Báo Đồng Nai điện tử
En

Khi kiến trúc bê tông lấn át

09:08, 06/08/2022

Sự lấn át của bê tông và thiếu vắng các loại vật liệu mới thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng khiến cho phần lớn các công trình cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn Đồng Nai thiếu đi bản sắc và giá trị riêng về kiến trúc.

Sự lấn át của bê tông và thiếu vắng các loại vật liệu mới thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng khiến cho phần lớn các công trình cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn Đồng Nai thiếu đi bản sắc và giá trị riêng về kiến trúc.

Phần lớn các công trình trụ sở cơ quan hành chính trên địa bàn TP.Biên Hòa đều đang được xây dựng theo lối tư duy kiến trúc cũ, nặng về ngôn ngữ bê tông khối vuông. Ảnh: Phạm Tùng
Phần lớn các công trình trụ sở cơ quan hành chính trên địa bàn TP.Biên Hòa đều đang được xây dựng theo lối tư duy kiến trúc cũ, nặng về ngôn ngữ bê tông khối vuông. Ảnh: Phạm Tùng

* Kiến trúc tạo sự nặng nề

TP.Biên Hòa trung tâm về hành chính, chính trị của tỉnh. Cũng chính vì vậy, trên địa bàn thành phố tập trung rất đông các trụ sở cơ quan hành chính nhà nước.

Xét trên khía cạnh kiến trúc, không gian đô thị, các công trình trụ sở hành chính nhà nước là một bộ phận kiến tạo nên bộ mặt chung của đô thị. Với chức năng của mình, các công trình trụ sở nhà nước thường được xây dựng tại các vị trí đất đẹp trên các tuyến phố của đô thị Biên Hòa. Do đó, khi có được những thiết kế đặc sắc, phù hợp với công năng và có bản sắc riêng, các công trình trụ sở cơ quan hành chính nhà nước sẽ đóng vai trò rất lớn trong việc đóng góp vào quy hoạch kiến trúc chung và tạo nên vẻ đẹp cho bộ mặt đô thị.

Tuy nhiên, trên thực tế, hiện nay, hầu hết các trụ sở cơ quan hành chính nhà nước đã được xây dựng trên địa bàn TP.Biên Hòa đều đang thiếu đi bản sắc cũng như giá trị kiến trúc riêng. Hầu hết các công trình đều có một “mô típ” kiến trúc ná ná nhau với sự lấn át của vật liệu bê tông. Điều này đã tạo ra sự nặng nề, bí bức không chỉ cho các trụ sở này mà chung cho cả bộ mặt đô thị.

Ông Nguyễn Thế Hải, người dân P.Trung Dũng chia sẻ, gần như các công trình trụ sở hành chính nhà nước trên địa bàn thành phố có thiết kế na ná nhau. Trong đó, điều dễ nhận thấy là các công trình đều là những khối vuông với bê tông là vật liệu chủ đạo.  

Kiến trúc sư Lý Thành Phương, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh nhìn nhận, gần như các công trình trụ sở cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn TP.Biên Hòa đang sử dụng ngôn ngữ kiến trúc cũ. Vật liệu chủ yếu là bê tông cốt thép mà thiếu đi các loại vật liệu tổng hợp mới. Với lối kiến trúc cũ, ngôn ngữ kiến trúc phổ biến là các khối bê tông vuông tạo ra sự nặng nề, bí bức.

“Tất nhiên, với kiến trúc và nguồn vật liệu đó thì các công trình này rất khó đáp ứng tiêu chí về kiến trúc xanh, thân thiện môi trường và tiết kiệm năng lượng” - kiến trúc sư Lý Thành Phương chia sẻ.

* Cần quan tâm hơn đến kiến trúc các công trình

Theo nhiều kiến trúc sư, nếu với lối tư duy cũ thì 4 tiêu chí cơ bản của kiến trúc là thích dụng, bền vững, thẩm mỹ và kinh tế. Tuy nhiên, trong thời đại toàn cầu hóa và công nghệ thông tin ngày nay, ngành Kiến trúc có những phát triển vượt bậc với yêu cầu ngày càng cao. Do đó, những tiêu chí cơ bản của kiến trúc theo lối tư duy cũ dần trở nên không còn đầy đủ và phù hợp.

Thay thế cho tư duy cũ, tư duy kiến trúc mới bổ sung nhiều tiêu chí hơn gồm: thích dụng, bền vững, bản sắc, hiệu quả, an toàn… Các công trình xây dựng bao gồm các trụ sở cơ quan hành chính nhà nước cũng đang dần dịch chuyển để đáp ứng tư duy mới này về kiến trúc.

Theo kiến trúc sư Lý Thành Phương, đối với các công trình trụ sở cơ quan hành chính nhà nước được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách. Do đó, ngoài tính phù hợp với công năng và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thì cũng cần có sự quan tâm hơn đến hình thức kiến trúc. Từ đó, ngoài công năng phục vụ công việc, các công trình này còn góp phần tạo ra cảnh quan kiến trúc cũng như thẩm mỹ cho đô thị.

Một trong những xu hướng kiến trúc đang dần trở nên thịnh hành và được nhiều công trình xây dựng đó là xu hướng kiến trúc xanh. “Kiến trúc xanh cơ bản là khi nhìn vào thấy thân thiện, gần gũi với thiên nhiên và sử dụng ít, tiết kiệm năng lượng nhất” - kiến trúc sư Lý Thành Phương cho hay.

Để hướng tới mô hình kiến trúc xanh cần có sự kết hợp nhiều loại vật liệu tổng hợp như: kim loại, bê tông, gạch, đá… Cộng với đó là những đường nét kiến trúc mới để tạo sự thanh thoát.

Trên thực tế, điều mà đô thị Biên Hòa đang thiếu là những công trình xây dựng mang xu hướng kiến trúc mới lại đang được nhiều đô thị, nhất là các đô thị du lịch trên cả nước áp dụng ngày càng nhiều. Điều này xuất phát từ mục tiêu tạo ra những công trình ấn tượng, mang bản sắc riêng để tạo điểm nhấn cho đô thị, từ đó thu hút khách du lịch.

“Để có được điều này, các cơ quan liên quan phải có sự chọn lựa các phương án kiến trúc khi bắt tay xây dựng các công trình. Cách làm phổ biến nhất là tổ chức các cuộc thi để lựa chọn ra phương án kiến trúc phù hợp và chất lượng nhất” - kiến trúc sư Lý Thành Phương nêu quan điểm.

Những xu hướng kiến trúc mới, tạo ra bản sắc, thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng thực ra đã được nhiều đô thị trên cả nước, nhất là các đô thị hướng đến mục tiêu phát triển du lịch dành sự quan tâm đích đáng. Bởi, khi có nhưng công trình xây dựng, nhất là các công trình cơ quan hành chính nhà nước có dấu ấn riêng, tạo ra sự khác biệt là “yếu tố” tạo ra bản sắc riêng cho đô thị đó. Từ đó, tạo ra “sức hút” để thu hút khách du lịch. Riêng với đô thị Biên Hòa và các công trình trụ sở cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn, đây gần như là yếu tố còn thiếu. Cũng chính vì vậy nên bộ mặt đô thị Biên Hòa gần như chưa tạo ra nét riêng, chưa có những điểm nhấn để tạo lập nên bản sắc riêng của đô thị trung tâm tỉnh.

“Các ngân hàng vốn cần sự an toàn, an ninh nên kiến trúc xưa thường có hàng rào bao quanh, có trạm gác cổng. Tuy nhiên, hiện nay với xu hướng kiến trúc mới, ưu tiên không gian mở thì gần như hệ thống hàng rào cũng đã bị xóa bỏ. Thay vào đó là những không gian  mở, thân thiện với khách hàng hơn và yếu tố bảo vệ an ninh cũng được thay đổi để phù hợp” -  kiến trúc sư LÝ THÀNH PHƯƠNG cho biết.

Phạm Tùng

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích