Ngày 10-3 âm lịch, không chỉ ở đất tổ Phú Thọ mà tại các khu di tích thờ Quốc Tổ Hùng Vương trên địa bàn tỉnh Đồng Nai nhiều năm nay cũng diễn ra các hoạt động dâng hương, tri ân công đức tổ tiên, hướng về nguồn cội...
Ngày 10-3 âm lịch, không chỉ ở đất tổ Phú Thọ mà tại các khu di tích thờ Quốc Tổ Hùng Vương trên địa bàn tỉnh nhiều năm nay cũng diễn ra các hoạt động dâng hương, tri ân công đức tổ tiên, hướng về nguồn cội.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh dâng hương, tri ân Vua Hùng và các bậc tiền nhân tại lễ giỗ Tổ Hùng Vương năm 2022 diễn ra ngày 7-4 ở P.Bình Đa, TP.Biên Hòa. Ảnh: My Ny |
Giỗ Tổ Hùng Vương vì thế đã trở thành một nét đẹp văn hóa tâm linh ở vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai.
* Giữ nét đẹp truyền thống…
Đã thành thông lệ nhiều năm nay, mỗi khi đến ngày giỗ Tổ Hùng Vương (mùng 10-3 âm lịch), gia đình ông Ngô Văn Son (ở ấp Vĩnh Hiệp, xã Tân Bình, H.Vĩnh Cửu) lại chuẩn bị lễ vật, dâng hương lên bàn thờ tại gia. Ông Son cho biết: “Đây là việc làm đã được gia đình tôi duy trì từ rất lâu, trước để bày tỏ lòng thành kính tới các vua Hùng, sau là giáo dục con cháu nhớ về truyền thống, cội nguồn. Trước bàn thờ gia tiên, gia đình tôi còn thờ di ảnh Bác Hồ. Các con, cháu của tôi hiện nay cũng không quên phong tục dâng hương Quốc Tổ tại nhà và tại đền thờ Hùng Vương vào ngày 10-3, như một cách ngưỡng vọng công đức tổ tiên”.
Khởi nguồn từ tập quán thờ cúng tổ tiên, ý thức thờ cúng Hùng Vương qua thời gian đã thành biểu tượng văn hóa tín ngưỡng, niềm tự hào của từng gia đình, từng dòng họ, từng địa phương và cả dân tộc. Trong 2 năm (2020-2021), dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên các hoạt động trong lễ giỗ Tổ trên địa bàn tỉnh được tổ chức ngắn gọn, hạn chế tập trung đông người. Hiện nay, cả nước và Đồng Nai đã trở lại trạng thái bình thường mới, thích ứng an toàn, hiệu quả với phòng, chống dịch, nhiều địa phương trong tỉnh đã và đang tổ chức các hoạt động hướng về giỗ Tổ.
Tại TP.Biên Hòa, lễ giỗ Tổ Hùng Vương năm nay được tổ chức trang trọng ở Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương (P.Bình Đa) vào ngày 7-4 (tức mùng 7-3 âm lịch). Trong buổi lễ, các đại biểu, người dân và du khách cùng ôn lại tiểu sử, công đức của 18 vị vua Hùng đã có công dựng nước, giữ nước; dâng hương, dâng hoa với tấm lòng thành kính hướng về tổ tông, nguồn cội. Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Nguyễn Duy Tân cho biết, cùng với dâng hương giỗ Tổ, thành phố cũng đẩy mạnh cổ động trực quan, treo cờ, băng rôn trên các tuyến đường; tuyên truyền trên màn hình LED, trên trang thông tin điện tử của thành phố; tổ chức các hội thi...
Hiện nay, các gia đình trên địa bàn tỉnh đã đồng loạt treo cờ Tổ quốc nhân dịp giỗ Tổ Hùng Vương 10-3 âm lịch. Ngoài ra, các địa phương đã và đang tổ chức ra quân, dọn dẹp vệ sinh trên địa bàn phường, xã, thị trấn; đồng thời ra quân chấn chỉnh quảng cáo, đảm bảo mỹ quan, giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp trước, trong và sau lễ giỗ Tổ. |
“Tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng đã lan tỏa mạnh mẽ trong tâm thức bao thế hệ người dân ở Biên Hòa - Đồng Nai. Việc tổ chức lễ giỗ Tổ không chỉ là sự tưởng nhớ, là sự trở về với cội nguồn của dân tộc, tri ân các vua Hùng và các bậc tiền nhân mà còn giáo dục các thế hệ người Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ; đồng thời cổ vũ các tầng lớp nhân dân chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp và phồn vinh” - ông Tân nói.
Không chỉ TP.Biên Hòa mà nhiều địa phương trong tỉnh có đền thờ Quốc Tổ như: H.Trảng Bom, H.Tân Phú… cũng tổ chức lễ dâng hương, tưởng nhớ Hùng Vương, tri ân công đức tiền nhân. Tấm lòng thành kính của các thế hệ hôm nay như một chiếc cầu nối giữa quá khứ với hiện tại thể hiện lòng biết ơn, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của người dân Đồng Nai nói riêng, Việt Nam nói chung. Từ đó ra sức học tập, lao động, sản xuất, bảo vệ Tổ quốc... để xứng đáng với tổ tiên, với công lao của các vua Hùng như lời Bác Hồ đã dạy: “Các vua Hùng đã có công dựng nước/ Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa - thông tin và thể thao H.Trảng Bom Tăng Thùy Phương Khánh cho rằng, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã và đang được hàng triệu đồng bào người Việt thực hành: “Hằng năm, UBND huyện tổ chức lễ giỗ tại Công viên văn hóa Hùng Vương, mang đậm tính truyền thống, kết hợp các hoạt động giới thiệu và quảng bá hình ảnh con người và vùng đất Trảng Bom. Bên cạnh việc giáo dục truyền thống lịch sử vẻ vang của cha ông, đây cũng là dịp để gắn kết cộng đồng, chung tay xây dựng đời sống văn hóa mới. Nét đẹp này đã và đang được bảo tồn, phát huy”.
Theo Giám đốc Trung tâm Văn miếu Trấn Biên Trần Trung Tuyến, biểu tượng Vua Hùng và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương hiện đã trở thành điểm hội tụ của tinh thần đại đoàn kết dân tộc Việt Nam. Và khi tâm thức nguồn cội của người Việt được nâng cao, thì tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được lan tỏa, trở thành hiện tượng xã hội. Đây là một hoạt động tinh thần quan trọng gắn với đời sống văn hóa các dân tộc. Đặc biệt, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ngày nay đã không còn biên giới riêng, đã lan tỏa sâu rộng, trở thành động lực tinh thần tạo nên sức mạnh giúp dân tộc vượt qua mọi khó khăn, thử thách và không ngừng phát triển, hội nhập quốc tế.
* Giáo dục đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”
Hướng về giỗ Tổ 10-3, phòng GD-ĐT các huyện, thành phố đã phối hợp với phòng văn hóa - thông tin, đoàn thanh niên trên địa bàn tỉnh tích cực tổ chức các chuyến đi về nguồn, tham quan di tích lịch sử, bảo tàng; đồng thời tổ chức hội thi đọc sách, kể chuyện và vẽ tranh về vua Hùng; làm bánh chưng, bánh giầy… gắn với phong trào thi đua xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực.
Các em học sinh trên địa bàn TP.Biên Hòa tham gia hội thi vẽ tranh Thời đại Hùng Vương qua tranh vẽ của em năm 2022. Ảnh: CTV |
Cô Nguyễn Thị Kim Ngọc, giáo viên Trường mầm non Hòa Hưng (P.An Hòa, TP.Biên Hòa) cho biết: “Mặc dù giảng dạy trong ngôi trường không mang tên Hùng Vương song trong chương trình dạy của mình, mỗi giáo viên đều lồng ghép các kiến thức lịch sử, văn hóa, kể chuyện vua Hùng cho học sinh nghe. Bên cạnh đó, hằng năm đến ngày giỗ Tổ, nhà trường còn tổ chức cho học sinh, giáo viên trải nghiệm làm bánh chưng, bánh giầy. Thông qua hoạt các động này nhằm giáo dục các em học sinh hiểu về nguồn cội, biết ơn sâu sắc đến các tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước”.
Hiện Thành đoàn Biên Hòa đã phối hợp với phòng GD-ĐT, trung tâm văn hóa - thông tin và thể thao các huyện, thành phố tổ chức chấm và trao giải hội thi vẽ tranh Thời đại Hùng Vương qua tranh vẽ của em năm 2022. Hội thi dành cho đối tượng học sinh tiểu học và THCS. Theo họa sĩ Đào Tấn Hưng, Trưởng ban giám khảo cuộc thi, các tranh vẽ thể hiện sinh động về thời đại Hùng Vương, từ truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh; bánh chưng, bánh giầy, đến sự tích Thánh Gióng… lồng ghép về thời đại ngày nay. Điều này chứng tỏ học sinh đã tìm hiểu rất kỹ về văn hóa, lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc.
“Không chỉ vẽ tranh về thời đại vua Hùng, nhiều tác phẩm của học sinh tham gia hội thi còn kết nối thời đại, kể những câu chuyện trong cuộc sống hôm nay như: biển đảo; phòng, chống dịch Covid-19. Đây là hoạt động thiết thực, góp phần bồi đắp tâm hồn trẻ thơ tình yêu quê hương, đất nước; đồng thời nâng cao tinh thần trách nhiệm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Qua đó, bồi dưỡng cho các em năng khiếu nghệ thuật, rèn luyện tư tưởng, đạo đức, lối sống lành mạnh, nuôi dưỡng tâm hồn và hình thành kỹ năng sống” - họa sĩ Đào Tấn Hưng nói.
NSƯT Quế Anh, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai cho biết, hướng về ngày giỗ Tổ, nhà hát đã xây dựng nhiều chương trình nghệ thuật để giới thiệu đến công chúng trong và ngoài tỉnh bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến. Cùng với tri ân công đức tiền nhân, các chương trình ca múa nhạc còn hướng đến giáo dục, nhắc nhở các tầng lớp nhân dân về đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”…
“Để người trẻ hôm nay nhớ mãi về nguồn cội của mình, rất cần công tác tuyên truyền thông qua những việc làm thiết thực như: về nguồn, hội thi, hội diễn… qua những lần giỗ Tổ Hùng Vương. Từ đó, khơi dậy ý chí phấn đấu của tuổi trẻ về truyền thống hào hùng của cha ông ta, cần tôn trọng giữ gìn. Những bài học lịch sử, nhất là bài học đoàn kết dựng nước và giữ nước cần được truyền tải bằng nhiều hình thức, giúp người trẻ dễ học, dễ nhớ và nhất là dễ thực hiện” - NSƯT Quế Anh bộc bạch.
Sáng 10-4 (tức mùng 10-3 âm lịch), tại Công viên văn hóa Hùng Vương (H.Trảng Bom) sẽ long trọng diễn ra lễ giỗ Tổ Hùng Vương năm 2022 với nhiều hoạt động như: rước bánh chưng, bánh giầy; lễ cúng và dâng hương. Các đền thờ Hùng Vương trên địa bàn tỉnh mở cửa cho các tầng lớp nhân dân đến dâng hương, tri ân công đức vua Hùng. Riêng tại di tích chùa Ông (P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) diễn ra lễ cầu siêu cho đồng bào tử vong vì dịch Covid-19. Đây là việc làm ý nghĩa lớn, thể hiện nghĩa đồng bào, truyền thống tốt đẹp của dân tộc. |
My Ny