Từ năng khiếu mỹ thuật bẩm sinh, với sự rèn giũa không ngừng, ông Nguyễn Văn Châu trở thành họa sĩ chuyên vẽ sơn dầu, tranh sơn mài, tranh sơn nước lên tường (bích họa); vẽ chân dung và chữ thư pháp trên giấy, vải bố.
Từ năng khiếu mỹ thuật bẩm sinh, với sự rèn giũa không ngừng, ông Nguyễn Văn Châu trở thành họa sĩ chuyên vẽ sơn dầu, tranh sơn mài, tranh sơn nước lên tường (bích họa); vẽ chân dung và chữ thư pháp trên giấy, vải bố.
Họa sĩ Nguyễn Văn Châu vẽ tranh tường cho một ngôi trường tiểu học ở xã Vĩnh Tân (H.Vĩnh Cửu). Ảnh: L.Na |
Bích họa của họa sĩ Nguyễn Văn Châu không chỉ góp phần làm cho các bức tường rêu cũ trở nên sống động, mới mẻ mà còn truyền đi nhiều thông điệp ý nghĩa.
* Hơn 40 năm theo đuổi hội họa
Họa sĩ Châu tâm sự, lúc còn nhỏ, ông đã thích vẽ về sân trường, con trâu, đồng lúa. Năm học lớp 4, cô giáo phát hiện ra năng khiếu hội họa của ông, không những cho điểm cao, các bức vẽ còn được treo lên tường để học sinh, thầy cô giáo cùng xem. Như được tiếp thêm động lực, ông càng chăm vẽ hơn. Thấy tranh trong sách, tranh ảnh trên lịch ông đều bắt chước vẽ.
Vào học chuyên ngành vẽ ở Trường đại học Mỹ thuật TP.HCM, ông Châu đã bắt đầu vẽ tranh kiếm tiền. “Vào những năm 80, 90 của thế kỷ trước, người TP.HCM bắt đầu chuộng tranh vẽ tường. Các đợt như bầu cử, đại hội, lễ kỷ niệm, năm mới nhà nhà vẽ tranh, người người vẽ tranh. Vẽ tường thôi chưa đủ, người ta vẽ trang trí trong nhà, trong các quán ăn, sân khấu sang trọng. Rồi người ở tỉnh lên thành phố thấy tranh vẽ đẹp, họ mời về quê vẽ. Chính vì vậy, những người như tôi có đất “dụng võ”. Khi đó, tôi vẽ tranh kiếm tiền được là “dữ dằn” lắm” - ông Châu nhớ lại.
Anh NGUYỄN MINH HOÀNG, học trò của họa sĩ Nguyễn Văn Châu cho biết: “Là thợ hàn, 3 năm trước, tình cờ làm công trình cho trường học ở H.Vĩnh Cửu, tôi gặp họa sĩ Châu và có ý xin học nghề. Sau đó, tôi được ông hướng dẫn cách tô màu, phối trộn màu và kỹ thuật vẽ… Mặc dù vẫn cần sự hỗ trợ của họa sĩ Châu nhưng tay nghề của tôi ngày càng cứng cáp. Tôi sẽ tiếp tục rèn giũa để có thể vẽ được những bức tranh đẹp, có thêm nguồn thu cho gia đình”. |
Gần 30 năm gắn bó với vùng đất TP.HCM, người họa sĩ gốc Đồng Nai không nhớ mình đã vẽ bao nhiêu bức tranh tường. Có điều, chỉ cần đi đường nhìn lướt qua, ông đã nhận ra tranh mình vẽ. Theo ông Châu, hiện nay nhu cầu và xu hướng chuộng tranh vẽ tường cũng giảm so với trước, bởi vậy ông chuyển sang vẽ tranh sơn dầu trên vải bố, vẽ chân dung và viết chữ thư pháp theo nhu cầu của khách. Tranh của ông vừa sắc nét, chân thực vừa tinh tế, nghệ thuật.
Ông Châu cho rằng, để có những tác phẩm nghệ thuật “có hồn”, người vẽ không chỉ thường xuyên xem tranh, xem ảnh rồi mô phỏng lại mà còn phải có kiến thức sâu rộng về các lĩnh vực. Chẳng hạn vẽ tranh tuyên truyền, cổ động phong trào xây dựng nông thôn mới cho H.Trảng Bom, ông phải chắt lọc những đặc trưng nông nghiệp, đời sống văn hóa của người dân địa phương đưa vào trong tranh vẽ. Hay vẽ tranh tuyên truyền tránh xa tệ nạn xã hội, phải biết các tệ nạn nào đang phổ biến, vẽ làm sao để người xem tranh hiểu ra vấn đề…
Chị Trần Thị Nga (ngụ tại xã Vĩnh Tân, H.Vĩnh Cửu) chia sẻ: “Tranh của họa sĩ Nguyễn Văn Châu trước cổng trường tiểu học rất đẹp. Ngoài việc làm hồi sinh bức tường rêu cũ, bích họa còn mang ý nghĩa giáo dục các em học sinh, phụ huynh chung tay bảo vệ môi trường, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19”.
* Đưa bích họa đến với cộng đồng
Khoảng 10 năm trở lại đây, hoạ sĩ Châu về H.Trảng Bom sinh sống và tiếp tục vẽ tranh. Dòng tranh sở trường của ông là phong cảnh thiên nhiên, tuyên truyền cổ động và vẽ chân dung, viết chữ thư pháp. Tác phẩm ấn tượng nhất là con đường bích họa về nông thôn mới dài 250m, cao 2,5m tại xã Cây Gáo. Tác phẩm này do 7 người thực hiện trong 1,5 tháng, trong đó, ông Châu là người vẽ phác thảo và hoàn thiện các chi tiết khó như: mắt, mũi, miệng, con chim, bông hoa…
Bức bích họa tuyên truyền xây dựng nông thôn mới tại H.Trảng Bom do họa sĩ Nguyễn Văn Châu thực hiện |
Ông Châu cho rằng, nghệ thuật cũng giống như thời trang, có sự xoay vòng. Ông nhận lời trang trí cho các cơ quan, đơn vị, trường học, cơ sở y tế, nhà hàng, quán ăn… có nhu cầu vẽ tranh trang trí, tuyên truyền, quảng cáo thay cho pano, áp phích, poster. So với sản phẩm in trên chất liệu ny-lông, kim loại, tranh sơn dầu bền, độc đáo hơn.
Cũng theo ông Châu, mặc dù sống bằng nghề vẽ nhưng ông không đặt nặng yếu tố kinh tế. Đối với tranh vẽ trang trí cho các trường học, tranh tuyên truyền cổ động cho cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp ông lấy mức giá “hữu nghị”. Bích họa cho nhà hàng, quán ăn, gia đình có điều kiện, ông lấy mức giá cao hơn. Cũng có những bức vẽ, ông tặng miễn phí. Những lúc không vẽ tranh tường, ông vẽ tranh thiên nhiên và viết chữ thư pháp đóng khung bán cho người có nhu cầu.
“Ở tuổi 64, có hơn 40 năm theo đuổi nghệ thuật, bí quyết để tôi gắn bó với nghề, đưa bích họa đến với cộng đồng chính là niềm đam mê. Bên cạnh đó, tôi cũng thường xuyên học hỏi, rèn giũa không ngừng để biết cách nắm bắt bố cục, phối cảnh cho các bức tranh lớn. Công việc này rất vất vả, phải chịu nắng gắt, chịu leo trèo vẽ trên cao… nhưng đã đam mê rồi thì không thể dứt được. Tôi rất trân trọng và sẵn sàng cầm tay chỉ nghề cho những bạn có tình yêu và đam mê như mình” - ông Châu nói.
Ly Na