Những năm gần đây, du lịch Đồng Nai phát triển khá mạnh, đặc biệt là mô hình du lịch sinh thái vườn giúp người dân mang lại hiệu quả cao. Một trong những nguyên nhân góp phần vào sự phát triển, ngoài cảnh đẹp thiên nhiên, những món ăn đặc sản mang đậm phong vị địa phương đã "níu chân" du khách đến với Đồng Nai ngày càng nhiều.
Những năm gần đây, du lịch Đồng Nai phát triển khá mạnh, đặc biệt là mô hình du lịch sinh thái vườn giúp người dân mang lại hiệu quả cao. Một trong những nguyên nhân góp phần vào sự phát triển, ngoài cảnh đẹp thiên nhiên, những món ăn đặc sản mang đậm phong vị địa phương đã “níu chân” du khách đến với Đồng Nai ngày càng nhiều.
Người dân làm du lịch tham gia lớp tập huấn chế biến món ăn địa phương tại TP.Long Khánh |
Ngày nay, nhu cầu thưởng thức ẩm thực khi đi du lịch đang ngày càng chiếm vị trí quan trọng, thậm chí ẩm thực chính là một trong những lý do để khách du lịch lựa chọn điểm đến để tham quan. Do đó, ẩm thực trở thành một trong những yếu tố để các điểm đến du lịch tạo nên sự cạnh tranh bằng những nét đặc trưng riêng, mang đậm dấu ấn riêng tại địa phương mà khi nhắc tới địa danh đó, du khách có thể liên tưởng ngay đến những món đặc sản mà không nơi nào có được.
Du lịch không chỉ là cảnh đẹp và vui chơi
Là điểm đến thu hút khá nhiều khách du lịch kể từ sau khi ngành du lịch được phép hoạt động trở lại, Vườn du lịch cánh đồng háp Hai Phương (Vườn du lịch, P.Bảo Vinh, TP.Long Khánh), ngoài cảnh đẹp từ những cánh đồng lúa, vườn cây trái để lại ấn tượng cho du khách, vườn du lịch còn là địa chỉ tin cậy nếu muốn thưởng thức các món đặc sản không chỉ của Đồng Nai mà còn từ các địa phương khác.
Anh Hoàng Thanh Phước, chủ nhân vườn du lịch cho biết, do học trong lĩnh vực thực phẩm và đã từng có nhiều trải nghiệm về ẩm thực nhiều nơi, nên ngay từ đầu khi phát triển điểm du lịch từ 2ha đất vườn và lúa của gia đình, anh Phước đã đặt mục tiêu ngoài cảnh đẹp thiên nhiên, vườn du lịch còn phải trở thành điểm đến với các món ẩm thực đặc sắc.
Với tiêu chí đó, vườn du lịch của anh Phước trở thành điểm đến du lịch kèm theo các món ăn dân dã, mang đậm nét đặc trưng của từng vùng miền như: các món ăn được chế biến từ gà H’mông, vịt trời, con dông... Đặc biệt, vào mùa trái cây, vườn du lịch còn có các món ăn được chế biến từ trái cây địa phương như: gỏi măng cụt, gà nấu chôm chôm…
Anh Phước chia sẻ, với tiêu chí nguồn nguyên liệu luôn tươi ngon, cùng khâu chế biến phải bảo đảm an toàn vệ sinh ở từng công đoạn, vườn du lịch đã đáp ứng nhu cầu ẩm thực của nhiều khách tham quan. Đây cũng là điều mà thời gian qua, vườn du lịch đã níu chân du khách quay trở lại cũng như được nhiều khách giới thiệu về điểm đến.
“Hiện nay vào dịp cuối tuần, khách từ các địa phương lân cận và TP.HCM đến vườn du lịch khá đông. Nhiều khách hàng cho biết, họ quay trở lại vườn du lịch không phải vì cảnh quê thiên nhiên yên bình mà vì những món ăn ngon, hợp khẩu vị mà chỉ nơi đây mới có. Đó cũng chính là điều mà chúng tôi mong muốn và hướng tới trong hoạt động kinh doanh của mình” - anh Phước cho hay.
Khoảng 3 năm trở lại đây, Vườn hoa Bốn Mùa (H.Xuân Lộc) trở thành điểm đến du lịch lý tưởng của du khách với những cánh đồng hoa nhiều sắc màu rực rỡ. Tuy nhiên, để thu hút khách đến quanh năm, ông Văn Thanh Toàn, chủ vườn hoa cho biết, ông đang đầu tư cho danh sách các món ăn tại vườn phong phú hơn cả về hình thức lẫn khẩu vị.
Theo ông Thanh, khi mới bắt đầu kinh doanh du lịch, ông không quá chú trọng đến hình thức trình bày cũng như khai thác các món ăn từ đặc sản quê hương nên điểm đến của ông chưa nhận được sự thu hút du khách từ ẩm thực. Sau khi trải qua một lớp đào tạo về cách chế biến món ăn địa phương phục vụ du lịch, ông Thanh đã học hỏi được nhiều điều. Qua những bài học, ông đã khai thác được các món ăn mang đậm vị quê mình như: các món chế biến từ gà ta, các món từ trái cây, như sầu riêng chiên, gỏi măng cụt, gà nấu chôm chôm…
Ông Thanh chia sẻ: “Không chỉ nấu món ăn ngon, khâu trình bày cũng là yêu cầu không thể thiếu khi phục vụ khách du lịch. Một món ăn khi dọn lên bàn mời khách phải bảo đảm tính thẩm mỹ, giúp khách du lịch thưởng thức món ăn ngon miệng hơn”.
Về Đồng Nai, thưởng thức đặc sản Đồng Nai
Nói đến ẩm thực Đồng Nai, phải kể đến các món ăn đã để lại cho du khách nhiều thương nhớ như: món gỏi cá Biên Hòa, xôi phồng, các món đặc sản từ hồ Trị An, vùng trái cây Xuân Lộc, Long Khánh, hay như các món chế biến từ bưởi, nguồn thủy sản do người dân nuôi trồng…
Một số món ăn thu hút thực khách đến thưởng thức tại Vườn du lịch cánh đồng háp Hai Phương (TP.Long Khánh) |
Ông Nguyễn Văn Tân (TP.HCM) đang kinh doanh về lĩnh vực thiết bị chiếu sáng tại TP.Biên Hòa cho biết, ông là thực khách trung thành của món gỏi cá Biên Hòa từ hơn 10 năm nay. Ông Tân chia sẻ, mỗi lần có dịp về Biên Hòa ông đều tìm món gỏi cá để thưởng thức. Trong những lần tiếp khách hàng đến từ tỉnh, thành khác, ông Tân đều giới thiệu món gỏi cá nổi tiếng này và khách hàng sau khi thưởng thức đều thừa nhận món ăn rất ngon.
Gỏi cá Biên Hòa từ lâu đã trở thành món đặc sản trứ danh của Đồng Nai, đặc biệt là đối với người dân khu vực làng bè của TP.Biên Hòa. Với các loại cá tươi sống được nuôi ngay trên sông Đồng Nai, món gỏi cá có thể chế biến từ các loại cá chép, cá trắm, cá mè… Để món gỏi cá trở nên hấp dẫn, dễ ăn, khi chế biến cần phải có các loại gia vị đi kèm như hành, tỏi, sả, riềng, nước sốt… Nhiều thực khách sau khi thưởng thức món gỏi cá nhận định, đặc trưng để làm món gỏi cá hấp dẫn không lẫn vào đâu được chính là vị nước sốt được làm từ thịt cá, mỡ cá, gan cá, khi ăn gỏi cá sẽ kèm với các loại rau rừng như lá đinh lăng, lá xoài, ngò gai, tía tô, nhiếp cá…
Đồng Nai còn có một số món đặc sản thu hút khách du lịch như các món bưởi tại làng bưởi Tân Triều (H.Vĩnh Cửu và các nhà hàng, khách sạn tại Đồng Nai); các món ăn chế biến từ hải sản đánh bắt tại hồ Trị An như khô cá kìm, cá lóc, cá lăng. Đặc biệt, món xôi phồng và gỏi bưởi là 2 món ăn nằm trong Top 100 món ăn ngon được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vietkings) và Tổ chức Top Việt Nam (VietTop) công nhận.
Chia sẻ về món đặc sản địa phương, chị Nguyễn Thị Thương, người dân tại làng bưởi Tân Triều cho biết, gỏi bưởi vốn là món ăn dân gian truyền thống của người dân làng bưởi Tân Triều. Từ thời xa xưa, món gỏi bưởi được làm từ nguyên liệu chủ đạo là bưởi thanh trà kèm với nguyên liệu bưởi có thêm tôm khô, da heo, đu đủ, đậu phộng, lá rau răm trộn lại. Món gỏi bưởi là món ăn truyền thống của người dân nơi đây dùng để đãi khách phương xa đến thăm. Ngày nay, khi trở thành món ngon nổi tiếng, nhiều nhà hàng, quán ăn đã chế biến thêm nguyên liệu cho món ăn này bằng cách sử dụng bưởi đường lá cam (ruột trắng, có vị chua ngọt rất thanh) hoặc bưởi da xanh (ruột đỏ, có vị ngọt nhiều hơn) cùng với các nguyên liệu đi kèm có tôm, thịt luộc, khô mực, dừa sợi… nhưng vẫn bảo đảm được vị riêng từ bưởi nên thực khách vẫn đón nhận, món gỏi bưởi vẫn nức danh xứ Tân Triều không nơi đâu thay thế được.
Để người dân nâng cao kiến thức cũng như tay nghề chế biến món ăn địa phương, Sở VH-TTDL vừa tổ chức các lớp tập huấn về chế biến món ăn địa phương cho các hộ nông dân, doanh nghiệp làm du lịch trên địa bàn tỉnh. Qua các buổi tập huấn, người dân làm du lịch hiểu được nhiều vấn đề trong việc lựa chọn và chế biến thực phẩm, nhất là các món ăn được chế biến từ nguyên liệu có sẵn tại địa phương, tạo nên bản sắc ẩm thực riêng cho Đồng Nai. |
Thủy Mộc