Ngày 4-3-2008, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định: Ngày 11-6 hằng năm là Ngày truyền thống Thi đua yêu nước. Nhân ngày chính danh này, tui xin phép bà xã sang nhà hàng xóm cà phê sáng, tán gẫu. Ông bạn hàng xóm của tui là một cán bộ lão làng, đã kinh qua hai cuộc kháng chiến, trải qua nhiều chức vụ quan trọng, nên ở căn phòng khách trang trọng trưng bày nhiều huân huy chương, bằng khen, giấy khen cao quý.
Ngày 4-3-2008, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định: Ngày 11-6 hằng năm là Ngày truyền thống Thi đua yêu nước. Nhân ngày chính danh này, tui xin phép bà xã sang nhà hàng xóm cà phê sáng, tán gẫu. Ông bạn hàng xóm của tui là một cán bộ lão làng, đã kinh qua hai cuộc kháng chiến, trải qua nhiều chức vụ quan trọng, nên ở căn phòng khách trang trọng trưng bày nhiều huân huy chương, bằng khen, giấy khen cao quý.
Khề khà với tách cà phê thơm lừng, tôi hỏi: “Ông nghĩ thế nào về Ngày truyền thống Thi đua yêu nước?”. Như được khơi trúng mạch ngầm, ông bạn tui hào hứng: “Ngày này, ý nghĩa lắm, thiêng liêng lắm. Bắt đầu từ phong trào Thi đua ái quốc do Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi từ ngày 11-6-1948. Thời đó, tình hình đất nước rất khó khăn, cần huy động tổng lực cao nhất vào nhiệm vụ kháng chiến kiến quốc. Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngắn gọn, chỉ 441 chữ, khơi dậy các phong trào người người thi đua, ngành ngành thi đua, trước mắt là chống giặc ngoại xâm, giặc đói, giặc dốt. Thi đua là yêu nước. Yêu nước thì phải thi đua. Những người thi đua là những người yêu nước nhất. Nhờ thi đua, các hoạt động chiến đấu, lao động, sản xuất đều có động lực tinh thần, năng suất cao, hiệu quả tốt. Thi đua có tác dụng đặc biệt quan trọng, là động lực tạo nên sức mạnh tổng hợp, đem lại những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong kháng chiến chống ngoại xâm cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Qua các phong trào thi đua yêu nước, xuất hiện nhiều nhân tố mới, nhiều mô hình tiên tiến, cách nghĩ mới, cách làm hay, kết quả sáng tạo, đạt hiệu quả cao hơn điều kiện cho phép”.
Tôi ngắt mạch hào hứng: “Thi đua gắn liền với động viên khen thưởng. Ông nghĩ thế nào về hiện tượng bằng khen, giấy khen rực rỡ ở những cá nhân và tập thể tiêu cực, sai phạm, bị kỷ luật?”.
Biết tui cà khịa, bạn tui chuyển sang giọng trầm ngâm: “Ừ! Đây là thực trạng đáng suy ngẫm. Khen thưởng là hình thức động viên thi đua. Vậy mà, trong thực tế, rất nhiều cá nhân, đơn vị sai phạm, bị kỷ luật đều có hào quang khen thưởng, thậm chí đem bằng, giấy khen ra mặc cả để xin giảm tội. Có chuyện dời ngày công bố quyết định kỷ luật để làm lễ đón nhận huân chương”.
Vì sao ra nông nỗi này? Bạn tui trải lòng: “Cội nguồn của nó ắt là do các căn bệnh thành tích, hiếu danh, cá nhân chủ nghĩa mà Bác Hồ đã chẩn đoán từ Đường lối cách mệnh, 1947. Mầm bệnh trở thành dịch bệnh thành tích, hình thức, khoa trương, chạy bằng, chạy chức. Hình như, hệ thống khen thưởng thi đua cũng có vấn đề, chẳng khác việc khen quan tướng có danh của dân gian”.
Nghĩa là sao? Bạn tui giải thích, dân gian có câu: “Đồn rằng quan tướng có danh. Cưỡi ngựa một mình chẳng phải vịn ai. Vua khen rằng ấy mới tài. Ban cho cái áo với hai đồng tiền...”. Ấy là nói về vị quan tướng có thành tích bình thường của tiểu tốt. Nhưng mũi tên châm biếm của dân gian ngoáy vào việc đấng quân vương khen thưởng thành tích bất tài đó.
Vậy phải khen thưởng thế nào cho đúng? Bạn tui nhấp ngụm cà phê, buông lời trịnh trọng: “Đã khen cấp cao thì phải khen cho đúng, cho xứng, tiêu biểu, có sức giáo dục, động viên. Quốc hội đang bàn để Luật Thi đua, khen thưởng khắc phục hạn chế, phù hợp thực tế. Việc khen thưởng sẽ phải thực chất, minh bạch, công bằng, kịp thời, đủ sức động viên mọi đối tượng; chú trọng việc tìm khen (như Bác Hồ tặng huy hiệu), giảm thủ tục “xin khen”, trọng danh hơn là trọng thưởng; tránh việc Đảng khen, Nhà nước khen nhưng dân chê”.
Tui lại muốn cà khịa: “Vậy, trong một rừng bằng giấy khen của ông, cái nào quý nhất?”. Bạn tui lấy trong tủ kính ra tấm bảng tri ân của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh: “Huân huy chương, bằng khen, giấy khen của Đảng, chính quyền thì nhiều lắm, rất nhiều người có. Nhưng của Ủy ban MTTQ Việt Nam khen thì ít, rất quý, vì đây là của dân khen, mà dân khen thì chính danh, thực lòng, nhiều khi gọi là tri ân”.
Ra về, tôi vương vấn mãi lời của bạn tôi về việc dân khen. Dân khen là vinh dự. Làm cho dân khen không phải dễ, chí ít là phải có thành tích thiết thực vì dân, được dân ghi nhận, trân trọng, khen thưởng bằng cách của dân.
Vợ mình cũng là dân. Sao không lập thành tích gì đó để được vợ khen nhỉ? Lập tức có hàng tá công việc nhảy múa trong đầu: Lau nhà, rửa chén, nấu nướng, tưới cây… Tôi hiểu, vợ khen thì đừng hòng có giấy khen, quà thưởng; nàng ta thường chỉ lúng liếng đôi mắt hươu sao hoặc tủm tỉm nụ cười cá chép. Vậy cũng đủ rồi!
Ong Mật