Sau gần 2 năm bị "bó chân" bởi đại dịch Covid-19, nếu mùa hè vừa rồi khách du lịch và các "phượt thủ" đã đổ bộ lên cao nguyên Mộc Châu (tỉnh Sơn La) để vào các thung lũng Nà Ka, Mu Náu, Co Kéo, Phiêng Khoang…
Sau gần 2 năm bị “bó chân” bởi đại dịch Covid-19, nếu mùa hè vừa rồi khách du lịch và các “phượt thủ” đã đổ bộ lên cao nguyên Mộc Châu (tỉnh Sơn La) để vào các thung lũng Nà Ka, Mu Náu, Co Kéo, Phiêng Khoang… thưởng thức mận hậu - loại trái cây mùa hè đặc sản nổi tiếng của vùng cao phương Bắc thì mùa thu này Mộc Châu vẫn hút hồn du khách bởi khung cảnh nên thơ.
Một cánh đồng hoa cải trắng trên cao nguyên Mộc Châu |
Bãng lãng sắc thu
Khí hậu cao nguyên Mộc Châu khá đặc biệt. Thời tiết trong một ngày có đủ bốn mùa. Riêng mùa thu thì càng độc đáo hơn. Trên rẻo đất vùng cao có đến hai mùa hoa tam giác mạch trong năm này vào thu dường như được bao phủ bởi một màu trắng tinh khôi ngút ngàn những cánh đồng hoa cải.
Rảo qua thung lũng Nà Ka, bản Pa Phách, bản Áng, Bó Bun… tôi mới nhận thấy dân phượt gọi Mộc Châu là... “thiên đường hoa cải trắng” và cho rằng hoa cải trắng biểu tượng thu trên đất Mộc Châu quả là không sai. Bầu trời Mộc Châu vào thu cao xanh dịu vợi nhưng dưới mặt đất thì sương trắng và hơi lạnh bãng lãng bao quanh, chờn vờn bên sườn núi, các con dốc của mấy khúc đường vòng vèo trong thôn bản tạo ra một không gian diệu kỳ, lãng mạn. Trong cảm giác yên bình đó, ranh giới giữa đất và trời trên cao nguyên trắng này như gần lại. Chợt ngỡ ngàng nhận ra trên những cánh đồng hoa cải trắng còn điểm xuyết thêm nhiều nét chấm phá đỏ, vàng của mấy đám trạng nguyên, dã quỳ nở sớm.
Cao nguyên Mộc Châu mùa thu đẹp và quyến rũ quá. Thảo nào “thiên đường hoa cải trắng” hút khách. Nhưng không chỉ có thế…
Những điểm đến tân kỳ
“Người đi Châu Mộc chiều sương ấy, có thấy hồn lau nẻo bến bờ?”. |
Đã vài lần rong ruổi trên vùng đất Sơn La, tôi biết trước đây Mộc Châu hấp dẫn du khách bởi khung cảnh thiên nhiên với núi rừng hùng vĩ, khí hậu mát mẻ cùng những nông trường trà xanh tươi suốt bốn mùa, đàn bò sữa béo tốt… Đặc biệt, là nơi lưu dấu “đoàn binh không mọc tóc” với di tích lịch sử cấp quốc gia về Trung đoàn 52 lừng lẫy, cùng lá thư của cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp và những câu thơ hùng tráng “Người đi Châu Mộc chiều sương ấy, có thấy hồn lau nẻo bến bờ?” của Quang Dũng trong bài thơ Tây Tiến. Dân phượt còn lên đỉnh ngọn núi sát biên giới Lào để tìm… “nhà ai Pha Luông mưa xa khơi...”. Rồi lần lượt nhiều địa điểm tham quan xuất hiện, nào là đồi chè Trái tim, trang trại Dâu tây (Chimi Farm), thác Dãi Yếm, đồi chè Mộc Sương, vườn hoa Happyland… Đặc sắc hơn là rừng thông bản Áng nơi được xem là “Đà Lạt thu nhỏ của miền Bắc” với một hồ nước tự nhiên rộng đến 5ha được bao quanh bởi rừng thông cao ngút có tuổi đời hàng trăm năm; vốn là nơi sinh sống của bà con dân tộc Thái với những mái nhà sàn truyền thống cùng một nền ẩm thực đặc trưng như cơm lam mềm dẻo, thịt trâu gác bếp thơm dai, cá ống tre đậm vị “mắc khén”. Một đặc sản nữa của Mộc Châu mà tôi rất thích là bê chao; lần nào thưởng thức món ngon này tôi cũng nghĩ về Trại bò sữa Long Thành với việc thải loại bê đực; nhưng khai thác chế biến ra món bê chao khoái khẩu này chưa được thực hiện.
Nay kiến trúc nhà sàn Thái vẫn được bảo tồn và còn được nâng cấp, phát triển thành những dãy nhà gỗ (bungalow) đa dạng kiểu dáng nằm bên bờ hồ được điểm tô bởi các thảm hoa rực rỡ. Đối diện phía kia hồ là công viên với nhiều tượng thú lớn sắc sảo, sinh động. Tôi thật sự có ấn tượng với hình tượng hai bàn tay chạm vào nhau một cách nhẹ nhàng, duyên dáng không kém gì bàn tay xòe ngửa trên cầu vàng ở Bà Nà Hills (Đà Nẵng).
Khu di tích lịch sử Tây Tiến trên đồi Nà Bó |
Một danh thắng được mệnh danh là “báu vật nơi cao nguyên Mộc Châu” là thác Dải Yếm. Danh thắng có cái tên hơi lạ này khởi từ truyền thuyết mà tôi rất… bán tín bán nghi là một cô gái đã dùng dải yếm của mình cứu chàng trai thoát khỏi dòng nước lũ. Không có ai ở trên cao nguyên trắng này xác định được chất liệu và kích cỡ dải yếm của cô gái xưa, nhưng tôi đứng nhìn thác nước Dải Yếm cao đến cả trăm mét chia làm 2 phần, phía trên có 9 tầng trải rộng ra 70m đổ xuống 5 tầng phía dưới tạo ra mặt hồ cách xa 200m thì thấy thác nước trắng xóa này thật hùng vĩ. Độc đáo là ở giữa hai phần thác là một bãi đất bằng phẳng, được bà con dân tộc bản địa làm nơi tổ chức các lễ hội xên bản, xên mường truyền thống.
Cách thác Dải Yếm không xa là một công trình du lịch rất hoành tráng. Đó là cầu kính Tình yêu Mộc Châu. Được xem là “cây cầu 5D đầu tiên và hiện đại nhất thế giới trên lãnh thổ Việt Nam”, cầu dài 100m được xây trên độ cao 20m. Trụ và thân cầu được liên kết bằng 54 ngàn viên thủy tinh màu, biểu trưng cho sự gắn kết của 54 dân tộc anh em Việt Nam. Cầu được sử dụng hệ thống cảm ứng tạo ra 30 hiệu ứng về hình ảnh, màu sắc; trong đó có hình 10 trái tim đỏ hòa quyện với nhau rất đẹp tại điểm đầu cầu trên chân đế hoa sen. Mặt cầu sử dụng 3 lớp kính 5D loại dày 15 ly, chịu được trọng tải 60 tấn. Đứng trên cầu kính tình yêu để nhìn ngắm khung cảnh hoang sơ, hùng vĩ của núi rừng vùng Tây Bắc, dưới chân là thác ghềnh cheo leo, hiểm trở đang cuồn cuộn nước chảy thật nên thơ. Bên cạnh cầu kính tình yêu còn có Cổng mặt trời, Đền Tình yêu và ga Hẹn hò với lối kiến trúc độc lạ.
Ở khu du lịch Mộc Châu Island - một quần thể giải trí và nghỉ dưỡng trên cao nguyên trắng còn có cây cầu kính đi bộ tên Bạch Long được “xác lập kỷ lục cầu kính đi bộ dài nhất thế giới” với tổng chiều dài bắc qua vách 2 ngọn núi 290m và chiều dài men theo vách đá là 342m. Mặt cầu làm bằng kính siêu cường lực được cấu tạo 3 lớp, dày 40 ly. Đứng trên cầu Bạch Long nhìn gần như bao quát cả một vùng núi non cao nguyên trắng; nhưng khi ngó xuống chân thấy phía dưới cầu là vực sâu đến hơn 150m, tôi cũng có cảm giác hơi… ớn lạnh.
Mộc Châu bây giờ vẫn còn những con đường đèo quanh co hiểm trở, những mái nhà sàn nằm cheo leo vách núi và điểm tô bằng những mùa hoa xứ lạnh như: cải trắng, tam giác mạch, mận, đào, lê, ban… lại được đầu tư nhiều công trình du lịch gắn kết với thiên nhiên mang tầm cỡ quốc gia. Điều này làm cho cao nguyên lớn và xinh đẹp nhất của Sơn La luôn hấp dẫn du khách.
Bùi Thuận