Báo Đồng Nai điện tử
En

Người gieo hạt mầm đam mê

08:08, 20/08/2022

Gần 20 năm gắn bó với nghề dạy học, cô Trương Thị Trâm Anh (Trường THCS Quang Trung, TT.Tân Phú, H.Tân Phú) luôn đổi mới phương pháp dạy học giúp học sinh tiếp thu kiến thức một cách dễ dàng nhất. Cô còn thường xuyên hướng dẫn học sinh tham gia nghiên cứu khoa học.

Gần 20 năm gắn bó với nghề dạy học, cô Trương Thị Trâm Anh (Trường THCS Quang Trung, TT.Tân Phú, H.Tân Phú) luôn đổi mới phương pháp dạy học giúp học sinh tiếp thu kiến thức một cách dễ dàng nhất. Cô còn thường xuyên hướng dẫn học sinh tham gia nghiên cứu khoa học.

Cô Trương Thị Trâm Anh, giáo viên Trường THCS Quang Trung (H.Tân Phú) nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ
Cô Trương Thị Trâm Anh, giáo viên Trường THCS Quang Trung (H.Tân Phú) nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ

Đối với cô, mỗi cuộc thi là một cơ hội để học sinh được rèn luyện thêm kỹ năng, tăng tư duy phản biện, gắn kiến thức với thực tiễn… Đó cũng là cách để cô gieo hạt mầm đam mê sáng tạo, tự học cho học trò.

* Tấm gương tự học, sáng tạo

Suốt những năm học phổ thông, cô học trò vùng xa Trâm Anh chưa từng được làm quen với các thí nghiệm hóa học. Vì thế, môn học này không để lại ấn tượng với cô. Cho đến khi đậu nguyện vọng 2 vào ngành Sư phạm hóa học (Trường cao đẳng Sư phạm Đồng Nai, nay là Trường đại học Đồng Nai), cô Trâm Anh mới được tiếp xúc, làm quen với các thí nghiệm hóa học. Những tiết thực hành trong phòng thí nghiệm đã mang đến cho cô rất nhiều hứng thú. Càng học, cô càng thấy say mê và yêu thích môn học này.

Năm 2003, cô tốt nghiệp và trở về dạy học tại Trường THCS Phú Lâm, sau đó chuyển đến Trường THCS Quang Trung. Mang theo niềm say mê khám phá môn Hóa học, cô Trâm Anh luôn cố gắng tối đa để học sinh được thực hành, trải nghiệm. “Tôi muốn truyền đam mê đó cho học trò. Trong quá trình dạy, tôi luôn đề cao việc vận dụng, thực hành hơn so với học lý thuyết. Thực tế, nếu ở bậc THCS các em tiếp thu kiến thức chưa sâu thì có thể bổ sung ở bậc THPT. Nhưng nếu các em không có sự yêu thích, đam mê thì rất khó để học tốt” - cô Trâm Anh bộc bạch.

Đi dạy được 2 năm, cô giáo trẻ quyết định học văn bằng 2 ngành Sư phạm tin học. Kể từ đó, đều đặn mỗi cuối tuần, cô Trâm Anh lại chạy xe máy từ H.Tân Phú lên TP.Biên Hòa để học.

Ròng rã như vậy suốt 4 năm, cô “chinh phục” được tấm bằng đại học Sư phạm tin học vào năm 2010. Không dừng lại ở đó, cô còn tiếp tục học liên thông để lấy tấm bằng đại học Sư phạm hóa học, sau đó lại học tiếp chương trình cao học và lấy bằng thạc sĩ vào năm 2018.

Cô Trâm Anh kể: “Học xong phổ thông, tôi thậm chí chưa biết máy tính là gì. Vì vậy, khi đã ra trường, có việc làm, tôi quyết tâm phải theo học ngành Sư phạm tin học bằng được. Tôi muốn đem tất cả những kiến thức mình học được để truyền đạt cho các em học sinh. Khi tôi quyết định đi học Sư phạm tin học, nhiều người ngạc nhiên. Họ cho rằng tin học và hóa học không liên quan gì đến nhau cả, tại sao tôi lại học. Tuy vậy, thực tế đã chứng minh, kiến thức, kỹ năng tin học đã bổ trợ rất tốt cho việc dạy hóa học của tôi”.

Nhờ có kỹ năng tin học, cô Trâm Anh đã đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học. Cô tận dụng nhiều ứng dụng để thiết kế bài giảng, giúp bài giảng trực quan, sinh động để học sinh dễ hiểu hơn. Đây cũng là công cụ hỗ trợ đắc lực cho cô khi tham gia các cuộc thi giáo viên sáng tạo và hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học.

* Nữ trí thức tiêu biểu

Nói về nghề giáo, cô Trâm Anh cho rằng: “Giáo viên là người gieo hạt mầm đam mê cho học sinh. Có đam mê thì học trò mới say mê, hứng thú với việc học. Từ đó, các em mới phát huy tinh thần tự học”.

Cô Trương Thị Trâm Anh luôn tìm cách đổi mới phương pháp dạy học để học sinh tiếp thu bài dễ dàng hơn. Ảnh: NVCC
Cô Trương Thị Trâm Anh luôn tìm cách đổi mới phương pháp dạy học để học sinh tiếp thu bài dễ dàng hơn. Ảnh: NVCC

Cô Trâm Anh là một trong những giáo viên đi đầu trong việc hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học, tham gia các cuộc thi sáng tạo. Kể từ năm học 2015-2016 đến nay, cô liên tục hướng dẫn học sinh tham gia cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng và cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học.

Cô bày tỏ: “Tôi hướng dẫn học sinh tham gia các cuộc thi không phải vì thành tích mà mục tiêu đầu tiên là tập cho học sinh làm quen với tư duy phản biện. Điều này ít có cơ hội được thể hiện nếu chỉ gói gọn ở nội dung học tập trên lớp. Tôi cũng muốn các em được va chạm với thực tế cuộc sống nhiều hơn”.

Sau mấy năm hướng dẫn cho học sinh THCS, cô Trâm Anh còn lấn sân sang hướng dẫn học sinh… tiểu học. Cô cho biết: “Tôi hướng dẫn trẻ tiểu học để xem khả năng sáng tạo của trẻ đến đâu”. Không chỉ vậy, những học trò cũ của cô dù đã lên THPT hay đại học vẫn thường xuyên liên lạc, nhờ cô tư vấn, hỗ trợ trong học tập. Nhờ đó, cô Trâm Anh có thêm nhiều kinh nghiệm trong công tác giảng dạy, hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học, sáng tạo.

Bản thân cô cũng tích cực tham gia Chương trình Phát huy sáng kiến sáng tạo trong lao động, sản xuất (Chương trình 6) và đạt được nhiều thành tích. Hiện nay, cô Trâm Anh là giáo viên dạy 2 bộ môn: Hóa học và Tin học; là giáo viên cốt cán cấp tỉnh bộ môn Hóa học.

Với rất nhiều thành tích, cô Trâm Anh vinh dự được góp mặt trong quyển sách Nữ trí thức tiêu biểu của tỉnh Đồng Nai trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Năm 2021, cô được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen.

Năm học 2021-2022, cô Trâm Anh hướng dẫn 2 giải pháp tham gia cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng. Trong đó có 1 giải pháp đoạt giải nhất, 1 giải pháp đoạt giải 3 cấp tỉnh và được chọn tham gia cuộc thi cấp quốc gia.

Hải Yến

Tin xem nhiều