1. Mới đây, khi sự việc đau lòng của một học sinh trường chuyên ở Hà Nội xảy ra, người bạn là giáo viên tâm tư, có một bộ phận cha mẹ đang đặt lên vai con trẻ gánh nặng học hành vô cùng lớn.
1. Mới đây, khi sự việc đau lòng của một học sinh trường chuyên ở Hà Nội xảy ra, người bạn là giáo viên tâm tư, có một bộ phận cha mẹ đang đặt lên vai con trẻ gánh nặng học hành vô cùng lớn. Nhiều cha mẹ ngay từ lúc bắt đầu cho con học tiểu học đã kỳ vọng con phải vào trường “điểm”, trường có “tiếng tăm”, vào trung học là lớp chọn, trường chuyên mà không hề biết năng lực của trẻ đến đâu. Để đạt được mong muốn ấy, cha mẹ cho con cái đi luyện thi từ lớp 3. Với lịch học dày đặc: sáng học chính khóa ở trường, chiều học nhà cô, tối vào các lớp luyện thi Toán, tiếng Việt, tiếng Anh, thứ bảy, chủ nhật học ở các trung tâm ngoại ngữ, lớp toán tư duy... Chỉ nhìn vào thời khóa biểu thôi cũng khiến người lớn “tối tăm mặt mũi”.
Tuần trước, con gái tôi học lớp 9 tại một trường THCS cho hay, bạn con thời gian gần đây hay trốn tiết bỏ đi chơi. Hỏi nguyên nhân thì cháu cho biết bạn đó bị mất kiến thức cơ bản, hổng nhiều môn. Với sức học không theo kịp bạn trong lớp, do đó cháu muốn học hết lớp 9 sẽ đi học nghề. Cha mẹ đặt mục tiêu cho con là phải vào lớp 10 để học tiếp đại học. Chính vì bị áp lực học tập nên cháu chán học, bỏ học thường xuyên.
2. Trái ngược với những trường hợp trên, năm trước chị bạn có con học lớp 9 đã phải “cầu cứu” tôi vì cha cháu không đồng ý cho thi vào trường chuyên. Lý do anh cho con thi vào lớp 10 trường “thường” là không muốn cháu vất vả, học hành căng thẳng trong 3 năm học ở THPT.
Cách đây vài năm, lớp tôi chủ nhiệm có một học sinh giỏi, đoạt huy chương đồng cấp quốc gia ở một kỳ thi, song em không thi vào trường chuyên trong khi lực học, khả năng dư sức học tốt ở đó vì không muốn chịu áp lực, căng thẳng. Thật mừng là gia đình em đã đồng ý với quyết định của con cái. Mẹ em chia sẻ: “Ai lại không ước con cái học trường tốt, trường nổi tiếng, có điều ép trẻ quá sẽ dễ dẫn đến tiêu cực”.
3. Các nhà tâm lý, giáo dục, nhà giáo có kinh nghiệm cho rằng, cha mẹ không nên đặt mục tiêu quá sức bắt trẻ phải học bằng con người này, người nọ, phải vào trường tốp trên, phải học thay cha mẹ... Thay vào đó hãy luôn quan tâm, chăm sóc, gần gũi, hiểu tâm lý lứa tuổi, chia sẻ với con những khó khăn, lắng nghe tâm tư của trẻ, phải biết được trẻ đang suy nghĩ gì, muốn gì để uốn nắn, điều chỉnh, không tạo áp lực học tập cho con trẻ.
Đối với giáo viên, ngoài công tác giảng dạy, thầy cô giáo cũng cần làm tốt việc tư vấn, hỗ trợ học sinh về tâm sinh lý, những khó khăn trong học tập, khó khăn trong giao tiếp, khó khăn trong phát triển bản thân. Gia đình, giáo viên phải thấu hiểu, đồng cảm và phải là chỗ dựa vững chắc cho con trẻ.
Hưng Nhân