Phần lớn các trường công lập tại TP.Biên Hòa và nhiều địa phương khác chưa thể tổ chức bán trú vì thiếu lớp học và cơ sở vật chất. Chính vì vậy, nhiều phụ huynh tiếp tục vất vả chuyện đưa rước con trước và sau giờ học.
Phần lớn các trường công lập tại TP.Biên Hòa và nhiều địa phương khác chưa thể tổ chức bán trú vì thiếu lớp học và cơ sở vật chất. Chính vì vậy, nhiều phụ huynh tiếp tục vất vả chuyện đưa rước con trước và sau giờ học.
Nhiều học sinh tại TP.Biên Hòa đang phải “bán trú” nhà cô vì trường chưa thể triển khai mô hình bán trú. Ảnh: C.Nghĩa |
Chị Bùi Ngọc Điệp (ngụ P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) cho biết: “Vợ chồng tôi đều làm công nhân, hằng ngày phải đi từ sáng đến chiều tối mới về nhà nên việc đón rước con lâu nay rất bất tiện. Sau buổi học sáng của con, vợ chồng tôi phải nhờ giáo viên chủ nhiệm rước về nhà riêng của cô ăn nghỉ, học thêm, đến chiều tối chúng tôi đi làm về thì đến đón”.
* Bất tiện cho phụ huynh
Để được cô chủ nhiệm hỗ trợ việc đưa đón và chăm sóc, mỗi tháng vợ chồng chị Điệp trả phí với số tiền 1,7 triệu đồng, bao gồm chi phí xe đưa rước từ trường về nhà cô, ăn trưa và học thêm buổi chiều. Tuy vậy chị Điệp vẫn không thể an tâm hoàn toàn.
“Nhà cô giáo chủ nhiệm khá chật hẹp nhưng lại chứa tới hơn 30 học sinh cùng về ăn, nghỉ trưa và học thêm buổi chiều. Điều kiện ăn nghỉ chật hẹp, trẻ nhỏ lại hiếu động, hay nghịch ngợm nên tôi rất lo về nguy cơ tai nạn thương tích” - chị Điệp nói.
Phó giám đốc Sở GD-ĐT VÕ NGỌC THẠCH cho biết, Sở GD-ĐT đang tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các trường công lập trên địa bàn tỉnh, đồng thời đẩy mạnh thu hút xã hội hóa giáo dục. Các trường nếu còn khả năng thì xây thêm phòng học đảm bảo có đủ lớp học để triển khai dạy học 2 buổi/ngày, đồng thời các trường có đủ điều kiện dạy học 2 buổi/ngày thì sớm nghiên cứu triển khai bán trú. |
Trong khi đó, anh Giang Thọ Sơn (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) than phiền, 2 con anh học tại Trường tiểu học Trịnh Hoài Đức thuộc địa bàn phường nhưng lại lệch buổi. Buổi sáng anh phải chở con trai lớn học lớp 4 tới trường, đến 11 giờ hơn lại phải chạy đến đón về nhà lo cơm nước cho các con. Đến 12 giờ 30, anh vội đưa người con thứ 2 năm nay học lớp 2 đến trường cho kịp lúc 13 giờ. Sau đó, anh đi làm và đến hơn 16 giờ 15 lại phải đi đón con, trong khi đó thời gian tan sở của cơ quan nhà nước quy định là 16 giờ 30.
Anh Thọ mong ước: “Nếu như nhà trường tổ chức bán trú thì mỗi ngày tôi chỉ phải 2 lần đưa rước thay vì 4 lần như hiện tại”.
Chị Nguyễn Đan Thanh cũng có 2 con học tại Trường tiểu học Trịnh Hoài Đức cho biết, con chị được giáo viên chủ nhiệm nhận trông giữ tại nhà vào buổi trưa và chiều sau khi buổi học sáng kết thúc. Tuy nhiên, cô chủ nhiệm chỉ nhận từ thứ hai đến thứ năm, còn thứ sáu, thứ bảy phụ huynh phải tự đưa đón về nhà, do cô còn phải soạn giáo án và họp chuyên môn vào cuối tuần.
Chị Thanh cho biết, do công việc bận rộn nên ngày thứ sáu và thứ bảy chị cũng không thể đón con ngày 4 lần nên đành phải thuê người đưa rước về nhà để nhờ ông bà nội trông giữ giúp.
Chật vật với chuyện đưa rước con suốt 5 năm học bậc tiểu học vì giờ tan học của con luôn “lệch pha” với giờ tan sở của cha mẹ, bước lên lớp 6 dù con đủ điều kiện đậu vào Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) nhưng anh Lê Đăng Danh ở P.Bửu Long vẫn quyết định cho con học bán trú ở một trường tư trên địa bàn phường với mức học phí khá đắt đỏ.
Anh Danh cho hay, bất tiện nhất khi con học trường công nhưng lại không có bán trú, phải đưa đón nhiều lần trong ngày. Có hôm cha mẹ mải lo công việc, lại kẹt xe con phải ngồi chờ ở vỉa hè cả tiếng đồng hồ…
* Trường bán trú “hút” phụ huynh
Với những phụ huynh bận rộn, không có nhiều thời gian đưa rước con em thì nhà trường tổ chức bán trú chính là một “điểm cộng”.
Chị Đặng Thị Thu Hòa (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) cho hay, các trường tiểu học trên địa bàn phường không có hình thức bán trú. Do đó, trước khi con vào học lớp 1 chị đã xin nhập hộ khẩu sang nhà mẹ đẻ tại P.Tân Mai để có “suất” vào học tại Trường tiểu học Nguyễn An Ninh, vì đây là một trong số ít trường tại TP.Biên Hòa có tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, đặc biệt là nhà trường có tổ chức lớp bán trú.
Trong số 546 trường phổ thông công lập trên toàn tỉnh, hiện chỉ có khoảng 70 trường đủ điều kiện trường lớp để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. |
Chị Hòa cho biết: “Khi con được học 2 buổi/ngày, đồng thời nhà trường có tổ chức bán trú giúp việc đưa đón con tiết kiệm khá nhiều thời gian. Tôi ngại nhất là buổi trưa trời nắng chang chang mà phải ra đường đi đón con về nhà, rồi đầu giờ chiều lại chở con đến trường. Khi trường có bán trú thì cả con lẫn mẹ đều có chút thời gian ăn và nghỉ trưa thoải mái thay vì vất vả đi lại”.
Anh Vũ Thanh Vạn, nhân viên một ngân hàng thương mại trên đường 30-4 (TP.Biên Hòa), hiện có con đang học lớp 2 tại Trường tiểu học Tân Tiến cho biết, trường của con anh học 2 buổi/ngày và có tổ chức bán trú từ thứ hai đến thứ năm hằng tuần. Mỗi suất ăn nhà trường chỉ thu 25 ngàn đồng, con thường ăn hết suất và khen ngon khiến anh cảm thấy an tâm.
Anh cho biết thêm: “Nhà trường có bán trú thì phụ huynh rất nhàn, không phải lo trong giờ làm việc lại phải “trốn sếp” đi đón con. Một vài lần thì được chứ ngày nào cũng vậy chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến công việc”.
Vì không thể tìm được những trường công lập có tổ chức bán trú nên nhiều phụ huynh sẵn sàng chấp nhận mức học phí đắt đỏ để con mình bước vào những trường tư thục có tổ chức bán trú.
Hiệu trưởng một trường tư thục có nhiều cấp học tại P.Tân Hiệp (TP.Biên Hòa) cho biết, hằng năm nhà trường đều khảo sát tâm lý phụ huynh có con vào học tại trường. Ngoài tiêu chí chất lượng dạy và học, cơ sở vật chất, có trên 90% phụ huynh mong muốn nhà trường tổ chức bán trú. Đáng chú ý, có gần 3% học sinh chuyển đến từ trường công lập vì lý do trường cũ không tổ chức bán trú.
* Vì sao ít trường thực hiện bán trú?
Dù đã được đầu tư rất lớn để xây dựng trường lớp nhưng đến nay, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh vẫn đang thiếu phòng học, đặc biệt là địa bàn có nhiều khu công nghiệp, tốc độ đô thị hóa nhanh. Thiếu phòng học khiến các trường không thể tổ chức học 2 buổi/ngày cũng như việc tổ chức bán trú, cho phép học sinh ở lại trường ăn nghỉ trưa và tiếp tục học vào buổi chiều.
Theo Phòng GĐ-ĐT H.Trảng Bom, toàn huyện hiện chỉ có 1 trường công lập có tổ chức hình thức bán trú, đó là Trường tiểu học Cao Bá Quát (TT.Trảng Bom). Để có thể tổ chức bán trú, Ban giám hiệu nhà trường đã phải nỗ lực xây dựng trường chuẩn quốc gia, đồng thời đảm bảo các điều kiện vệ sinh thực phẩm và an toàn cho học sinh trong thời gian bán trú tại trường.
Trong khi đó, tại TP.Long Khánh, một trong những địa phương có tỷ lệ trường từ mầm non đến THPT công lập đạt chuẩn quốc gia cao nhất tỉnh thế nhưng số trường thực hiện bán trú cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Theo hiệu trưởng một số trường, vào các buổi họp phụ huynh đầu năm học, có rất nhiều phụ huynh đề nghị nhà trường xem xét triển khai hình thức bán trú.
Khi triển khai bán trú, từ ban giám hiệu đến giáo viên chủ nhiệm sẽ khá vất vả vì phải cáng thêm nhiều việc, nhất là phải đảm bảo điều kiện ăn uống hợp vệ sinh, chỗ ăn ngủ phải chu đáo. Nhiều trường cũng e ngại tổ chức bán trú vì phát sinh thêm nhiều khoản chi phí như điện, nước “ăn” vào khoản chi thường xuyên được giao vốn rất hạn chế. Đó là chưa kể, giáo viên chủ nhiệm sẽ phải ở lại trường cả vào buổi trưa để hướng dẫn, trông coi học sinh ăn ngủ nhưng thu nhập tăng thêm lại không đáng là bao. Thậm chí không ít giáo viên “e ngại” nếu nhà trường có chủ trương mở bán trú, khi đó giáo viên sẽ mất đi nguồn thu từ việc nhận trông giữ và dạy thêm học sinh tại nhà.
Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn An Ninh (TP.Biên Hòa) HOÀNG THỊ NGỌC: Cần cơ chế khuyến khích nhà trường triển khai bán trú
Việc triển khai bán trú gặp rất nhiều khó khăn nhưng đây là nguyện vọng của phần lớn phụ huynh nên nhà trường xác định phải cố gắng nỗ lực với tinh thần cao nhất có thể. Tuy nhiên, tỉnh cần nghiên cứu cho phép các trường tổ chức hoạt động bán trú được tăng nguồn thu để có thêm nguồn lực chăm lo cho học sinh, đồng thời buồi dưỡng thêm cho giáo viên để tái tạo lại sức khỏe, làm việc tốt hơn.
Chị NGUYỄN THỊ THÙY DUNG, phụ huynh Trường tiểu học Tân Tiến (P.Tân Tiến, TP.Biên Hòa): Đồng hành với nhà trường để chăm sóc con em mình tốt hơn
Tôi rất vui mừng và phấn khởi khi trường của con đã triển khai bán trú. Hằng ngày, con về nhà đều “khoe” thành tích ăn ngon, ngủ tốt ở trường càng khiến tôi thêm phần yên tâm, tin tưởng vào nhà trường. Nhờ nhà trường có hoạt động bán trú mà phụ huynh chúng tôi an tâm làm việc với năng suất và thu nhập cao hơn. Do đó, chúng tôi sẵn sàng đồng hành cùng nhà trường để chăm sóc con em mình tốt hơn.
Thành Nam (ghi)
Công Nghĩa