Báo Đồng Nai điện tử
En

Chủ động ngăn ngừa bắt nạt trực tuyến

09:09, 24/09/2022

Vấn nạn bắt nạt trên môi trường mạng và bạo lực học đường ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt là ở bậc THCS và THPT. Hệ lụy của vấn nạn này đang khiến nhiều học sinh bị tổn thương tinh thần, bị cô lập, ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và trí tuệ.

Vấn nạn bắt nạt trên môi trường mạng và bạo lực học đường ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt là ở bậc THCS và THPT. Hệ lụy của vấn nạn này đang khiến nhiều học sinh bị tổn thương tinh thần, bị cô lập, ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và trí tuệ.

Theo nhận định từ Hội Khoa học tâm lý - giáo dục Việt Nam, các chương trình mang tính phòng ngừa vấn nạn bắt nạt học đường hiện nay tại các trường học còn rất hạn chế.

Theo Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đỗ Huy Khánh, khi môi trường kỹ thuật số mở rộng và công nghệ số phát triển, rất nhiều học sinh được cha mẹ trang bị cho điện thoại thông minh có kết nối mạng, cũng như thực tế học sinh tham gia sử dụng mạng xã hội (MXH) từ rất sớm nên tình trạng bắt nạt trên mạng đang diễn ra hết sức phức tạp.

Trước thực trạng này, từ tháng 9-2019, Sở GD-ĐT đã triển khai kế hoạch dự án Thực hiện tăng cường quản lý, giáo dục chính trị tư tưởng đối với học sinh trên môi trường mạng đến năm 2025. Trong đó tập trung tăng cường nắm bắt, quản lý, giáo dục tư tưởng đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh trên môi trường mạng; nâng cao năng lực, kỹ năng khai thác, sử dụng thông tin trên môi trường mạng đảm bảo đúng quy định, lành mạnh; giảm thiểu tác động của những thông tin độc hại, sai trái trên môi trường mạng đối với học sinh.

Điều 101, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3-2-2020 của Chính phủ ban hành quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử quy định các hành vi vi phạm về sử dụng MXH như: cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 10-30 triệu đồng.

Tuy nhiên, để ngăn chặn tình trạng bắt nạt trực tuyến và bạo lực học đường, ông Đỗ Huy Khánh cho rằng, cần có sự tham gia của cả học sinh, phụ huynh, giáo viên và cộng đồng xã hội. Ở nhà cha mẹ cần quản lý và định hướng khi cho con tham gia MXH, sống nêu gương trong sinh hoạt hằng ngày, nhất là không được chửi mắng, đánh nhau, nói xấu, bêu rếu người khác trước mặt con. Khi phát hiện con bị bắt nạt trên MXH, cha mẹ cần ngồi lại để chia sẻ với con, giúp con ổn định tâm lý, tìm cách giải quyết và nếu cần có thể nhờ nhà trường hay cơ quan chức năng hỗ trợ.

Quan trọng nhất vẫn là thái độ, trách nhiệm của học sinh, chấp hành nội dung nhà trường đó là không được sử dụng điện thoại trong giờ học. Đặc biệt giáo viên cần khuyến khích học sinh cùng tham gia xây dựng văn hóa học đường, tham gia các lớp trang bị kỹ năng sống để nhận diện được các hình thức bắt nạt trực tuyến cũng như biết thoát ra khỏi tình trạng bị bắt nạt trên MXH một cách khôn ngoan.

“MXH là một công cụ giao tiếp rất rộng. Do đó, mỗi học sinh, sinh viên khi tham gia MXH cần ứng xử một cách có văn hóa và trách nhiệm. Không nên dùng lời nói để tấn công, phán xét, bêu rếu người khác trên MXH nhằm mục đích hạ nhục, xúc phạm và dọa dẫm người khác. Bởi đây không chỉ là hành vi thiếu nhân văn mà còn vi phạm pháp luật. Cho nên hãy sử dụng MXH một cách có ích hơn” - ông Đỗ Huy Khánh cho hay.

An Nhiên

Tin xem nhiều