Sinh ra và lớn lên ở xứ đạo toàn tòng, anh thanh niên Thân Hợp Tuyển vẫn có cái nhìn khác, cách nghĩ khác, lối đi khác và đã tìm đến với cách mạng với mong mỏi người dân quanh mình sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Sinh ra và lớn lên ở xứ đạo toàn tòng, anh thanh niên Thân Hợp Tuyển vẫn có cái nhìn khác, cách nghĩ khác, lối đi khác và đã tìm đến với cách mạng với mong mỏi người dân quanh mình sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Từ năm 1955-1959, vùng đất Vĩnh Thanh (H.Nhơn Trạch) trở thành nơi “đất lành chim đậu” của khoảng 7 ngàn đồng bào Công giáo di cư. Dưới chủ trương gây chia rẽ lương - giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm, giáo dân di cư sống co cụm trong các giáo xứ, cách biệt với cộng đồng người bản địa Vĩnh Thanh. Đặc biệt, từ khi chính quyền Sài Gòn chủ trương xây dựng ấp chiến lược, 8 giáo xứ ở xã Vĩnh Thanh vô hình trung trở thành 8 “pháo đài chống Cộng”, trong khi người dân bản địa ở 2 ấp Ông Kèo (nay là ấp Chính Nghĩa) và Xoài Minh (nay là ấp Thanh Minh) vẫn một lòng hướng về cách mạng. Trong lúc nhiều thanh niên Ông Kèo và Xoài Minh thoát ly theo cách mạng thì phần lớn thanh niên 8 ấp di cư lại gia nhập quân đội, cảnh sát hoặc làm việc cho chính quyền chế độ cũ. Cùng là dân một xã nhưng mâu thuẫn, đối chọi giữa 2 cộng đồng lương - giáo khá gay gắt.
* Tìm đến cách mạng
Ở tuổi 17, anh Tuyển nhận thấy cuộc sống của người dân quanh mình ngày càng ngột ngạt. Người dân giáo xứ Thiết Nham (nay là ấp Đoàn Kết) nơi anh sống cũng như các giáo xứ khác ở Vĩnh Thanh đều phải sống trong ấp chiến lược bao bọc bằng hàng rào kẽm gai với hệ thống giao thông hào kín như bưng đến mức chó chui cũng không lọt, mỗi cổng ấp đều có phòng vệ dân sự canh gác chặt chẽ. Các giáo dân phần lớn đều một nghèo hai trắng, ngày ngày vất vả trên ruộng rẫy bòn mót từng hột lúa, củ khoai mà còn phải chịu cảnh o ép, ra vào phải trình báo, khám xét, buổi tối phải thay phiên đi tuần tra. Trong lòng anh mong muốn thay đổi cuộc sống ấy nhưng không biết phải làm sao nên nảy ra ý muốn đi theo cách mạng. Chưa từng biết đến một ai làm cách mạng, nhưng nghe nói “Việt cộng” ở trong rừng nên một ngày cuối năm 1972, anh cứ thế rời nhà đi vào rừng, lòng tin tưởng cứ đi tìm sẽ gặp.
Ban Thường vụ Huyện ủy Nhơn Trạch nhận định rằng, đồng bào Công giáo di cư Vĩnh Thanh là một bộ phận máu thịt của dân tộc, đa số đều có tinh thần yêu nước, chỉ do sự khích bác, cố tình gây chia rẽ của địch cũng như do chưa hiểu hết về cách mạng nên đồng bào Công giáo mới có sự dè dặt, phân cách, vì vậy cần phải xóa tan hiểu lầm, kéo gần khoảng cách, đưa giáo dân vào khối đại đoàn kết dân tộc. Trên cơ sở đó, khoảng cuối năm 1972, huyện đã thành lập Đội vũ trang tuyên truyền di cư, đồng chí Phạm Văn Duyên là Bí thư, Hồ Thanh Lâm là Đội trưởng. Nhiệm vụ của đội, như tên gọi, là tìm nhiều cách để tiếp cận, tuyên truyền cho người dân Công giáo di cư hiểu đường lối, mục tiêu của phong trào giải phóng dân tộc, qua đó làm thay đổi nhận thức đối với cách mạng, thay đổi về suy nghĩ, thái độ và tiến đến tạo hành động trong đồng bào Công giáo di cư ở Vĩnh Thanh.
|
Đi đến trưa, anh Tuyển gặp một em nhỏ khoảng 9-10 tuổi, hỏi anh đi đâu. Anh Tuyển thật thà trả lời muốn đi gặp Việt cộng. Em nhỏ trợn mắt: “Nói giỡn hoài ông. Thôi, ông đi về đi, không thôi lính biết được là chết đó”. Rồi em bỏ đi, còn anh Tuyển quyết tâm đi tiếp vào rừng, cho đến lúc mệt mỏi anh nằm ngủ dưới gốc cây. Đến chiều em nhỏ quay trở lại, hỏi: “Bộ ông đi tìm Việt cộng thiệt hả”, anh Tuyển gật đầu, thế là em nhỏ đưa anh đến gặp Lê Trung Thành, chiến sĩ của Đội vũ trang tuyên truyền di cư, còn gọi là K11. Sau khi hỏi kỹ lý lịch, nguyện vọng và trải qua thử thách, đồng chí Phạm Văn Duyên, Bí thư K11 nhận anh Tuyển vào đội.
* “Từ ấy, trong tôi bừng nắng hạ”
Thực hiện nhiệm vụ, các chiến sĩ K11 phân công nhau ra khu vực Cống Bò (nay thuộc ấp Đoàn Kết) - là nơi một số giáo dân di cư trong ấp thường đến làm rẫy, chặt củi - để làm công tác dân vận. Ban đầu các giáo dân thấy các chiến sĩ thì sợ hãi, bỏ chạy. Có lúc không kịp bỏ chạy, các giáo dân cứ run cầm cập khi nghe người “phía bên kia” hỏi chuyện. Nghe đồng chí Duyên nói giọng Bắc và nhìn vẻ mặt đôn hậu, hiền lành, họ bình tĩnh trở lại và bắt đầu yên tâm trò chuyện. Phải mấy lần “bắt chuyện” như thế, các giáo dân mới dần dần hết sợ Việt cộng. Thấy bà con Công giáo di cư hầu hết đều là người lao động, nông dân nghèo chỉ biết lam lũ làm ăn, đồng chí Duyên bàn cùng anh em trong đội tìm cách giúp đỡ bà con đỡ nhọc nhằn hơn trong cuộc mưu sinh. Biết bà con buổi trưa sau khi làm việc xong thường tìm nơi có bóng mát ngồi ăn cơm, nghỉ trưa, cả đội đã xúm nhau chặt cây, đánh tranh cất vài căn chòi cho giáo dân có nơi nghỉ ngơi.
Một thời gian sau các giáo dân dần quen với “Việt cộng”, các chiến sĩ bắt đầu giúp bà con làm việc, không nề hà nặng nhọc, vất vả. Trong khu vực này có căn cứ của Trung đoàn Hắc Báo Thái Lan cũ, đã bỏ hoang, người dân hay ra đây tháo gỡ vật liệu đem về sử dụng, các chiến sĩ K11 cũng tháo dây kẽm gai, nhổ cọc sắt bó lại để đó cho dân ra lấy. Dần dần giáo dân từ bớt sợ đến ngày càng quý mến, một số giáo dân ở ấp Thiết Nham còn mua giúp thuốc men, lương thực cho đội. Từ các giáo dân này, tin “mấy ông Việt cộng trong rừng hiền lành, dễ mến, hay giúp dân” dần lan rộng trong các giáo xứ, nhiều người (chủ yếu là phụ nữ) vì tò mò cũng kéo nhau vào rừng “xem mặt Việt cộng”, kháo với nhau “Việt cộng cũng to con, bảnh trai chứ đâu có ốm yếu 3, 4 người đeo cành đu đủ không gãy” như bọn lính thường xuyên tạc.
Đặc biệt, từ lúc có anh Tuyển gia nhập K11, thông tin “Việt cộng không có ghét người Công giáo”, “dân Công giáo cũng có người tham gia Việt cộng” lan ra mạnh mẽ trong cộng đồng dân di cư, góp phần thay đổi phần nào nhận thức của giáo dân về cách mạng. Từ mấy gia đình ở giáo xứ Thiết Nham ban đầu, sau đó nhiều giáo dân ở các ấp lân cận là Đại Điền (nay là ấp Đại Thắng), Nghĩa Mỹ (nay là ấp Nhất Trí) cũng có cảm tình với cách mạng, thường xuyên giúp đỡ các chiến sĩ K11. Qua gần gũi, tiếp xúc, đồng chí Duyên đã giác ngộ và “móc” được 5 thanh niên, trong đó có một liên toán trưởng nhân dân tự vệ, tình nguyện cung cấp tin tức và sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ do an ninh huyện giao...
Trường hợp của thanh niên Thân Hợp Tuyển cho thấy dù địch nhận định Vĩnh Thanh là “vùng trắng”, nhưng trong thực tế phong trào cách mạng nơi đây vẫn phát triển mạnh mẽ, người dân vẫn che chở, giúp đỡ cán bộ, chiến sĩ cách mạng, thanh niên Vĩnh Thanh vẫn hướng về cách mạng. Ngày 5-9-1974, thanh niên Thân Hợp Tuyển được kết nạp Đoàn, giữ nhiệm vụ Bí thư Chi đoàn của K11. Ngày 28-4-1975, Thân Hợp Tuyển và các chiến sĩ K11 tham gia góp phần giải phóng xã Vĩnh Thanh. Quê hương hòa bình, Thân Hợp Tuyển giữ nhiệm vụ Bí thư Chi đoàn xã Vĩnh Thanh, cùng với đoàn viên và các tầng lớp nhân dân trong xã thực hiện công trình thủy lợi đắp đập Ông Kèo, tham gia khai hoang Nông trường Đồng Khởi (xã Phước Thiền, H.Nhơn Trạch), Nông trường Sông Ray (nay thuộc địa bàn xã Sông Ray, H.Cẩm Mỹ)… Người chiến sĩ K11 năm xưa hiện là hội viên Hội Cựu chiến binh của địa phương, vào các dịp lễ thường tham gia giao lưu, nói chuyện về truyền thống với đoàn viên, học sinh các trường ở Vĩnh Thanh. |
Hà Lam