Báo Đồng Nai điện tử
En

Xuất bản, in và phát hành sách Việt Nam: Tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa

08:10, 07/10/2022

Ngành Xuất bản, in và phát hành sách Việt Nam qua quá trình 70 năm hình thành và phát triển (10-10-1952 - 10-10-2022) đã có những đóng góp quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Mục tiêu của ngành trong thời gian tới là "Tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa.

Ngành Xuất bản, in và phát hành sách Việt Nam qua quá trình 70 năm hình thành và phát triển (10-10-1952 - 10-10-2022) đã có những đóng góp quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Mục tiêu của ngành trong thời gian tới là “Tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa.

Một bàn tròn chia sẻ về hoạt động xuất bản do NXB Trẻ tổ chức tại Hà Nội ngày 1-10 với sự tham gia của ông Nguyễn Minh Nhựt (Vụ trưởng Vụ Văn hóa văn nghệ - Ban Tuyên giáo Trung ương), nhà văn Trung Trung Đỉnh, nhà thơ Hữu Việt và nhà nghiên cứu giáo dục, tác giả sách thiếu nhi Nguyễn Thụy Anh (từ phải sang)
Một bàn tròn chia sẻ về hoạt động xuất bản do NXB Trẻ tổ chức tại Hà Nội ngày 1-10 với sự tham gia của ông Nguyễn Minh Nhựt (Vụ trưởng Vụ Văn hóa văn nghệ - Ban Tuyên giáo Trung ương), nhà văn Trung Trung Đỉnh, nhà thơ Hữu Việt và nhà nghiên cứu giáo dục, tác giả sách thiếu nhi Nguyễn Thụy Anh (từ phải sang). Ảnh: Long Khánh

Trải qua 70 năm hình thành, xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng, ngành Xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành và có bước phát triển vượt bậc. Cả 3 lĩnh vực: xuất bản, in và phát hành sách đang tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong việc lưu trữ, tích lũy và truyền bá tri thức, góp phần phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

* 70 năm xây dựng và phát triển

Ông Trần Thanh Lâm, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, trong tham luận tại hội thảo khoa học Xuất bản Việt Nam - 70 năm xây dựng và phát triển tổ chức tại Hà Nội chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Xuất bản, in và phát hành sách Việt Nam, đã phát biểu: “Trong tiến trình lịch sử cách mạng Việt Nam, nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò quan trọng của hoạt động xuất bản, Đảng ta luôn xác định xuất bản là một lĩnh vực hoạt động tư tưởng sắc bén của Đảng, Nhà nước và nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng. Ngay từ trước khi thành lập, đến khi ra đời và lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất quan tâm đến công tác xuất bản”.

Ông Trần Thanh Lâm dẫn chứng trong thời gian từ năm 1920 đến trước khi thành lập Đảng, nhiều tác phẩm nổi bật như: Yêu sách của nhân dân An Nam, Con rồng tre, Bản án chế độ thực dân Pháp, Đường Kách mệnh... là những di sản quý báu, những tác phẩm tinh thần bất hủ trong việc lên án chế độ thực dân của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã được xuất bản và đưa về nước để truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, mở đường, dẫn lối cho cách mạng Việt Nam bằng hoạt động tuyên truyền, khơi dậy lòng yêu nước và tự hào dân tộc, mở đường cho sự nghiệp xuất bản cách mạng nước ta.

Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: “Trong những năm đất nước tiến hành sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, ngành Xuất bản tiếp tục thể hiện vai trò nòng cốt trong việc cung cấp tri thức, đổi mới tư duy lý luận, tuyên truyền sâu rộng đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, động viên, trang bị kiến thức cho cán bộ, nhân dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, mở rộng đối ngoại, tích cực hội nhập quốc tế, khẳng định vai trò, vị thế và uy tín của đất nước trong khu vực và trên thế giới”.

* Nhiều nỗ lực sáng tạo

Nhiều vấn đề đang đặt ra trong hoạt động xuất bản, in và phát hành sách ở Việt Nam hiện nay đã được các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, những người làm xuất bản, in và phát hành sách đề cập, trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm. Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam dẫn chứng hoạt động của NXB Hội Nhà văn (là NXB hoạt động tự chủ về tài chính) “vừa nỗ lực cố gắng vừa ổn định hoạt động của mình, vừa từng bước thực thi sứ mệnh nhân văn trong việc xuất bản, truyền bá văn học Việt Nam cho bạn đọc Việt Nam và bạn đọc trên thế giới”.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ngành Xuất bản cách mạng đã góp phần đắc lực, khẳng định vai trò tiên phong trên lĩnh vực tư tưởng của Đảng, tuyên truyền, giáo dục nhân dân tham gia bảo vệ và xây dựng chính quyền non trẻ. Ngày 10-10-1952, tại Thủ đô kháng chiến ở Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 122/SL thành lập Nhà in Quốc gia với 4 nhiệm vụ liên quan đến việc quản lý và phát triển công tác xuất bản, in, phát hành sách báo. Sắc lệnh đã tạo cơ sở pháp lý đầu tiên quan trọng để ngành Xuất bản Việt Nam phát triển; cũng từ đó, ngày 10-10 hằng năm trở thành ngày truyền thống của ngành Xuất bản, in và phát hành sách Việt Nam.

Một dẫn chứng sinh động nữa từ NXB Tổng hợp TP.HCM, với niềm tin “xuất bản với đặc trưng chuyên ngành, vừa là một bộ phận của nền văn hóa, vừa góp phần xây dựng, phát triển và bảo tồn các giá trị văn hóa trong dòng chảy lịch sử dân tộc”. NXB Tổng hợp TP.HCM chú trọng đề tài tác phẩm về lịch sử truyền thống cách mạng, đầu tư nhiều tâm sức phát triển dòng sách về lịch sử - văn hóa vùng đất Nam bộ... góp phần bồi đắp thêm kho tàng văn hóa của dân tộc.

Ông Lê Hoàng (Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Giám đốc Công ty Đường sách TP.HCM) nêu cao “mô hình văn hóa đọc hiện đại” tại Đường sách TP.HCM. Ông cho biết: “Trong hơn 6 năm hoạt động (từ 9-1-2016 đến 31-6-2022), Đường sách đón khoảng 14 triệu lượt khách, tổng doanh thu đạt 226 tỷ đồng với hơn 4,2 triệu cuốn sách bán ra, 61 ngàn tựa sách mới và tổ chức gần 1.500 sự kiện lớn nhỏ”. Ông Lê Hoàng khẳng định “Đường sách TP.HCM đã và luôn sẵn sàng tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm về việc xây dựng và phát triển thành công mô hình Đường sách cho các tỉnh, thành trên cả nước như: Đà Nẵng, Cần Thơ, Thừa Thiên - Huế, Đồng Tháp, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai...”.

Trong công tác xuất bản điện tử/chuyển đổi số, NXB Thông tin và truyền thông là NXB đầu tiên tự nghiên cứu yêu cầu tính năng và đặt hàng xây dựng hệ thống xuất bản điện tử, đồng thời là NXB đầu tiên có đề án xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử được Cục Xuất bản, in và phát hành xác nhận. NXB đã xuất bản được trên 1 ngàn đầu sách điện tử, trong đó có các dạng sách điện tử đơn giản, sách nói và sách multimedia, đặc biệt có hệ thống hỗ trợ học tập cho sinh viên một số trường đại học với sách bài tập tương tác. NXB Thông tin và truyền thông đặt mục tiêu là NXB tiên phong trong chuyển đổi số, phấn đấu trở thành  NXB số vào năm 2025.

* Đổi mới tư duy, giải pháp đồng bộ

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định hướng phát triển xuất bản, in và phát hành sách trong thời gian tới là: “Sắp xếp ngành Xuất bản, in và phát hành theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa. Tăng cường quản lý và phát triển các loại hình truyền thông, thông tin trên internet. Kiên quyết đấu tranh, loại bỏ các sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động, ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị - xã hội, thuần phong mỹ tục”. Với những vấn đề đang đặt ra trong hoạt động xuất bản, in và phát hành sách ở Việt Nam hiện nay, chủ trương trên thể hiện tầm nhìn và định hướng phát triển đúng thực tiễn của ngành.

Đi mua sách tại các hội sách, đường sách là thói quen của nhiều bạn trẻ
Đi mua sách tại các hội sách, đường sách là thói quen của nhiều bạn trẻ

Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Xuất bản, in và phát hành sách Việt Nam năm nay, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa bày tỏ kỳ vọng “hoạt động xuất bản, in và phát hành tiếp tục phát huy truyền thống, trí tuệ; đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng lực, tiềm lực của ngành trong thời gian tới”. Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu các cơ quan tham mưu, cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, những người làm công tác xuất bản, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo NXB tiếp tục đổi mới tư duy, có giải pháp triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời, nhạy bén... để phát triển theo định hướng của Đảng.

Ông TRẦN THANH LÂM, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, 5 giải pháp để ngành Xuất bản hoạt động ngày càng “tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, gồm:

1. Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động xuất bản.

2. Nâng cao năng lực, hiệu quả, hiệu lực quản lý của Nhà nước đối với công tác xuất bản.

3. Tăng cường công tác cán bộ, công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức của đội ngũ biên tập viên NXB.

4. Tăng cường cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chỉ đạo, quản lý, tổ chức xã hội nghề nghiệp (Hội Xuất bản Việt Nam, Hiệp hội In Việt Nam) với các cơ quan chủ quản NXB, các đơn vị in và phát hành.

5. Phát huy năng lực, tăng cường tính chuyên nghiệp, chủ động của NXB trong thực hiện nhiệm vụ chính trị và sản xuất kinh doanh đáp ứng yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Long Khánh

Tin xem nhiều