Chiến tranh đã lùi xa nhưng thế hệ trẻ sẽ không bao giờ quên những hy sinh của cha anh để có ngày độc lập hôm nay. Tinh thần dân tộc, khát vọng hòa bình, phát triển mãi được lan tỏa vì một Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.
1. Phát biểu tại chương trình nghệ thuật Chung một dòng sông nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng tỉnh Quảng Trị, 47 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước do Báo Nhân Dân, Hội Nhà báo Việt Nam và UBND tỉnh Quảng Trị phối hợp tổ chức, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh nhấn mạnh, đến nay cuộc chiến đã lùi xa gần 50 năm, dấu vết của chiến tranh chỉ còn lưu lại qua những chứng tích lịch sử. Những địa danh như: Thành cổ, Đường 9, Khe Sanh, Gio Linh, Cam Lộ, Đông Hà, Bến Hải, Thạch Hãn, Cửa Việt, Cửa Tùng... từng ghi dấu những chiến công lừng lẫy của quân và dân Quảng Trị, nhưng cùng với đó là sự đổ nát tàn khốc vì ngọn lửa chiến tranh. Những địa danh, vùng đất ấy, hôm nay đã hồi sinh.
Cho dù gần 50 năm đã trôi qua nhưng trong tâm khảm mỗi người Việt Nam, sông Bến Hải, cầu Hiền Lương vẫn là những vùng ký ức, nhắc nhớ về những thập kỷ khắc nghiệt nhất của dân tộc, về sự chia cắt, phân ly, đồng thời cũng là biểu tượng của đức hy sinh, của tình yêu thương và lòng nhân ái, hòa hợp, hòa giải dân tộc.
2. Đúng vào dịp kỷ niệm 47 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tại Đồng Nai đã trang trọng diễn ra lễ truy điệu và an táng 28 hài cốt liệt sĩ vừa tìm thấy tại khu Gò Cát, ấp Bàu Bông, xã Phước An (H.Nhơn Trạch). Đây được xác định là những chiến sĩ Đặc công Rừng Sác đã anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Theo nhiều nhân chứng còn sống kể lại, con số những chiến sĩ hy sinh ở khu vực Rừng Sác chưa tìm thấy mộ còn khá nhiều, vì vậy cuộc tìm kiếm để đưa các liệt sĩ về lòng đất mẹ sẽ còn tiếp tục. Cuộc tìm kiếm ấy không bao giờ ngưng nghỉ bởi nỗi đau sau cuộc chiến vẫn còn đó với nhiều gia đình có người thân đã hy sinh vì độc lập của Tổ quốc. Tự do, hòa bình của ngày hôm nay được đánh đổi bằng xương máu, mất mát, hy sinh của biết bao nhiêu anh hùng của mọi miền đất nước, trong đó có Đồng Nai.
3. Trong câu chuyện kể của những cựu chiến binh về cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, điều mà nhiều người mong muốn là thế hệ trẻ hôm nay hiểu hơn về lịch sử, trân trọng quá khứ, nhất là những hy sinh, mất mát của các thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng… để nỗ lực phấn đấu, cống hiến nhiều hơn cho sự phát triển bền vững của đất nước. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, cơ hội nhiều mà thách thức cũng không nhỏ, tuổi trẻ phải có bản lĩnh, trí tuệ, thường xuyên trau dồi cho mình những kiến thức, kỹ năng, sẵn sàng trở thành những công dân toàn cầu.
Rất nhiều bạn trẻ của Đồng Nai đã và đang tiếp nối truyền thống cha ông, nỗ lực học tập, lao động, dấn thân vì cộng đồng. Trong “cuộc chiến” với dịch bệnh Covid-19 vừa qua, tinh thần ấy đã được lan tỏa, tạo hiệu ứng tích cực cho cộng đồng, xã hội khi tuổi trẻ không quản khó khăn, vất vả xông pha vào tâm dịch để giúp đỡ người dân. Hay những tấm gương học giỏi, sống tốt, đạt những thành tích đáng tự hào, làm rạng danh quê hương…
Chiến tranh đã lùi xa nhưng thế hệ trẻ sẽ không bao giờ quên những hy sinh của cha anh để có ngày độc lập hôm nay. Tinh thần dân tộc, khát vọng hòa bình, phát triển mãi được lan tỏa vì một Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.
Minh Ngọc