Báo Đồng Nai điện tử
En

Triển vọng tuổi 20

10:09, 30/09/2022

Đại hội Đại biểu Hội Khuyến học (HKH) tỉnh lần thứ V, nhiệm kỳ 2022-2027 cũng là dịp kỷ niệm HKH tỉnh tròn 20 năm.

Đại hội Đại biểu Hội Khuyến học (HKH) tỉnh lần thứ V, nhiệm kỳ 2022-2027 cũng là dịp kỷ niệm HKH tỉnh tròn 20 năm. Bước sang tuổi 20, HKH tỉnh đã khẳng định được vai trò nòng cốt trong công tác khuyến học, khuyến tài; được các tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng tin tưởng và luôn sẵn sàng góp của, góp sức cho hoạt động của hội… Đó là nền tảng vững chắc để HKH các cấp thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó. Nhân dịp này, ông Nguyễn Trùng Phương, Chủ tịch HKH tỉnh khóa IV đã có những chia sẻ với Báo Đồng Nai cuối tuần xoay quanh nội dung này.

Ông Nguyễn Trùng Phương, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh khóa IV (nhiệm kỳ 2016-2021)
Ông Nguyễn Trùng Phương, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh khóa IV (nhiệm kỳ 2016-2021)

Tổ chức hội ngày càng vững mạnh

 Tính đến nay, HKH tỉnh đã tròn 20 tuổi và bước sang nhiệm kỳ thứ V. Là 1 trong những người đầu tiên tham gia vận động thành lập hội và gắn bó với tổ chức hội cho đến nay, ông đánh giá như thế nào về sự phát triển của tổ chức HKH ở Đồng Nai?

- Thời điểm tổ chức Đại hội Đại biểu HKH tỉnh nhiệm kỳ V là cột mốc đánh dấu HKH tỉnh tròn 20 tuổi. Có thể nói, đến nay tổ chức HKH của chúng ta từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh đã thực sự trưởng thành.

Nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ khuyến học

Đồng Nai đã thực hiện mô hình tổ khuyến học gắn liền với tổ nhân dân nhưng hoạt động này chưa thực sự rõ nét. Trong thời gian tới, hội cần tập trung nâng cao chất lượng hoạt động của những tổ khuyến học này. Trong đó, mỗi năm cần có ít nhất 1 đợt sinh hoạt trọng điểm riêng về khuyến học (tổ chức trong tháng 9) nhằm rà soát, tìm hiểu những học sinh khó khăn trong tổ nhân dân để giúp đỡ kịp thời. Nếu hoạt động của tổ khuyến học có chuyển biến thì sẽ rất tốt cho công tác khuyến học.

 

Hai nhiệm kỳ đầu tiên là giai đoạn mà tổ chức hội xây dựng nền móng. Vì còn non trẻ nên chưa đạt được nhiều thành tích. Bắt đầu từ nhiệm kỳ III, HKH đã “ăn nên làm ra”. Tức là công tác vận động xây dựng Quỹ khuyến học đạt hiệu quả. Nhờ đó, chúng ta có nguồn tiền để khen thưởng, hỗ trợ ngày càng nhiều hơn cho học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh. Hoạt động thu - chi của HKH cũng minh bạch, hỗ trợ, khen thưởng đúng đối tượng…

Đến nhiệm kỳ IV, trung bình mỗi năm các cấp HKH trên toàn tỉnh vận động, tiết kiệm được 200 tỷ đồng. Ngay như trong 2 năm dịch Covid-19 vừa qua, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, HKH “xác định tinh thần” là sẽ rất khó vận động thế nhưng các doanh nghiệp vẫn chủ động đóng góp, hỗ trợ cho Quỹ khuyến học. Điều đó không chỉ thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp mà còn cho thấy uy tín của tổ chức khuyến học.

Có được điều đó là nhờ các cán bộ HKH ở các cấp đã rất tâm huyết, hoạt động không mệt mỏi. Nhiều người dù lớn tuổi nhưng vẫn tham gia rất tích cực với quyết tâm cao. Kể từ khi thành lập đến nay,  tổ chức hội ngày càng được củng cố và phát triển. Nơi nào có học sinh thì nơi đó có hoạt động của HKH. Ban chấp hành hội ở xã, phường hầu hết là đảng viên. Ở cơ sở, lãnh đạo UBND xã, phường đều tham gia làm chủ tịch hoặc phó chủ tịch hội để có điều kiện hỗ trợ tốt hơn cho công tác khuyến học.

Tuy vậy, hoạt động của tổ chức HKH trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế nhất định. Ví dụ như việc vận động người lớn tham gia học tập suốt đời chưa được như mong đợi; một số cơ sở chưa làm tốt công tác tham mưu nên cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của hội… Những tồn tại này cũng chính là nhiệm vụ mà HKH nhiệm kỳ V phải giải quyết.

Cần thực hiện tốt Chỉ thị của Đảng về công tác khuyến học, khuyến tài

 Theo ông, các cấp HKH cần phải làm gì để nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức khuyến học, đặc biệt là trong nhiệm vụ khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập (XHHT)?

- Để nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức khuyến học, trước tiên cần phải thực hiện tốt Chỉ thị của Đảng về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT. Đây không chỉ là nhiệm vụ riêng của tổ chức khuyến học mà của cả hệ thống chính trị. Tinh thần này đã được nêu rất rõ trong nhiều văn bản chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và đã được tỉnh triển khai. Trong đó, Kết luận số 49/KL/TW ngày 10-5-2019 của Ban Bí thư TW Đảng nêu rõ: “Việc duy trì và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và đoàn thể nhân dân các cấp, trước hết là người đứng đầu. Phát huy và quy định rõ trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện Chỉ thị 11, gắn với việc đánh giá kết quả công tác hằng năm... Phấn đấu mỗi tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên và gia đình cán bộ, đảng viên trở thành đơn vị học tập, công dân học tập và gia đình học tập, làm nòng cốt trong việc xây dựng các mô hình học tập trong nhân dân”.

Có thể nói, hệ thống văn bản chỉ đạo nói trên chính là lộ trình, là đường ray đã được thiết kế để HKH thực hiện. Tuy nhiên, hiện nay nhiều nơi chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa nghiêm những chỉ thị của Đảng về công tác khuyến học. Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo xây dựng XHHT còn mờ nhạt, thậm chí nhiều nơi không thành lập hoặc có thành lập nhưng không hoạt động.

Một trong những nguyên nhân là do HKH chưa làm tốt công tác tham mưu. Mà nguyên nhân của việc này là do nhân sự cán bộ hội thường xuyên thay đổi. Do đó, trong nhiệm kỳ tới, bên cạnh việc liên tục củng cố tổ chức, HKH cần chú trọng hơn đến công tác tập huấn để mọi cán bộ HKH đều nắm chắc tinh thần chỉ đạo và thực hiện tốt công tác tham mưu.

 Xin cảm ơn ông!

Tường Vi (thực hiện)

Tin xem nhiều