Báo Đồng Nai điện tử
En

Phú Đông trong dòng chảy Nhơn Trạch

08:02, 10/02/2023

Sông Đồng Nai nay chảy xuyên qua Biên Hòa, một tỉnh rộng lớn của Nam Kỳ lục tỉnh thời Minh Mạng phân chia đơn vị hành chánh trên cả nước vào năm 1832.

Sông Đồng Nai nay chảy xuyên qua Biên Hòa, một tỉnh rộng lớn của Nam Kỳ lục tỉnh thời Minh Mạng phân chia đơn vị hành chánh trên cả nước vào năm 1832.

Nhà Bia tưởng niệm di tích địa điểm Giồng Sắn
Nhà Bia tưởng niệm di tích địa điểm Giồng Sắn

Phạm vi địa giới này đã nhiều lần thay đổi qua các thể chế quản lý. Ngày nay, sông Đồng Nai có những đoạn trở thành ranh giới tự nhiên của một số xã, huyện của các tỉnh thành ở miền Đông Nam bộ. Miệt hạ sông Đồng Nai vùng Nhơn Trạch có nhiều chi lưu hợp thành mà nhìn từ trên cao xuống, có mạng lưới các sông, rạch, bến, giồng… thuận lợi cho việc khai khẩn. Cách đây nhiều thế kỷ, những di dân từ các nơi khác đã tìm đến sinh sống, canh tác, khai thác các nguồn lợi thủy sản.

* Những làng cổ Nam bộ

Năm 1994, xã Phú Đông được thành lập khá muộn trong hành chính của H.Nhơn Trạch, trên cơ sở ấp Thị Cầu (xã Đại Phước), ấp Giồng Ông Đông (xã Phú Hữu) nhưng là vùng đất được cư dân khai phá sớm. Khu vực có nhiều sông rạch của Phú Đông và phụ cận hình thành các thôn, làng khá sớm: Lương Phú Đông, Lương Thiện (rạch Ông Mai, có 4 ấp Thành Hòa/rạch Ca, rạch Bãi, rạch Miễu, rạch Miểu Sành), Phước Lương/Cảnh Dương (có 3 ấp rạch Cá, rạch Ông Đông, rạch Ông Chuốc/bến đò Cát Lái), Phước Thạnh/Suối Nước (có 4 ấp rạch Giồng, Bến Cộ, Bàu Sen, cù lao Ông Còn), An Phú, Phước Lý (Ông Kèo, có 4 ấp rạch Giồng, Suối Ngang/Xoài Minh, Bến Đình, Phước Thành/Rạch Vọp).

Những làng quê tại Phú Đông có những đặc điểm của làng cổ Nam bộ. Các thôn, làng được lập với nhiều tên gọi qua những lần mở rộng, sát nhập, kế thừa lẫn nhau. Cộng đồng cư dân khai khẩn đến địa bàn này theo đường thủy, chọn những gò đất cao ráo, ven sông rạch định cư, vừa thuận lợi đi lại, không bị ngập lụt và môi trường thuận lợi nhiều mặt.

Những giá trị từ truyền thống văn hóa và lịch sử và vị thế mới của Phú Đông luôn vận động trong quy luật phát triển kinh tế - xã hội của H.Nhơn Trạch, của tỉnh và liên vùng hướng đến phát triển trong tương lai.

Khi dân số phát triển đông, cộng thêm dòng người mới đến, họ bắt đầu tiến sâu vào đồng nội. Các thành viên trong làng thường có quan hệ huyết thống, thân tộc, bạn bè và hệ thống chính quyền ban đầu mang tính tự trị, tự quản. Bộ máy hành chính của làng xã Nam bộ được thể chế hóa bằng pháp lý qua những lần sắp xếp của chính quyền, đặc biệt thời vua Tự Đức với những quy định khá cụ thể: trên 200 dân đinh, khai khẩn trên 100 mẫu thì được phép thành lập một thôn lớn, gọi là xã; có từ 50-200 dân đinh, khai khẩn từ 50-100 mẫu, được phép thành lập một thôn nhỏ, gọi là thôn; có khoảng 10 dân đinh, khai khẩn khoảng 10 mẫu thì được phép thành lập một thôn nhỏ hơn, gọi là ấp (có khi gọi là giáp, lân, trại, lý) .

Một số địa danh ở Phú Đông gắn với những truyện tích được lưu truyền trong đời sống dân gian. Hiện nay, xã Phú Đông có 5 đơn vị hành chính cấp ấp: Thị Cầu, Bến Đình, Bến Ngự, Giồng Ông Đông, Phú Tân.

Địa danh Bến Ngự phản ánh đặc điểm của vùng sông nước, là nơi thuận tiện cho việc các phương tiện đường thủy (xuồng, ghe, thuyền) neo đậu thường xuyên. Chữ Ngự trong địa danh được giải thích có liên quan đến chúa Nguyễn Ánh trong thời kỳ cùng tùy tùng, binh sĩ nương trú khi bị nghĩa quân Tây Sơn truy đuổi. Tôn trọng chúa Nguyễn Ánh sau này là vua Gia Long nên người dân đặt tên là Bến Ngự.

Ấp Bến Đình là địa điểm có địa thế tự nhiên của vùng sông rạch gắn với thiết chế tín ngưỡng của cư dân địa phương với ngôi đình thờ thần Thành hoàng làng. Tên gọi Thị Cầu có lẽ xuất hiện từ sau năm 1954, khi những giáo dân từ vùng Thị Cầu và Đông Vĩ, Phương Tiến… (giáo phận Bắc Ninh, miền Bắc Việt Nam) đến đây sinh sống. Người dân di cứ lấy tên từ miền vùng quê gốc đặt cho khu vực định cư mới. Phú Tân là tên ấp được đặt khi thành lập sau này với mong ước vùng đất mới này được trù phú.

Đặc biệt, địa bàn Phú Đông và phụ cận có một số địa danh của rạch, giồng bắt đầu chữ Ông khá phổ biến ở vùng Nhơn Trạch: Ông Đông, Ông Mai (Phú Đông), Ông Chuốc (xã Phú Hữu), Ông Kèo, Ông Thuộc (xã Phước Khánh), Ông Còn (xã Đại Phước).

Có nhiều cách giải thích về nguồn gốc địa danh mang chữ Ông đứng trước, thuộc về giới tính nam và là những người có công với vùng đất này. Trong đó có giả thuyết cho rằng 5 ông (Đông, Mai, Chuốc, Thuộc, Kèo) là những vị tướng cầm quân của chúa Nguyễn Ánh trong thời gian trú ngụ tại đây. Giồng Ông Đông là tên gọi của ấp, trước hết phản ánh địa thế tự nhiên của vùng đất cao hơn ruộng, có người dân sinh sống, làm vườn, trồng cây. Rạch Ông Kèo được lý giải xưa đoạn sông này xuất hiện nhiều cá sấu. Tới mùa sinh sản, từng cặp cá sấu nổi lên trên mặt nước thực hiện hành vi giao phối “kèo nhau”. Địa danh Giồng Sắn được cho là “trại” từ Giồng Xoắn - vốn là một giồng cát dài, ngoằn ngoèo, như xoắn lấy nhau.

* Tích lũy, hình thành tri thức dân gian

Trải qua quá trình dài tụ cư, người dân Phú Đông tích lũy, hình thành những tri thức dân gian. Với đặc điểm sông nước, đi lại và sinh sống phần lớn trên sông rạch, trước đây, có một số hộ dân làm nghề thủ công đóng xuồng ghe, đan và gia công lưới để phục vụ cho gia đình cũng như trao đổi khi người dân có nhu cầu. Nhà cửa xưa ở Phú Đông được làm với nguyên vật liệu tại chỗ, đơn sơ, khai thác trong tự nhiên như các loại cây gỗ, lá dừa nước. Từ nhu cầu của làm nhà ở và trang trí, sắm sửa những vật dụng gỗ, ở Phú Đông vẫn còn những hộ gia đình duy trì nghề mộc.

Bản đồ thời Pháp về vùng Phú Đông và phụ cận
Bản đồ thời Pháp về vùng Phú Đông và phụ cận

Tri thức dân gian của người dân Phú Đông ngày càng đa dạng trong quá trình thích nghi với môi trường sống. Những kinh nghiệm xem thời tiết để bước vào vụ mùa mới, xuống giống cây trồng, những bài thuốc dân gian trong chữa những bệnh thông thường trong khai thác từ môi trường tại chỗ. Trong môi trường lao động, hình thành những loại hình văn học dân gian như truyện kể về địa danh, sự tích của các thần linh được tôn thờ, những kiêng kỵ trong cuộc sống cũng như các loại dân ca hò vè.

Ở Phú Đông, việc làm ruộng xưa có sự vần công đông người đã nảy sinh loại hình hò cấy vui nhộn. Lối diễn xướng dân dã này vừa góp vui cho cuộc sống, giải trí cho những người làm việc trên cánh đồng. Một câu hò được sưu tầm ở ấp Thị Cầu có tính chất giao duyên như:

“Chàng trai: Hò… ơ… Đầu em đội chiếc khăn vuông, dưới chân em có cau buồng trổ bông. Má em vừa đẹp vừa hồng, cho em xin hỏi có chồng hay chưa hò… ơ…

Cô gái đáp: Hò… ơ… Anh hỏi em thành thật xin thưa, cảnh nhà đơn chiếc nên chưa có chồng…hò…ơ…”.

Hiện nay, trên địa bàn xã Phú Đông có di tích Giồng Sắn thuộc ấp Bến Đình. Địa điểm Ngã ba Giồng Sắn gắn với sự kiện thảm sát người dân vô tội của quân đội Mỹ và chế độ Sài Gòn vào tháng 10-1964. Năm 1984, địa phương xây dựng bia tưởng niệm tại đây và địa điểm này được tỉnh Đồng Nai xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2004.

Trong nhịp sống hiện tại với nhiều đổi thay, qua nhiều thời kỳ có sự sát nhập, chia tách hành chính, từ làng thôn xưa “đất rộng, người thưa” đến hôm nay đã lên phát triển công nghiệp hóa, đô thị hóa, cư dân xã Phú Đông chịu tác động bởi nhiều yếu tố. Sự cộng cư của nhiều thành phần dân tộc làm cho sắc thái của Phú Đông đa dạng hơn nhưng cũng đặt ra những nhu cầu trong đời sống văn hóa tinh thần càng lớn. Hoạt động kinh tế chủ yếu từ nông nghiệp đã chuyển dịch qua tỷ lệ cơ cấu kinh tế công nghiệp, thương mại, dịch vụ cũng như điều kiện cơ sở hạ tầng được xây dựng, phát triển theo hướng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu mang tính chất bền vững.

Phan Đình Dũng

Tin xem nhiều