Báo Đồng Nai điện tử
En

Tinh hoa đất Thăng Long: Nhìn từ Bảo tàng Gốm Bát Tràng…

08:10, 01/10/2022

Chúng tôi có dịp trở lại Bảo tàng Gốm Bát Tràng (Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt, nằm ở thôn 5, xã Bát Tràng, H.Gia Lâm, TP.Hà Nội) - một làng nghề truyền thống lâu đời của Việt Nam để được chứng kiến, trải nghiệm tinh hoa đất Thăng Long ngàn năm văn hiến...

Chúng tôi có dịp trở lại Bảo tàng Gốm Bát Tràng (Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt, nằm ở thôn 5, xã Bát Tràng, H.Gia Lâm, TP.Hà Nội) - một làng nghề truyền thống lâu đời của Việt Nam để được chứng kiến, trải nghiệm tinh hoa đất Thăng Long ngàn năm văn hiến...

Toàn cảnh Bảo tàng Gốm Bát Tràng. Ảnh: Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt cung cấp
Toàn cảnh Bảo tàng Gốm Bát Tràng. Ảnh: Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt cung cấp

Ấn tượng đầu tiên mà Bảo tàng Gốm Bát Tràng đưa đến cho chúng tôi là “7 xoáy ốc khổng lồ” được lấy ý tưởng từ những bàn xoay vuốt gốm cùng những mặt cong uốn lượn mềm mại, tự do cuốn nhau tạo thành “kiệt tác” của vùng đất Thăng Long. Tìm hiểu qua các nguồn, cùng người bạn đồng hành và nhiều khách đến tham quan, thưởng lãm; trực tiếp thấy được các sản phẩm gốm được tạo nên từ bàn tay khéo léo của con người Bát Tràng đã trở thành những “tuyệt kỹ” về gốm sứ… mới thấy hết cái đẹp, tinh túy của vùng đất kinh kỳ hơn ngàn năm tuổi…

* Bảo tồn tinh hoa làng cổ…

Theo bà Phạm Thị Thu Hoài, Phó bí thư thường trực Đảng ủy xã Bát Tràng, Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt mà nhiều người quen gọi là Bảo tàng Gốm Bát Tràng, được đưa vào khai thác sử dụng từ tháng 4-2021 đã trở thành điểm thu hút khách tham quan, thưởng lãm bởi kiến trúc đặc trưng, mô phỏng hình dáng đất nặn trên bàn xoay.

“Từ khi được đưa vào khai thác, sử dụng, Bảo tàng Gốm Bát Tràng là một trong những điểm đến lý tưởng mà khách tham quan không thể bỏ qua khi đến ngoại thành Hà Nội” - bà Thu Hoài khẳng định.

Công trình vừa có cảm hứng từ khối bàn xoay vuốt gốm, vừa có những mặt cong đa diện lại giúp khách tham quan cảm nhận được sự chuyển động mềm mại, tự do; đồng thời có cả hình ảnh lò bầu cổ của người dân Bát Tràng xưa kia cũng như những thành phẩm tinh túy nhất của làng nghề cổ Bát Tràng qua các thế hệ…

Cũng theo bà Hoài, xã Bát Tràng gồm 2 làng nghề: nghề gốm sứ Bát Tràng và nghề gốm sứ Giang Cao. Nhắc đến Bát Tràng, không thể không nhắc tới những tên tuổi như: nghệ nhân nhân dân (NNND) Trần Độ; các nghệ nhân ưu tú Vương Mạnh Tuấn, Tô Thanh Sơn hay cố NNND Vũ Đức Thắng… đã góp phần làm nên tinh hoa làng cổ, góp vào dòng chảy của thủ đô hơn ngàn năm văn hiến.

Bà Hoài cho biết thêm, hiện toàn xã có 5 thôn với khoảng 1 ngàn hộ làm gốm.

Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt được xây dựng trên khu đất rộng hơn 3,3 ngàn m2 từ ý tưởng của nghệ nhân Hà Thị Vinh, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc trung tâm và thiết kế của kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào đã tạo ra một công trình đặc sắc tọa lạc ngay tại làng gốm Bát Tràng - một trong những điểm nhấn của làng nghề đã và đang thu hút đông đảo du khách đến tham quan…

Theo Ban quản lý Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt, khi lên ý tưởng cho công trình, nghệ nhân Hà Thị Vinh luôn đau đáu phải làm thế nào để khi đưa vào khai thác, sử dụng, du khách đến trung tâm ngay từ bước chân đầu tiên đã thấy được ngôn ngữ của nghề - đó là kiến trúc 7 trục xoay.

Nghệ nhân Hà Thị Vinh nhấn mạnh: “7 trục xoay này chính là 7 bàn xoay để vuốt sản phẩm gốm đó là ngôn ngữ của nghề. Thiết kế này gồm những trục xoay với những mặt cong đa diện, cuốn lấy nhau, tạo thành cái hồn của thiết kế. 7 bàn xoay để vuốt gốm lên, còn được kết nối với nhau ở bên ngoài làm thành những con sóng sông Hồng (mặt của bảo tàng hướng ra kênh Bắc Hưng Hải - sông Hồng). Còn đi vào phía trong của các xoáy này, chúng tôi dựng lên như là lòng của lò bầu cổ cách điệu nung gốm mà các cụ tổ tiên nghề gốm đã làm trước đây”.

Tác giả và bạn tham quan Bảo tàng Gốm Bát Tràng. Ảnh: Nguyệt Hà
Tác giả và bạn tham quan Bảo tàng Gốm Bát Tràng. Ảnh: Nguyệt Hà

Ý tưởng và thiết kế để xây dựng nên công trình Bảo tàng Gốm Bát Tràng đã gắn được với kỹ thuật nặn gốm của làng Bát Tràng hàng trăm năm tuổi và thể hiện được tài hoa sáng tạo của các thế hệ nghệ nhân của làng.

* Phấn đấu thành trung tâm cộng đồng, bền vững

Theo lãnh đạo Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt, không chỉ khai thác, sử dụng bảo tàng trong tham quan, thưởng lãm, giới thiệu các sản phẩm tinh hoa làng nghề Việt, trong quá trình phát triển của mình, Trung tâm còn hướng tới mục tiêu trở thành một trung tâm hoạt động vì cộng đồng đạt các tiêu chí bền vững.

Du khách tham quan, chụp hình lưu niệm tại bảo tàng. Ảnh: Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt cung cấp
Du khách tham quan, chụp hình lưu niệm tại bảo tàng. Ảnh: Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt cung cấp

Theo bà Hà Thị Vinh, cùng với thực hiện các chức năng như nơi trưng bày gia phả, hình ảnh, hiện vật về sự phát triển của các dòng họ ở Bát Tràng và trưng bày các sản phẩm tinh hoa của làng gốm cùng các làng nghề thủ công trong cả nước, Trung tâm sẽ tổ chức các khóa đào tạo về chuyển đổi cách thức kinh doanh nhằm bắt kịp xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4…

“Riêng điều này, chúng tôi sẽ tập trung khai thác những điểm đặc sắc: Người Bát Tràng từ xưa đến nay giỏi nghề; tâm huyết, năng động, tháo vát… Từ đó, chúng tôi sẽ giúp họ kết nối, giao lưu trao đổi kinh nghiệm làm nghề; tăng cơ hội gặp gỡ khách hàng, xúc tiến đầu tư; cập nhật công nghệ thông tin mới nhằm tối ưu hiệu quả kinh doanh để người Bát Tràng vừa tự hào có sản phẩm truyền thống vừa “sống được” với chính nghề truyền thống của mình” - bà Hà Thị Vinh khẳng định.

Chị Hoàng Thị Liêm, cán bộ truyền thông của trung tâm cho biết, trung bình khi khách đến tham quan thưởng lãm đều lên các tầng lầu để coi sản phẩm. Ở tầng 2 và 3 là trung tâm của bảo tàng với 54 gian hàng, ki-ốt trưng bày tất cả các sản phẩm gốm sứ được chính người Bát Tràng làm ra; giá cả phải chăng với nhiều loại sản phẩm tinh túy, được hình thành từ bàn tay khéo léo của người dân nơi đây… nên lượng khách đến trung tâm ngày càng nhiều, có những dịp lễ Tết trung bình hơn 10 ngàn lượt khách/ngày.

Chị Liêm bộc bạch: “Tâm lý của khách du lịch, khách mua hàng đều rất sợ mua phải sản phẩm nhái, giả nên khi đến với trung tâm họ thực sự yên tâm. Đây là một trong những điểm nhấn mang tính thương hiệu để cùng quá trình ứng dụng mạnh công nghệ, góp phần trở thành trung tâm cộng đồng với các tiêu chí bền vững”.

Chị Trần Nguyễn Nguyệt Nga (du khách đến từ TP.Đà Nẵng) trầm trồ trước những bộ ấm Tử Sa độc đáo và khu vực trưng bày sản phẩm men rạn từ xương gốm tâm sự: “Tôi đã nghe danh từ lâu nhưng đây là lần đầu tiên được đến tham quan, chiêm nghiệm các sản phẩm từ gốm tại Bát Tràng. Đặc biệt Bảo tàng Gốm Bát Tràng càng giúp tôi hiểu rõ những câu thơ từ thời xa xưa được học: “Ước gì anh lấy được nàng/ Để anh mua gạch Bát Tràng về xây… Chiếu Nga Sơn, gạch Bát Tràng/ Vải tơ Nam Định, lụa hàng Hà Đông. Do đó, tôi đã mua một vài sản phẩm vừa làm quà tặng, vừa là để kỷ niệm cho chuyến đi ý nghĩa này”…

Chủ tịch UBND xã Bát Tràng (H.Gia Lâm, TP.Hà Nội) PHẠM HUY KHÔI chia sẻ, người dân Bát Tràng tự hào vì có đóng góp 4 nghệ nhân trụ cột gồm: “Độ - Thắng - Lợi - Sơn”. NNND Trần Độ nổi tiếng với việc phục chế các dòng gốm cổ Thăng Long. Cố NNND Vũ Đức Thắng được biết với kỹ thuật phủ men chồng màu độc đáo và là người thành lập bảo tàng tư nhân Hồn Đất Việt. Nghệ nhân Nguyễn Lợi cùng nghệ nhân Phạm Thị Châu là cặp vợ chồng duy nhất của làng có các sản phẩm gốm đạt trình độ nghệ thuật cao. Nghệ sĩ ưu tú Tô Thanh Sơn đã tạo ra dòng men rạn từ xương gốm. Tất cả hòa chung dòng chảy làm nên thương hiệu của sản phẩm gốm sứ Bát Tràng - một trong những thành tố cấu thành tinh hoa văn hóa đất Thăng Long ngàn năm văn hiến…

Nguyệt Hà

Tin xem nhiều