong tỉnh đã nhấn mạnh thông tin: “Thống kê cho thấy tuổi thọ trung bình của người dân Đồng Nai là 74,5 tuổi (tuổi thọ trung bình của người dân cả nước là 72 tuổi). Tuy nhiên, trong 10 năm cuối đời thì người dân sống không khỏe, chịu nhiều bệnh tật”.

Cũng trong số báo Đồng Nai cuối tuần hôm nay, Giám đốc Sở VH-TTDL Lê Thị Ngọc Loan nêu ý kiến nhấn mạnh: “Khi cả xã hội xây dựng thói quen tập thể dục mỗi ngày sẽ giúp người dân trở nên khỏe mạnh hơn, năng động hơn. Thể thao cộng đồng còn hướng con người hướng đến lối sống lành mạnh, tránh xa được bệnh tật, giúp xã hội phát triển bền vững”.           

Mỹ Ngôn

Tin xem nhiều