Ca từ trong nhạc Trịnh Công Sơn đẹp như thơ là điều nhiều người đã nói và công nhận.
Ca từ trong nhạc Trịnh Công Sơn đẹp như thơ là điều nhiều người đã nói và công nhận.
Nhạc sĩ Văn Cao nói, Trịnh Công Sơn là “người thơ ca”. Ông viết: “Tôi gọi Trịnh Công Sơn là người thơ ca (Chantre)* bởi ở Sơn, nhạc và thơ quyện vào nhau đến độ khó phân định cái nào là chính, cái nào là phụ. Và bởi Sơn đã hát về quê hương, đất nước bằng cả tấm lòng của một đứa con biết vui tận cùng những niềm vui và đau tận cùng những nỗi đau của Tổ quốc mẹ hiền”. (Trích trong Trịnh Công Sơn - Một người thơ ca - Một cõi đi về, NXB Âm nhạc, tháng 5-2001).
Giá trị nhạc Trịnh là chuyện hiển nhiên, ngoài ra ông còn viết văn xuôi. Truyện ngắn có tên Chú Lộ là sáng tác, coi như hư cấu, nhưng qua cốt truyện cho thấy, đời sống thực một chuyện tình giữa cô con gái người quản gia và Chú Lộ, một người làm ở sân tennis của chủ Pháp. Người con gái tên Khế bị lạc đạn chết khi giặc Pháp đi càn.
Ngoài truyện ngắn được in trong tuyển tập này, bạn đọc gặp khá nhiều văn xuôi Trịnh Công Sơn, phần lớn là những tản văn tự sự, một mảng trong số này là câu chuyện ra đời một số nhạc phẩm nổi tiếng, lưu hành và hát rộng rãi.
Trong đời sống báo Xuân 20 năm về trước ở TP.HCM, bạn đọc thường gặp những tản văn đầy cảm xúc của Trịnh Công Sơn. Người ta dễ nhận ra giọng văn mượt mà khó lẫn của ông.
Hạ trắng là bài nhạc hay. Bài viết Giấc mơ hạ trắng kể câu chuyện khi Trịnh Công Sơn bị sốt nặng, thức dậy thấy bó dạ lý hương bên cạnh giường. “Chính cái mùi thơm của dạ lý hương đã đưa tôi vào giấc mơ kia. Giấc mơ trong một mùa hạ nóng bức. Trong vùng tôi ở, quanh đó chỉ có một nhà duy nhất trồng dạ lý hương nên tôi biết ngay người mang hoa đến là ai”.
Câu chuyện lên cao trào khi hết bệnh, Trịnh Công Sơn đi thăm gia đình người bạn khi cha người bạn hấp hối. Ông ngả bệnh do nhớ thương người vợ qua đời trước đó mà các con trong nhà đã giấu ông vì sợ ông ngã bệnh theo. Bó dạ lý hương cạnh giường và câu chuyện mối tình già keo sơn ra đời Hạ trắng và có ca từ nhói lòng: “Áo xưa dù nhàu cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau”.
Em ở nông trường, em ra biên giới là một trong những sáng tác sau năm 1975 của Trịnh Công Sơn được nhiều người biết đến, giai điệu, ca từ hòa nhịp trái tim người nghệ sĩ và thời cuộc. Ông thâm nhập thực tế ở Nông trường Nhị Xuân, TP.HCM, gặp những cô gái thanh niên xung phong và sau đó nghe tin các cô hy sinh ở biên giới Tây Nam.
“Người ta có thể làm được những kỳ công nhưng không ai dễ dàng sáng tạo ra những người đẹp đẽ như thế. Tất cả những hình ảnh ấy sáng lên trong tôi như một huyền thoại. Một huyền thoại mang đầy đủ nét trữ tình và chất lãng mạn mới của thời đại chúng ta”. (Nhớ về một bài hát - Trịnh Công Sơn, Một người thơ ca… - sách đã dẫn).
Trong Phác thảo chân dung tôi, Trịnh Công Sơn viết: “Phải chờ đến lúc soi gương nhìn thấy tóc không mang màu xanh cũ nữa, mới nhận ra được hết nỗi khát khao được yêu thương mãi mãi con người và cuộc sống. Yêu thương con người là yêu thương tiếng hát bởi vì tiếng hát mang trong nó tâm hồn con người. Tiếng hát sẽ mọc lên xanh tươi trên cuộc đời này như những cây tử đinh hương mọc tràn thơm tho trên những cánh đồng vô tận”.
Trịnh Công Sơn nghĩ và viết theo suy nghĩ như vậy nên nhạc Trịnh còn vang vọng mãi.
Trần Chiêm Thành
* Chantre: (tiếng Pháp)