Báo Đồng Nai điện tử
En

Diễn viên múa Huỳnh Thanh Tùng: Công nghệ số đưa múa gần hơn với khán giả

07:10, 21/10/2022

HUỲNH THANH TÙNG (diễn viên múa của Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai) là cái tên quen thuộc, tham gia nhiều chương trình nghệ thuật trong và ngoài tỉnh. Cùng với múa, anh còn biên đạo, sáng tạo nên các tác phẩm mang hơi thở mới, ứng dụng công nghệ đưa múa đến gần với công chúng.

HUỲNH THANH TÙNG (diễn viên múa của Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai) là cái tên quen thuộc, tham gia nhiều chương trình nghệ thuật trong và ngoài tỉnh. Cùng với múa, anh còn biên đạo, sáng tạo nên các tác phẩm mang hơi thở mới, ứng dụng công nghệ đưa múa đến gần với công chúng.

Diễn viên múa Huỳnh Thanh Tùng, Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai biểu diễn tiết mục múa Mót
Diễn viên múa Huỳnh Thanh Tùng, Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai biểu diễn tiết mục múa Mót

Hiện tại, anh đang tích cực luyện tập nhằm mang đến liên hoan nghệ thuật Múa TP.HCM mở rộng lần 7-2022 (diễn ra từ ngày 24 đến 26-10) tiết mục nghệ thuật ấn tượng, độc đáo.

* Nỗ lực làm mới mình…

* Để tham gia liên hoan nghệ thuật Múa TP.HCM mở rộng năm 2022 sắp tới, anh đã có sự chuẩn bị như thế nào?

- Đến với liên hoan năm nay, tôi giới thiệu 1 tác phẩm hoàn toàn mới do chính tôi biên đạo và biểu diễn với tên gọi Mót chị. Tác phẩm kể câu chuyện về cuộc đời và số phận của 2 chị em, sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo. Sau khi cha mất, mẹ bỏ đi, người chị đã gồng gánh một mình nuôi em gái. Đến tuổi trăng tròn, người chị bắt đầu biết yêu, nội tâm có sự đấu tranh giữa việc đi theo tiếng gọi của tình yêu hay chọn cách chăm sóc người em…

Bài múa có sự kết hợp giữa múa truyền thống và đương đại, mang đến cho người xem không chỉ cảm xúc mà còn ở sự thăng hoa trong sáng tạo nghệ thuật trên lĩnh vực sáng tác, biên đạo và biểu diễn. Tôi kỳ vọng rằng, qua sân chơi này, tôi được cọ xát, giao lưu nghề nghiệp, tích lũy kinh nghiệm và kỹ năng trong hoạt động nghệ thuật. Và tất nhiên, tôi cũng mong muốn đoạt giải thưởng trong cuộc thi bằng chính khả năng, sự nỗ lực và cố gắng của mình.

Huỳnh Thanh Tùng sinh ra và lớn lên trong một gia đình gốc nông dân ở H.Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk. Năm 2014, anh “bén duyên” và trở thành diễn viên múa chuyên nghiệp của Đoàn Ca múa nhạc Đồng Nai (nay là Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai).

* Mặc dù chưa được đào tạo qua lĩnh vực biên đạo múa, nhưng thời gian qua anh đã ghi dấu với nhiều tác phẩm múa mới, độc đáo. Là một nghệ sĩ trẻ, anh có gặp nhiều khó khăn?

- Khó khăn tất nhiên là có, nhưng đã đam mê thì chắc chắn dám theo đuổi con đường nghệ thuật đã chọn. Nghĩa là không ngại khó, ngại khổ. Với diễn viên múa, chấn thương hay chảy máu trên sàn tập là chuyện thường ngày. Điều đó khiến mình càng phải nỗ lực nhiều hơn.

Với biên đạo, tôi chưa được đào tạo qua bất cứ trường lớp nào. Bắt đầu từ sự ngẫu hứng, tìm tòi và học hỏi những người xung quanh. Tôi cũng may mắn được làm việc với các biên đạo múa giỏi. Đặc biệt, ở nơi tôi công tác - Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai đã tạo điều kiện rất lớn cho tôi vừa có thể múa, vừa có thể biên đạo các tiết mục nghệ thuật (trong và ngoài nhà hát).

* Thường xuyên tham gia các cuộc thi múa chuyên và không chuyên toàn quốc và khu vực, có nhiều bài múa “thắng lớn”, đoạt các giải thưởng cao. Cảm xúc của anh như thế nào?

- Tôi từng đoạt HCV hội diễn ca múa nhạc toàn quốc năm 2015 (tác phẩm Rừng Sác); HCB hội thi tài năng múa toàn quốc năm 2017 (tác phẩm Ký ức). Năm 2022, tôi gặt hái nhiều giải thưởng, huy chương như: HCV hội thi múa không chuyên toàn quốc (tác phẩm Mót); biên đạo múa xuất sắc… Các giải thưởng là niềm hạnh phúc, nguồn động lực to lớn để tôi tiếp tục đến với nghề, lao động và sáng tạo nhiều hơn phục vụ khán giả cũng như theo đuổi đam mê của mình.

* Kiên trì theo đuổi đam mê 

* Múa là bộ môn nghệ thuật khắt khe, có tuổi nghề rất ngắn. Lý do gì khiến anh theo đuổi múa?

- Tiếp xúc với múa từ nhỏ, nhờ có sự động viên, khích lệ của gia đình, tôi đã theo học múa và theo nghề đến nay hơn 10 năm. Theo đuổi múa phải thật kiên trì, duy trì thể lực, duy trì tập luyện để cơ thể mình đáp ứng được từng vai diễn. Mặc dù vất vả nhưng đã yêu múa thì phải chấp nhận vượt nhiều thử thách. Khi múa, tôi được thỏa mãn chính bản thân mình. Tôi hy vọng với những gì mình đã và đang thực hiện sẽ góp phần giúp những người đam mê múa, yêu thích múa chưa dám hết mình với múa tiếp tục theo đuổi với nghệ thuật.

Liên hoan nghệ thuật Múa TP.HCM mở rộng lần 7-2022 sẽ diễn ra tại Nhà hát TP.HCM. Liên hoan năm nay có sự tham gia của gần 150 diễn viên đến từ TP.HCM và các tỉnh lân cận với khoảng 50 tác phẩm múa ở nhiều thể loại.

* Sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội để tiếp cận với công chúng đang là xu thế tất yếu trong thời kỳ công nghệ số, trong đó có múa. Anh đã áp dụng với công việc của mình như thế nào?

- Hiện nay, việc quảng bá tác phẩm nghệ thuật qua các nền tảng online dần trở nên phổ biến. Điều này được Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai thực hiện trong suốt gần 3 năm qua. Với múa, trước đây, nghệ sĩ, diễn viên chỉ múa trên sân khấu, có khoảng cách xa với khán giả thì nay nhờ công nghệ đã rút ngắn được khoảng cách ấy. Nhiều tác phẩm múa của tôi biểu diễn trực tuyến hay ghi hình đăng tải lên mạng xã hội đã thu hút sự quan tâm của khán giả. Nhờ công nghệ và mạng xã hội Facebook, YouTube, nghệ thuật múa, nhất là múa đương đại đến gần hơn với công chúng.

* Ở tuổi 32, anh đã chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo như thế nào?

- Tuổi trẻ là quãng thời gian vô cùng quý báu. Trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục luyện tập, phấn đấu nhiều hơn với mong muốn đưa những trải nghiệm của mình vào từng bài múa và biên đạo nhiều tác phẩm múa mới có giá trị nội dung và nghệ thuật cao, thuyết phục được người xem. Không chỉ biểu diễn trực tiếp mà còn biểu diễn trực tuyến, phục vụ khán giả trong và ngoài tỉnh thông qua mạng xã hội. Ngoài ra, tôi cũng tiếp tục theo đuổi chữ “duyên” trong sáng tác, biên đạo. Tôi tin mọi thứ tốt đẹp nhất đều bắt đầu từ chữ “duyên” này.

* Xin cảm ơn anh!

Ly Na (thực hiện)

Tin xem nhiều