Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp phát triển bền vững, phải xây dựng chiến lược

07:08, 06/08/2022

Từng làm việc tại trường đại học danh tiếng (Trường đại học Hà Nội; Trường đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội), TS Dương Thu quyết định khởi nghiệp để theo đuổi lĩnh vực tư vấn cho doanh nghiệp (DN). Hợp tác với đối tác quốc tế, chị cùng cộng sự đã đưa những kinh nghiệm, giải pháp tiên tiến về quản trị DN của thế giới về tư vấn cho các DN Việt, giúp họ xây dựng chiến lược phát triển.

TS Dương Thu
TS Dương Thu

Từng làm việc tại trường đại học danh tiếng (Trường đại học Hà Nội; Trường đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội), TS Dương Thu quyết định khởi nghiệp để theo đuổi lĩnh vực tư vấn cho doanh nghiệp (DN). Hợp tác với đối tác quốc tế, chị cùng cộng sự đã đưa những kinh nghiệm, giải pháp tiên tiến về quản trị DN của thế giới về tư vấn cho các DN Việt, giúp họ xây dựng chiến lược phát triển.

Theo TS Dương Thu, làm doanh nhân rất cô đơn và để khởi nghiệp thành công không bao giờ là dễ dàng, có nhiều điều nhà trường không dạy các bạn trẻ. Điều quan trọng phải xác định rõ đam mê, kỹ năng nổi trội và quyết tâm theo đuổi; đồng thời từng bước xây dựng chiến lược để phát triển bền vững.

Thoát khỏi vùng an toàn

 Thưa TS Dương Thu, từ khi nào, chị chính thức thoát khỏi “vùng an toàn” để bước ra con đường khởi nghiệp để làm lĩnh vực chuyên tư vấn, quản trị chiến lược cho DN?

- Trong cuộc đời mình, tôi có những ngã rẽ. Vào thời điểm phải đưa ra quyết định để lựa chọn cũng không tránh khỏi những phân vân. Đang làm việc trong trường đại học, gắn bó với sinh viên và các công tác đào tạo nhưng quyết định khởi nghiệp cũng là ngã rẽ lớn hiện tại.

Năm 2015, tôi được phân công tổ chức một đoàn gồm 20 doanh nhân sang Nhật Bản tham quan và học hỏi kinh nghiệm. Chuyến đi này đã có tác động mạnh mẽ tới tôi. Khi so sánh với Việt Nam, đa số các DN Việt có quy mô nhỏ và vừa, lãnh đạo có chuyên môn nghiệp vụ tốt, nhưng chưa được đào tạo bài bản về quản lý DN, vì thế khó phát triển bền vững, lâu dài.

Trăn trở và suy nghĩ nhiều, kết quả là Viện Nghiên cứu phát triển lãnh đạo chiến lược (SLEADER) ra đời. Mong muốn của chúng tôi là được tư vấn chiến lược, phải làm gì đó để hỗ trợ các doanh nhân.

“Do thiếu kiến thức về quản lý, cũng như thiếu tư duy và khả năng hoạch định chiến lược, nên các hoạt động mang tính tự phát, dựa trên việc xoay xở theo tình huống, khi thấy có lời thì kinh doanh và sản phẩm nào bán được thì sản xuất. Thay vì vạch ra tầm nhìn, định hướng chiến lược để thành công lâu dài, họ thường chỉ đạo bằng các kinh nghiệm nên vai trò của cá nhân lãnh đạo rất cao, nhưng DN hay tổ chức rất bị động trên con đường phát triển lâu dài”.

Là đơn vị tư vấn, đào tạo, ra đời trong lúc cũng đã có các đơn vị khác trên thị trường, SLEADER xây dựng chiến lược gì cho mình?

- Chúng tôi là đơn vị đào tạo về kiến thức, kỹ năng cho DN, nhưng vẫn có điều riêng cho mình. SLEADER không đi vào đào tạo dàn trải các kỹ năng phổ biến như những đơn vị khác, chúng tôi chú trọng đến tư duy lãnh đạo, chiến lược lãnh đạo cho chủ DN. Việc DN có phát triển bền vững, thành công lâu dài hay không phụ thuộc vào chiến lược phát triển. Phân tích và dự đoán tương lai, cải thiện năng lực quản trị, tầm nhìn của chủ DN mới tạo ra hiệu quả tốt nhất.

Và ngay từ đầu, chúng tôi xác định mình phải hợp tác với những đơn vị có tên tuổi của quốc tế để đưa các công cụ quản trị, kiến thức, kỹ năng tốt nhất về áp dụng cho các DN.

 “Đứng trên vai người khổng lồ” phải chăng cũng là sự táo bạo và tạo ra lợi thế cho đơn vị của mình, thưa TS?

- Năm 2019, SLEADER đã ký hợp tác với đối tác chiến lược là Viện Malik, Thụy Sĩ, một tổ chức hàng đầu thế giới về điều khiển học, quản trị và lãnh đạo.

Viện Malik có trụ sở tại nhiều nước trên thế giới, cung cấp dịch vụ tư vấn cho hơn 1 ngàn tổ chức và DN, trong đó có những tập đoàn tên tuổi lớn như: Airbus, Exxon Mobil, BMV, Volkswagen, Daimler, Siemens. Việc tìm kiếm đối tác chiến lược cũng khá gian nan. Chỉ khi gặp và trao đổi với Viện Malik thì mới tìm thấy sự tương đồng về cách tiếp cận, nhất là về sứ mệnh và con đường đi. Bản thân GS Fredmund Malik, người sáng lập Viện Malik, cũng từng quyết định rời trường đại học để tự mình thực hiện các ý tưởng mới, đưa các mô hình quản lý đến với các tổ chức và DN.

Ứng dụng kiến thức của Viện Malik, chúng tôi tạo ra những sản phẩm, dịch vụ khác biệt cho khách hàng Việt Nam. Nhiều khách hàng tên tuổi lớn trong nước được SLEADER tư vấn và vì vậy, hoạt động này ngày càng phát triển.

Rất nhiều điều chưa được giảng dạy trong nhà trường

 Gắn bó với công tác tư vấn cho DN, một cách thực tế nhất, chị sẽ dùng từ gì để bày tỏ lòng mình đối với các chủ DN?

- Cảm phục! Tất nhiên là vậy rồi. Thật sự qua tư vấn cho nhiều DN, tôi nhận thấy rằng doanh nhân, chủ DN rất cô đơn. Thành công có khi cũng cô đơn mà thất bại lại càng cô đơn, nhiều lúc không biết phải chia sẻ với ai. Phải là người thật sự mạnh mẽ, đam mê và có trách nhiệm mới có thể khởi sự, khởi nghiệp kinh doanh liêm chính. Người bình thường đi làm cơ bản là để nuôi sống bản thân và gia đình nhưng phía sau mỗi doanh nhân là cuộc sống của rất nhiều người phụ thuộc vào họ. Càng làm lớn, thậm chí càng có trách nhiệm cao. Vì thế đóng góp của họ đối với xã hội cần nhìn nhận tốt hơn ở góc độ này.

TS DƯƠNG THU là người sáng lập và là Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển lãnh đạo chiến lược (SLEADER). Chị cùng cộng sự đã thực hiện nhiều dự án tư vấn chiến lược cho nhiều đơn vị lớn như: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam; Tổng công ty Phát triển nhà và đô thị; tư vấn, đào tạo cho khu vực dịch vụ công tại một số sở nội vụ các tỉnh miền Bắc, miền Trung... Chị cũng là chủ biên cuốn sách Giải mã chiến lược Đông Tây (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2020) và dịch cuốn sách Quản lý: Những điều cốt lõi (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2021)...

 Khởi nghiệp là con đường rất chông gai, lại vừa cô đơn như chị đã nói. Từ kinh nghiệm của người đã từng công tác ở trường đại học, chị có cảm nhận độ vênh giữa kiến thức về khởi nghiệp được đào tạo trong nhà trường và thực tế cuộc sống?

- Ở các trường đại học, đào tạo những kiến thức về khởi nghiệp đang được gia tăng, các chương trình khởi nghiệp được đưa vào giảng dạy, các cuộc thi tại nhiều trường, nhất là khối trường kinh tế, được mở ra để khuyến khích, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của sinh viên. Điều này rất tốt và phù hợp với mục tiêu xây dựng quốc gia khởi nghiệp mà nước ta đang hướng tới.

Nhưng để khởi nghiệp thành công, việc đào tạo ở trường đại học mới chỉ là cái nền, kiến thức ban đầu, thực tế cuộc sống, làm chủ DN sẽ dạy các bạn trẻ rất nhiều điều sau đó.

Là giám đốc nhưng cũng vừa là kế toán, là nhân viên kinh doanh cũng lại vừa là lái xe..., tất cả được tổng hợp trong một con người, vì thế thực tế cuộc sống nhiều khi khác xa với sách vở. Nhưng dù sao chúng tôi vẫn khuyến khích các bạn nếu có đam mê khởi nghiệp trước hết phải có kiến thức đã, phải cảm nhận được niềm đam mê của mình và dấn thân theo đuổi chứ không chỉ khởi nghiệp cho có, làm theo phong trào.

 Đại dịch Covid-19 vừa qua ảnh hưởng nặng nề đến các DN, nhất là khu vực DN nhỏ và vừa. Nếu có lời khuyên, chị sẽ nói gì?

- Hãy chủ động chuyển đổi. Thế giới của chúng ta trước và sau dịch bệnh đã thay đổi rất nhiều. Các xu hướng mới đã được mở ra. Cơ hội thách thức đan xen. Đừng mong thế giới cũ quay lại, DN do vậy phải định vị lại mình đang ở đâu để tiếp tục phát triển.

Để khởi nghiệp thành công là con đường gian nan. Trong ảnh: Sản xuất tại một doanh nghiệp khởi nghiệp 2 năm tuổi lĩnh vực công nghệ tự động hóa ở TP.Biên Hòa
Để khởi nghiệp thành công là con đường gian nan. Trong ảnh: Sản xuất tại một doanh nghiệp khởi nghiệp 2 năm tuổi lĩnh vực công nghệ tự động hóa ở TP.Biên Hòa

Chuyển đổi nhưng phải biết mình, biết ta, dựa trên cốt lõi của mình để xây dựng chiến lược phù hợp. Trước mắt là thích ứng với tình hình, giữ chân khách hàng, sau đó sắp xếp, tổ chức lại DN rồi từng bước phát huy các điểm mạnh. Để đi xa, DN cần có sự đồng hành, vì thế cũng nên tham khảo, hợp tác với những đơn vị tư vấn để có hướng đi đúng.

 Xin cảm ơn TS Dương Thu!

Vương Thế (thực hiện)

Tin xem nhiều