Có lẽ trên cõi đời này, mỗi khi nhắc tới mẹ, những đứa con luôn muốn dành những ngôn từ đẹp nhất để kể về người, dù là trong niềm tưởng nhớ. Mẹ chính là suối nguồn mát trong chảy mãi, đong đầy cảm thức thương yêu mà chẳng một biểu tượng nào đủ đầy hơn, thiêng liêng hơn có thể thay thế…
Có lẽ trên cõi đời này, mỗi khi nhắc tới mẹ, những đứa con luôn muốn dành những ngôn từ đẹp nhất để kể về người, dù là trong niềm tưởng nhớ. Mẹ chính là suối nguồn mát trong chảy mãi, đong đầy cảm thức thương yêu mà chẳng một biểu tượng nào đủ đầy hơn, thiêng liêng hơn có thể thay thế…
Viết về mẹ, trong tôi luôn dậy lên niềm thương nhớ vô bờ bằng những ký ức ngày xưa cũ cứ rượt đuổi, xâm lấn rồi nôn nao òa vỡ. “Tuổi nào mất mẹ thì đau?” - câu thơ ấy chừng như là một câu hỏi tu từ bâng quơ mà xiết bao ám ảnh, thấm thía. Đến nỗi, có người từng phải thốt lên “Mẹ ơi, con đã già rồi/ Con ngồi nhớ mẹ khóc như trẻ thơ…”. Để thấy rằng, hơn tất thảy mọi điều tốt đẹp trên nhân gian này, mẹ mãi là thiên sứ của cuộc đời.
Tôi cũng không hề thiên vị khi muốn kể về người mẹ của mình với niềm ngưỡng vọng và tự hào lớn lao. Mẹ tôi, một con người khiêm nhường, bao dung và vô cùng nhân hậu. Mẹ sống một cuộc đời chưa đủ dài nhưng kịp để lại cho người thân, xóm giềng muôn vàn thương quý. Tôi yêu mẹ từ những điều giản dị nhất quan sát được mỗi ngày, ấy là tính nhẫn nại, chịu khó đến đức hy sinh cùng phương châm sống rất xởi lởi, có bất cứ thứ gì đều muốn san sẻ cho người khác. Trái tim ấm áp của mẹ từ những nghĩa cử sẻ chia ân cần ấy ít nhiều ảnh hưởng đến lối sống, cách ứng xử của tôi sau này. Mẹ cứ lặng thầm, lầm lũi nhận về mình hết thảy những thiệt thòi, những mong người thân của mình no đủ.
Anh em tôi từ một tay mẹ chăm bẵm, cứ vậy hồn nhiên lớn lên theo từng nếp nhăn trên khóe mắt, những tán đồi mồi trên khuôn mặt khắc khổ, nắng sạm của người phụ nữ tảo tần ấy. Làm sao quên được những chuyến đi về trong những ngày tôi trọ học và làm việc xa nhà. Tôi thường để ý và nhìn rất lâu vào đôi mắt mẹ. Ánh mắt trống trải, nhuốm màu cô đơn mặc dù mẹ đã cố gắng giấu đi tủi hờn khi những đứa con tựu về đôi ngày ngắn ngủi rồi lại ly hương, tỏa đi muôn nơi sinh kế. Và bao giờ cũng thế, mỗi bận xa nhà, mẹ lại đùm đề gói nhỏ gói to chật cả ba lô cho tôi mang đi. Cái gọi là quà quê ấy cơ man là đồ ăn, thức uống, khi là mấy chục trứng gà, khi là mấy chiếc bánh, lọ ruốc, có khi nguyên cả con gà đã luộc sẵn kèm theo bao lời dặn dò tỉ mẩn… Nhiều khi, tôi cố từ chối vì không muốn mẹ vất vả chuẩn bị gói ghém, mà không sao làm được, bởi đó như là một thói quen mặc nhiên của mẹ, là niềm vui của mẹ. Bùi ngùi làm sao!
Bốn mùa của mẹ tôi cứ lặng thầm trôi qua như thế. Chăm chỉ, ân cần và rất đỗi kiệm lời. Không quá khó hiểu nhưng với tôi lại vô cùng đặc biệt. Mẹ ít khi nghĩ cho mình, thu vén cho mình dẫu chỉ là sắm sửa xấp vải, tấm áo. Dẫu sau này đời sống gia đình khá giả hơn, mẹ vẫn giữ thói quen ăn uống, sinh hoạt đạm bạc. Những chắt bóp, dành dụm qua bao năm tháng tảo tần lại vun xới cho đời con.
Rồi mẹ giấu bệnh, lặng lẽ rời bỏ cuộc đời một cách nhẹ nhàng như chính cốt cách, lối sống âm thầm, kiệm lời vốn có của người. Đã bao năm tháng trôi qua, tôi vẫn hoài trăn trở: Ở một nơi rất xa nào đó, không biết cuộc đời mới của mẹ có được bình yên không? Sau khi gửi lại hết thảy mọi thăng trầm, mẹ đã hạnh phúc và mãn nguyện chưa? Thi thoảng được gặp mẹ trong giấc mơ của mình, tôi òa khóc ngon lành như một đứa trẻ, lòng chợt dâng lên một nỗi bàng hoàng khi không nghĩ rằng mình đã vĩnh viễn mất mẹ.
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, tôi vẫn chưa một ngày nguôi ngoai thương nhớ mẹ. Tôi nguyện cưu mang bóng hình người làm hành trang sống cho mình trên suốt hành trình phía trước. Hành trang ấy có chân dung của người phụ nữ nhân hậu với trái tim bao dung, ấm áp cùng đức độ lớn lao sẽ mãi luôn đồng hành và sửa sang, trau chuốt cho đời tôi.
Ngô Thế Lâm