Cuối tháng 9 này, sân khấu cải lương mới Đại Việt sẽ đưa vở cải lương lịch sử Đêm trước ngày hoàng đạo (tác giả: Võ Tử Uyên, đạo diễn: NSƯT Hoa Hạ) tham gia Liên hoan sân khấu thủ đô lần V diễn ra tại Hà Nội. Vở đánh dấu sự trở lại đầy ấn tượng của NSƯT Thoại Mỹ với vai thần phi Nguyễn Thị Anh.
Cuối tháng 9 này, sân khấu cải lương mới Đại Việt sẽ đưa vở cải lương lịch sử Đêm trước ngày hoàng đạo (tác giả: Võ Tử Uyên, đạo diễn: NSƯT Hoa Hạ) tham gia Liên hoan sân khấu thủ đô lần V diễn ra tại Hà Nội. Vở đánh dấu sự trở lại đầy ấn tượng của NSƯT Thoại Mỹ với vai thần phi Nguyễn Thị Anh.
Thoại Mỹ trong vở Đêm trước ngày hoàng đạo. Ảnh: T.Trọng |
* Đêm trắng của một tân vương
Đêm trước ngày hoàng đạo là kịch bản cải lương lịch sử đã từng được đạo diễn Lê Trung Thảo dàn dựng trên sân khấu năm 2013, Đài Truyền hình TP.HCM và Đài Truyền hình Việt Nam cũng đã từng dàn dựng và phát sóng trên HTV và VTV. Với lần dựng lại này, đạo diễn Hoa Hạ vẫn thổi được làn gió mới cho vở diễn. Tiết tấu nhanh, mặc dù đa phần là suy tưởng của các nhân vật nhưng đạo diễn đã tính toán thật lớp lang, giàu kịch tính và không bị sa vào kể lể, dàn trải.
Không gian của vở là đêm trước khi vương gia Lê Tư Thành chuẩn bị lên ngôi, trở thành vua Lê Thánh Tông. Từ cái đêm đầy trăn trở, những ký ức của ông trôi về ngày mẹ của ông là bà Ngô Thị Ngọc Dao và ông phải lưu lạc chốn thường dân. Khi ấy họ nhận được sự bảo bọc giúp đỡ của vợ chồng Nguyễn Trãi. Để rồi, sau đó ông chứng kiến bậc khai quốc công thần yêu nước, thương dân mà ông kính trọng bất ngờ bị khép vào tội giết vua và mưu phản, gánh thảm án tru di tam tộc. Vụ án Lệ Chi viên đã trôi qua 20 năm nhưng vị vua trẻ vẫn day dứt khôn nguôi. Và khi đứng trước giờ phút sẽ ngồi vào ngai vàng, một trong những điều ông muốn thực hiện là giải oan cho sao Khuê Nguyễn Trãi.
Nhưng đâu phải có quyền lực trong tay là có thể làm theo ý mình. Bởi án oan đó dính líu đến rất nhiều người khác mà đứng đầu là thần phi Nguyễn Thị Anh. Đó là người đã đưa ông về cung, yêu thương, dạy dỗ ông. Lật lại vụ án năm xưa có nghĩa là một hành động dũng cảm đối diện sai lầm của tiền triều và cũng là điều sẽ gây ảnh hưởng đến thanh danh của vương triều mà Lê Tư Thành sắp kế nhiệm. Biết bao nhiêu suy tư, đau đáu với những cuộc đối thoại đầy căng thẳng giữa Lê Tư Thành và sử thần Ngô Sĩ Liên. Một chữ trong sử sách không phản ánh trung thực có thể trở thành nỗi oan khuất của ngàn đời sau. Và vì sao đã biết sai mà không thể sửa? Cứ thế, nối tiếp những tình huống, nối tiếp những trăn trở để người xem cảm được biết bao khó khăn, trắc trở mà vua Lê Thánh Tông phải đối diện để có thể minh oan cho sao Khuê Nguyễn Trãi.
* Nước mắt thần phi
Khán giả vẫn thường xuyên thấy Thoại Mỹ xuất hiện trong những gameshow về cải lương trên truyền hình, trong các chương trình văn nghệ tổng hợp trên sân khấu. Thế nhưng với thần phi Nguyễn Thị Anh trong Đêm trước ngày hoàng đạo có lẽ đã gần chục năm chị mới đảm nhiệm một vai chính quan trọng trọn vở cải lương. Thoại Mỹ tâm sự khi mời chị vào vai diễn này, soạn giả Hoàng Song Việt, ông bầu của sân khấu Đại Việt, đã nói rằng vai này như đo ni đóng giày cho chị. Thoại Mỹ vốn là cô đào mà như NSND Diệp Lang nhận xét “Rất rộng đường xài!”. Nghĩa là chị không bó hẹp ở đào mùi mà có thể tung tẩy ở rất nhiều dạng vai, từ mùi, độc, lẳng tới hài. Có một thời gian người ta gọi Thoại Mỹ là cô đào nhì khó thay thế, đào nhì mà lạng quạng là… lấn luôn đào chánh!
Xem Đêm trước ngày hoàng đạo, chuyện xưa chuyện nay cứ khiến người ta suy ngẫm: Phơi bày sự thật dường như luôn là cuộc chiến khó khăn… |
Vì quá lâu mới trở lại một vai đào chánh nặng ký nên Thoại Mỹ đầu tư cho vai diễn rất nhiều. Chị không muốn lặp lại mình. Bất cứ nơi nào chị cũng ôm kịch bản, thoại, rồi mường tượng ra từng hành động. Chị soi gương tập từng ánh mắt, cái nhếch môi. Một câu thoại, chị nói nhiều cách khác nhau, ghi âm lại và chọn cách thoại hiệu quả nhất. Chính sự chăm chút đó mà thần phi Nguyễn Thị Anh của Thoại Mỹ đã gây được ấn tượng với khán giả trên sàn diễn. Đó là một vai đào độc nhưng không có sự gào thét, ồn ào. Thoại Mỹ chọn diễn độc một cách sắc lạnh. Có những trường đoạn cái độc của chị chuyển qua mùi khiến nhân vật của chi có chiều sâu, có nỗi niềm hơn. Và điểm nhấn là hai phân cảnh có nước mắt của Nguyễn Thị Anh. Đó là khi Lê Tư Thành chất vấn bà: “Khi đạt được tất cả, thái hậu có thấy vui không?”. Bà sững người và rơi nước mắt. Còn ở phân đoạn bà hạ lệnh giết Nguyễn Trãi và toàn gia. Bà bừng bừng khí sắc nhưng mắt bà ngập ngụa lệ và bà kìm không để nước mắt rơi ra. Nghĩa là bà cũng đau đớn khi phải ra lệnh giết người mà bà xem như tri âm, đau đớn bởi bà không thể khuất phục được sự kiêu hãnh của ông. Và Thoại Mỹ đã khiến người ta vừa ghét nhưng cũng có lúc chạnh lòng với người đàn bà phải lao vào vòng xoáy khốc liệt của cuộc tranh quyền đoạt lợi.
Không chỉ Thoại Mỹ xuất sắc với thần phi Nguyễn Thị Anh, Đêm trước ngày hoàng đạo cũng tạo điều kiện cho các nghệ sĩ khác tỏa sáng. Đó là Võ Minh Lâm với vị vua trẻ Lê Tư Thành gần như đứng suốt trên sân khấu trong cuộc giằng co nội tại để đối diện và vén bức màn sự thật. Là tâm sự của Nguyễn Trãi (Nguyễn Minh Trường đóng) với nỗi đau thấu trời của sao Khuê bị cuộc tranh đoạt quyền lực, ganh ghét tị hiềm dìm xuống bùn nhơ… Kép trẻ Nguyễn Minh Trường đã phải tập luyện rất vất vả từ dáng đi, điệu bộ, cách ca, cách thoại để ra nhân dáng của một nhân vật lão.
Trí Trọng