Báo Đồng Nai điện tử
En

Đừng "ngủ quên" trên lợi thế

09:04, 16/04/2022

Trên thực tế, nông sản Việt, nhất là các loại rau, củ, quả, thịt "nóng" vẫn chiếm được sự tin dùng của người tiêu dùng. Tuy nhiên, một hạn chế lớn của các sản phẩm Việt là chậm cải thiện về mẫu mã, hình ảnh còn chưa bắt mắt dù có chất lượng tốt, mùi vị thơm ngon.

Trên thực tế, nông sản Việt, nhất là các loại rau, củ, quả, thịt “nóng” vẫn chiếm được sự tin dùng của người tiêu dùng. Tuy nhiên, một hạn chế lớn của các sản phẩm Việt là chậm cải thiện về mẫu mã, hình ảnh còn chưa bắt mắt dù có chất lượng tốt, mùi vị thơm ngon.

Người tiêu dùng chọn mua các sản phẩm thịt heo trong nước tại một siêu thị ở TP.Biên Hòa
Người tiêu dùng chọn mua các sản phẩm thịt heo trong nước tại một siêu thị ở TP.Biên Hòa

Ngoài ra, vấn đề về truy xuất nguồn gốc, phát triển thương hiệu… cũng cần được các doanh nghiệp sản xuất trong nước quan tâm, chú trọng.

Nhiều thách thức

Khi giá nhiều loại nông sản, trái cây nhập khẩu từ các nước có xu hướng giảm, người tiêu dùng trong nước sẽ có cơ hội được thưởng thức các sản phẩm vốn được coi là xa xỉ. Thực tế cho thấy, từ trước tới nay, chất lượng các sản phẩm trái cây, nông sản nhập khẩu từ các nước tiên tiến vốn vẫn được người tiêu dùng đánh giá cao trong quy trình sản xuất, kiểm soát chặt chẽ việc kiểm tra tồn dư các chất độc hại trong sản phẩm, đảm bảo sản phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng.

Đây là lý do vì sao dù giá thành không hề rẻ, nhưng các loại trái cây, nông sản nhập khẩu vẫn thu hút được người tiêu dùng, nhất là ở phân khúc dành cho người có thu nhập cao. Do vậy, việc nhiều loại nông sản các quốc gia khác nhập vào Việt Nam với mức giá rẻ hơn sẽ đặt ra thách thức lớn đối với sản xuất nông nghiệp trong nước.

Bên cạnh đó, theo nhiều chuyên gia, với hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực, dự đoán “cuộc chiến” cạnh tranh về giá trong lĩnh vực chăn nuôi những năm tới sẽ còn rất khốc liệt và nếu không nhanh chóng thay đổi để rút ngắn khoảng cách về giá, ngày càng có nhiều sản phẩm thực phẩm nhập khẩu như: thực phẩm đóng hộp, đồ khô, ngay cả bánh mỳ tươi đông lạnh… đã xuất hiện tại nhiều chuỗi cung ứng, bán lẻ…

Do đó, các sản phẩm chăn nuôi trong nước cần ngày càng chú trọng nhãn mác, thương hiệu, đảm bảo những cam kết về chất lượng, giá cả để có thể phát triển nhiều kênh phân phối, cạnh tranh sòng phẳng với các loại thịt nhập khẩu chính ngạch từ Mỹ, Australia, Hàn Quốc, Hà Lan...

Ông Nguyễn Hữu Nam, Phó giám đốc Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam chi nhánh tại TP.HCM chia sẻ, bên cạnh những lợi thế trong xuất khẩu, chúng ta sẽ phải mở cửa thị trường trong nước trong bối cảnh hội nhập các FTA. Các sản phẩm nước ngoài theo các FTA cũng được nhập khẩu với mức thuế ưu đãi bên cạnh các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam sản xuất, bán tại thị trường trong nước.

Sự góp mặt của các thương hiệu nước ngoài tại Việt Nam làm thị trường hàng hóa trong nước phong phú, chất lượng và giá thành cạnh tranh. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp Việt cũng chịu sức ép cạnh tranh lớn ngay trên sân nhà. Đặc biệt, các ngành hàng như: nông sản, thủy sản, chăn nuôi… là những ngành hàng dễ chịu tác động sau những đợt dịch Covid-19 vừa qua.

Cần nỗ lực giữ ưu thế

Theo đại diện các siêu thị, trung tâm thương mại ở TP.Biên Hòa, hiện các sản phẩm thịt tươi trong nước vẫn có nhiều lợi thế hơn và được người tiêu dùng lựa chọn nhiều hơn do tâm lý, thói quen thích sử dụng các loại thịt tươi. Ngoài ra, các mặt hàng thịt đông lạnh chưa đa dạng về các dòng sản phẩm; thịt đông lạnh sau khi rã đông thường được mua về chế biến sử dụng ngay nên các nhà phân phối thường khuyến cáo người tiêu dùng không nên tái cấp đông sau khi thịt đã được rã đông... 

Trong khi đó, đối với nhiều loại rau, củ, quả, hiện nay tại nhiều chợ đầu mối, siêu thị, nguồn hàng nông sản trong nước vẫn chiếm thị phần lớn. Tuy nhiên để nâng cao sức cạnh tranh, các loại nông sản Việt vẫn cần được đầu tư hơn nữa ở khâu bảo quản, chế biến và đặc biệt là ngày càng đảm bảo các yếu tố vầ chất lượng, nguồn gốc… Đại diện chợ đầu mối nông sản, thực phẩm Dầu Giây (H.Thống Nhất) cho biết, hiện nay các loại nông sản Việt vẫn chiếm tỉ trọng cao khoảng 80-85%, trong đó nguồn hàng ở địa phương khá dồi dào, sức tiêu thụ ổn định…

Ông Phạm Gia Hải, Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Đồng Nai chia sẻ, nhiều mặt hàng Việt chú trọng về chất lượng, tiện ích của sản phẩm, hướng đến việc truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, nêu cao nhận thức về tính xanh, sạch, an toàn, từ đó góp phần thay đổi thói quen tiêu dùng thông minh, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trách nhiệm, bền vững.

Hoàng Hải

Tin xem nhiều