Báo Đồng Nai điện tử
En

Người "truyền lửa" dân ca quan họ

08:03, 11/03/2022

Mặc dù không phải là nghệ sĩ chuyên nghiệp, cũng không được đào tạo bài bản nhưng xuất phát từ tình yêu với nghệ thuật truyền thống, cô Nguyễn Thị Ngọc Hà (Hiệu trưởng Trường tiểu học Đồi 61, xã Đồi 61, H.Trảng Bom) đang nỗ lực "truyền lửa" dân ca quan họ trên vùng đất Đồng Nai.

Mặc dù không phải là nghệ sĩ chuyên nghiệp, cũng không được đào tạo bài bản nhưng xuất phát từ tình yêu với nghệ thuật truyền thống, cô Nguyễn Thị Ngọc Hà (Hiệu trưởng Trường tiểu học Đồi 61, xã Đồi 61, H.Trảng Bom) đang nỗ lực “truyền lửa” dân ca quan họ trên vùng đất Đồng Nai.

Cô Nguyễn Thị Ngọc Hà (ngồi trong cùng, bên trái) đang tập hát cho các thành viên trong CLB Dân ca quan họ Về miền Kinh Bắc, H.Trảng Bom
Cô Nguyễn Thị Ngọc Hà (ngồi trong cùng, bên trái) đang tập hát cho các thành viên trong CLB Dân ca quan họ Về miền Kinh Bắc, H.Trảng Bom. Ảnh: L.Na

Gần 5 năm nay, cô Hà đã cùng với những người cùng đam mê thành lập CLB Dân ca quan họ Về miền Kinh Bắc. CLB trực thuộc Trung tâm Văn hóa - thông tin và thể thao H.Trảng Bom, là điểm đến để mọi người cùng nhau ca hát và trải mình với từng giai điệu âm nhạc dân tộc.

* Tình yêu với quan họ

Những ngày đầu tháng 3, có thời gian ghé thăm công viên văn hóa Hùng Vương (H.Trảng Bom), chúng tôi bất ngờ gặp cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Hà đang say sưa cùng với CLB Dân ca quan họ Về miền Kinh Bắc luyện tập. Nhìn cô Hà rạng rỡ trong chiếc áo “mớ ba mớ bảy”, duyên dáng cùng vành nón quai thao khi hướng dẫn các thành viên ngâm từng câu quan họ, từng làn điệu dân ca, chúng tôi thấy được niềm vui và hy vọng.

Sau các tiết mục, cô Hà kể cho chúng tôi nghe câu chuyện cô sinh ra và lớn lên ở Thái Bình, theo gia đình vào Đồng Nai đến nay đã hơn 30 năm. Mê ca hát từ nhỏ, đặc biệt là mê những làn điệu dân ca quan họ của xứ Kinh Bắc, cô vẫn luôn đau đáu gìn giữ và phát huy loại hình nghệ thuật truyền thống trên vùng đất mới. Năm 2018, cô đã cùng với những người con xa quê, dành nhiều thời gian, tâm huyết gây dựng nên CLB Dân ca quan họ trên vùng đất Trảng Bom, tạo điều kiện để mọi người có cơ hội giao lưu, chia sẻ âm nhạc truyền thống.

Nhiều năm qua, CLB Dân ca quan họ Về miền Kinh Bắc, H.Trảng Bom đã trở thành địa chỉ quen thuộc của những người yêu thích nghệ thuật truyền thống đến sinh hoạt, học các làn điệu quan họ. Nhờ vậy, nhiều thành viên trong CLB đã trở thành “hạt nhân” văn nghệ tại địa phương và trường học. Đó là thành quả của cả một cộng đồng nhằm lưu giữ loại hình di sản độc đáo này, trong đó có cô Nguyễn Thị Ngọc Hà đang ngày đêm truyền lửa đam mê, đưa những câu dân ca quan họ ngày càng lan tỏa, thấm sâu vào đời sống.

“Những ngày đầu mới thành lập, CLB gặp nhiều khó khăn khi chỉ có hơn 10 thành viên tham gia. Tuy nhiên với tiêu chí, ai biết hát quan họ, đam mê các làn điệu dân ca thì sẽ được kết nạp, đến nay CLB có hơn 30 người, chủ yếu là cán bộ hưu trí và học sinh, hoạt động mang lại hiệu quả tích cực. CLB luyện tập đều đặn 2 buổi/tuần vào thứ bảy và chủ nhật trong không gian công viên văn hóa Hùng Vương. Tại đây, mọi người ngồi lại bên nhau, cùng hòa nhịp với những lời ca, tiếng hát, những làn điệu do tôi sưu tầm, tìm kiếm và hướng dẫn” - cô Hà cho biết.

Hiện tại, cô Hà đã tập hợp được hơn 30 bài dân ca quan họ, ghi chép bài bản và tập luyện nhuần nhuyễn cho các thành viên CLB. Không chỉ hát các bài quan họ cổ, CLB còn dàn dựng, biểu diễn những làn điệu ca ngợi quê hương, đất nước, con người và vùng đất mới Trảng Bom.

Sinh hoạt tại CLB từ những ngày đầu thành lập, ông Đỗ Đình Đàm cho hay: “Vì yêu thích ca hát và muốn gợi lại làn điệu quan họ đã thuộc từ thuở nhỏ nên khi được cô Hà mời vào CLB tôi tham gia ngay. Mới đầu, chúng tôi hát những bài đơn giản như: Ngồi tựa mạn thuyền, Se chỉ luồn kim, Đêm qua nhớ bạn, Để nhện giăng mùng… sau đó mới hát được các “bài lề lối”. Càng hát càng say. Những giai điệu ngọt ngào của quan họ mỗi khi ngân lên dường như làm tan biến hết mệt nhọc, lo toan của cuộc sống đời thường”.

* “Truyền lửa” làn điệu dân ca

Với tinh thần truyền dạy quan họ ở bất cứ đâu, với bất cứ ai có nhu cầu, cô Hà còn hướng dẫn cho các em học sinh ở Trường tiểu học Đồi 61 - nơi cô làm hiệu trưởng. Mày mò nghiên cứu, cô tìm những phương pháp học linh hoạt để mang lại hiệu quả cao nhất cho học sinh, trong đó, cô tập trung hướng dẫn các em hát đơn, xây dựng những chương trình phù hợp, có khả năng tương tác cao. Ngoài ra, cô còn kết hợp dạy hát và phân tích ý nghĩa thơ ca dân gian.

Cô Nguyễn Thị Ngọc Hà (thứ hai từ trái qua)  cùng các thành viên trong CLB Dân ca quan họ Về miền Kinh Bắc, H.Trảng Bom biểu diễn tại công viên văn hóa Hùng Vương
Cô Nguyễn Thị Ngọc Hà (thứ hai từ trái qua) cùng các thành viên trong CLB Dân ca quan họ Về miền Kinh Bắc, H.Trảng Bom biểu diễn tại công viên văn hóa Hùng Vương

“Hiện tại, có gần 10 em học sinh biết hát, biểu diễn dân ca quan họ thành thạo. Các làn điệu dân ca quan họ của CLB mỗi khi mang đi giao lưu, biểu diễn đã đoạt nhiều giải cao tại các hội diễn văn nghệ trong và ngoài tỉnh. Điều này đã tạo động lực để các thành viên trong CLB tiếp tục cố gắng luyện tập, tham gia các sân chơi, tạo sự phong phú của hoạt động nghệ thuật quần chúng của địa phương” - cô Hà nói.

Cũng theo cô Hà, mặc dù dân ca quan họ đang được gìn giữ và phát huy ở nhiều nơi, nhiều vùng miền khác nhau trong cả nước song lối chơi có phần giảm sút hơn. Bởi nếu như trước đây, mỗi lần hát quan họ thường thâu đêm suốt sáng thì giờ đây đã không còn như thế nữa, trong cách hát ở nhiều nơi cũng có sự khác biệt, nhất là đã có sự lồng ghép những yếu tố về con người, vùng đất mới.

“Những người con đất Bắc yêu quan họ trên mảnh đất Đồng Nai luôn có trăn trở, làm sao để loại hình nghệ thuật truyền thống đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại không bị mai một. Chúng tôi chỉ mong việc đưa dân ca quan họ đi biểu diễn ở nhiều nơi, nhiều không gian văn hóa, kể cả trong trường học sẽ ngày càng thu hút được người trẻ theo học. Qua đó, góp phần giữ gìn, bảo tồn, phát huy các làn điệu dân ca của dân tộc trong đời sống hiện đại” - cô Hà bộc bạch.

Ly Na

Tin xem nhiều