Đối với mỗi người dân Biên Hòa - Đồng Nai, Văn miếu Trấn Biên không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa truyền thống ý nghĩa mà còn có vị trí thiêng liêng trong tâm thức của mỗi người dân. Càng trân trọng và giữ gìn văn miếu, mỗi người dân càng muốn tìm hiểu thêm về những giá trị của thiết chế văn hóa này và một trong số đó là văn bia ở Văn miếu Trấn Biên.
Đối với mỗi người dân Biên Hòa - Đồng Nai, Văn miếu Trấn Biên không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa truyền thống ý nghĩa mà còn có vị trí thiêng liêng trong tâm thức của mỗi người dân. Càng trân trọng và giữ gìn văn miếu, mỗi người dân càng muốn tìm hiểu thêm về những giá trị của thiết chế văn hóa này và một trong số đó là văn bia ở Văn miếu Trấn Biên.
Ông Nguyễn Văn Tâm cùng 2 cháu từ TP.Đà Nẵng tìm hiểu văn bia tại Nhà bia Văn miếu - Văn miếu Trấn Biên |
Trưởng phòng Khoa giáo - Trung tâm Văn miếu Trấn Biên Phí Thị Thu Hằng cho biết: Văn bia ở Văn miếu Trấn Biên được đặt ở vị trí trang trọng. Khi vào từ Văn miếu môn, mỗi người dân, du khách sẽ gặp ngay Nhà bia Văn miếu. Trên nền đá xanh Bửu Long, bài Văn bia do GS, Anh hùng lao động Vũ Khiêu chấp bút biên soạn được khắc vào 2 mặt bia đá, dễ dàng để người dân tiếp cận, tìm hiểu.
* “Trấn Biên - Đồng Nai Rạng rỡ ngàn năm văn hiến”
Đó là tiêu đề, bao quát toàn bộ nội dung của bài Văn bia đề cập hào khí, văn hóa của Đồng Nai qua nhiều giai đoạn lịch sử đã hun đúc nên những giá trị di sản quý giá của nhiều thế hệ con dân Đồng Nai, tiếp mạch nguồn truyền thống của dân tộc trên vùng đất phương Nam của Tổ quốc.
Tiếp sau tiêu đề là 2 câu thơ đầu tiên trong áng thơ bất hủ Bình Ngô đại cáo của đại thi hào Nguyễn Trãi được khắc lên bia như một lời đề dẫn khẳng định mạch nguồn truyền thống của văn miếu phương Nam: “Như nước Đại Việt ta từ trước. Vốn xưng nền văn hiến đã lâu”.
Bài văn bia được GS Vũ Khiêu viết theo thể phú gồm 8 khổ, mỗi khổ có 10 câu, thể hiện khai quát quá trình lịch sử từ thuở khai hoang mở cõi đến quá trình xây dựng quê hương Đồng Nai.
Nếu như công trình Văn miếu Trấn Biên được khánh thành vào mùng 3 Tết Nhâm Ngọ, tức ngày 14-2-2002 thì Nhà bia văn miếu được khánh thành vào ngày 18-5-2002 - như một công trình ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 112 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2002). |
Trong khổ đầu tiên, GS Vũ Khiêu vẽ ra một không gian vùng đất mới, một “miền hoang dại” với “mịt mù”, “thâm u”, “rừng rậm đầm lầy”, “bão giông sấm sét”, “rắn rết hùm beo”… Những người xa quê đã “khai phá xiết bao gian khổ” để có được sự trù phú: “Ruộng đồng bát ngát: gạo trắng nước trong. Nhà cửa khang trang: cơm áo no đủ”.
Song song với việc xây dựng đời sống vật chất đủ đầy, ấm no, cư dân vùng đất mới còn rất quan tâm đến đời sống tinh thần. Trong khổ “Dựng xây văn miếu”, tác giả nhấn mạnh: “Xây cao Văn miếu, tiếp thu thành tựu bắc nam - Mở rộng học đường, khai thác tinh hoa kim cổ”. Và nhờ thế: “Tinh thần Đại Việt tỏa sáng nơi đây - Hào khí Đồng Nai dâng cao từ đó”.
“Trước nạn thực dân”: “Giặc Pháp kéo vào Gia Định, ào ạt xâm lăng - Dân ta sống ở Đồng Nai, bừng bừng phẫn nộ”. Vì thế, trong khổ “Mở đường cứu nước”, tác giả khắc họa rõ nét chân dung “Người Việt Nam đội trời đạp đất, sống đau thương tủi nhục sao đành! - Dân Đồng Nai vững chí bền gan, dẫu chém giết tù đày há sợ?”.
Khi “Giặc càng hung tàn” - “Ta càng trí dũng”, để rồi “Quê hương giải phóng, đỉnh Long sơn bát ngát mây bay - Ngày tháng thanh bình, dòng Phước thủy dạt dào sóng vỗ”.
Trong 2 khổ cuối của văn bia, GS Vũ Khiêu dựng lại bức tranh kiến thiết đất nước sau chiến tranh, vừa dốc sức làm cho “nông thôn thành thị dựng lại khang trang”, vừa dốc lòng “ngày ngày văn hiến vươn cao” “lớp lớp nhân tài nở rộ”.
Bia tiến sĩ - Bản phục chế của Bia Tiến sĩ tại Văn miếu Quốc Tử Giám đặt tại Nhà bái đường Văn miếu Trấn Biên |
Nhờ có vậy, giá trị của Văn miếu Trấn Biên nói chung và Văn bia nói riêng được đúc kết vững bền: “Xây lại miếu trên nền tảng mới: thu tinh hoa hiện đại từ ngàn phương - Dựng thêm bia giữa nước non này: lưu truyền thống tiền nhân cho vạn thuở”.
* Tiếp nối mạch nguồn truyền thống
Nằm trong tổng thể không gian văn hóa của Văn miếu Trấn Biên, các Văn bia không chỉ thể hiện hồn thiêng sông núi, quê hương mà còn là khát vọng của bao thế hệ tiếp nối truyền thống cha ông. Từ những ngày đầu khởi công xây dựng Văn miếu Trấn Biên, lãnh đạo tỉnh đã rất chú trọng tìm kiếm, mời gọi những bậc tài hoa tham gia viết văn bia. Được biết, sau khi nhận lời viết Văn bia tại Văn miếu Trấn Biên, GS Vũ Khiêu đã dành nhiều thời gian đọc tài liệu về vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai, đi điền dã, tiếp xúc với nhiều người qua quá trình thực tế tìm hiểu đất và người Đồng Nai. Từ đó, ông đã chấp bút bài Văn bia thể hiện cô đọng tâm hồn và khí phách, trí tuệ, tài năng, khát vọng của nhân dân Đồng Nai trong suốt chiều dài lịch sử đến quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.
Theo Trung tâm Văn miếu Trấn Biên, về phần nội dung, bài văn bia do GS - Anh hùng lao động Vũ Khiêu biên soạn, về hình thức, loại đá được sử dụng để khắc văn bia là đá xanh Bửu Long - loại đá nổi tiếng của Biên Hòa - Đồng Nai. Công việc chạm khắc chữ và hoa văn trên bia là do các nghệ nhân đá lành nghề trong vùng thực hiện, sau đó là công đoạn thếp vàng văn bản để công trình văn bia ra đời đảm bảo độ tinh xảo, bền vững theo thời gian. |
Văn miếu Trấn Biên là sự tiếp nối và phát huy giá trị tinh thần, mạch nguồn của Văn miếu Thăng Long và các văn miếu khác của nước ta. Ngoài Văn bia đặt trước Văn miếu môn, còn có các Văn bia đặt ở Nhà bái đường. Trong đó có bia Tiến sĩ làm bằng tảng đá lớn, được đặt trên lưng rùa đá. Đây là tấm bia được phục chế lại từ tấm bia ở Văn miếu Quốc Tử Giám, do UBND, Sở Văn hóa - thông tin TP.Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu khoa học, văn hóa Văn miếu - Quốc Tử Giám trao tặng.
Mặt trước của bia là bài ký đề bia tiến sĩ khoa Nhâm Tuất niên hiệu Đại Báo thứ 3 (1442), do danh sĩ Thân Nhân Trung soạn. Trong Văn bia, vai trò của đội ngũ trí thức, nhân tài đối với sự hưng thịnh của quốc gia đã được tác giả nêu bật: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh. Nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh chẳng ai không coi việc kén chọn kẻ sĩ, bồi dưỡng nhân tài, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần kíp...”.
Bên cạnh bia tiến sĩ, trong Nhà bái đường của Văn miếu Trấn Biên còn có tấm bia về hình thức giống bia tiến sĩ, nhưng thấp và nhỏ hơn, được làm bằng đá Bửu Long. Mặt trước khắc toàn bộ nội dung sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, phần nói về Văn miếu Trấn Biên. Vốn được xây dựng từ năm Ất Mùi (1715), trải qua nhiều biến cố lịch sử, thời gian nên Văn miếu Trấn Biên không còn dấu vết trên thực địa nhưng những tư liệu quý giá về văn miếu đã được ghi chép trong thư tịch cổ, từ những năm đầu của thế kỷ XIX và sau đó là giữa thế kỷ XIX và giữa thế kỷ XX.
8 khổ trong văn bia tại Nhà bia văn miếu gồm: “1. Từ đi mở cõi” - “2. Dựng xây văn miếu” - “3. Trước nạn thực dân” - “4. Mở đường cứu nước” - “5. Giặc lại hung tàn” - “6. Ta càng trí dũng” - “7. Văn hiến vươn cao” - “8. Tương lai tươi sáng”. |
Trong đó Gia Định thành thông chí đã ghi chép về nguồn gốc, thời gian xây dựng và kiến trúc của Văn miếu Trấn Biên. Do đó Văn bia được đặt trong Văn miếu Trấn Biên ngày nay cũng đã khắc đoạn miêu tả về văn miếu trong Gia Định thành thông chí như một nguồn tư liệu quý báu, giúp những thế hệ sau có thể nghiên cứu, hình dung nguồn cội và những giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai cách đây hàng trăm năm.
Đoạn Văn bia có viết: “Ở địa phận thôn Bình Thành và thôn Tân Lại huyện Phước Chánh, cách phía Tây trấn 2 dặm rưỡi. Đời vua Hiển Tông năm Ất Mùi thứ 25 (1715), Trấn thủ dinh Trấn Biên là Nguyễn Phan Long, Ký lục Phạm Khánh Đức lựa chỗ đất dựng lên ban đầu, phía Nam hướng đến sông Phước, phía bắc dựa theo núi rừng, núi sông thanh tú, cỏ cây tươi tốt…”.
Bên cạnh văn bia, GS Vũ Khiêu còn soạn các bức hoành phi, câu đối được đặt trong nhà Bái đường. Dọc theo trục ngang tòa nhà là những cửa võng bằng gỗ chạm lộng sơn son thiếp vàng. Lồng trong cửa võng là 5 bức hoành phi đại tự gồm: Kế thế hiền tài - Đại Việt tinh thần - Văn miếu Trấn Biên - Nam phương cốt cách - Thiên thu nguyên khí. Đi liền với các bức hoành phi là các cặp câu đối.
1: Bến Nghé của tiền những ứa gan trung người quốc sĩ/ Đồng Nai tranh ngói càng khơi lửa hận lớp anh hùng với ý nghĩa nêu cao tinh thần đấu tranh chống quân xâm lược tàn phá quê hương của nhân dân Biên Hòa- Đồng Nai. 2: Ngô Vương Quyền đuổi giặc, Lý Công Uẩn dời đô muôn dặm tung bay cờ Đại Việt/ Chu Tiều Ẩn giảng văn, Nguyễn Ức Trai định hướng ngàn thu sáng mãi trí Thăng Long. 3: Thu hết tinh hoa kim cổ lại/ Xây cao văn hiến nước non này. 4: Nguyễn Hữu Cảnh định nghiệp Trấn Biên lớp lớp anh hùng vang lục tỉnh/ Võ Trường Toản mở trường Gia Định đời đời sĩ khí nối tam gia Nói về công lao của những người đi đầu trong việc xây dựng nền văn hiến ở phương Nam… 5: Dân tộc anh hùng sự nghiệp đi vào thiên kỷ mới/ Đồng Nai hào khí tiền đồ vươn tới vạn trùng cao.
|
Lâm Viên - Nhật Hạ