Báo Đồng Nai điện tử
En

Khởi sắc ở cơ sở mầm non tư thục

08:03, 25/03/2022

Sau đợt dịch Covid-19 bùng phát trong năm 2021, nhiều cơ sở mầm non (MN) tư thục trên cả nước, trong đó có Đồng Nai, hoạt động khó khăn. Nhiều chủ cơ sở phải giải thể hoặc bán lại trường vì không kham nổi các chi phí do phải ngưng hoạt động nhiều tháng liền để phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, có không ít cơ sở MN tư thục vẫn nỗ lực duy trì hoạt động.

Sau đợt dịch Covid-19 bùng phát trong năm 2021, nhiều cơ sở mầm non (MN) tư thục trên cả nước, trong đó có Đồng Nai, hoạt động khó khăn. Nhiều chủ cơ sở phải giải thể hoặc bán lại trường vì không kham nổi các chi phí do phải ngưng hoạt động nhiều tháng liền để phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, có không ít cơ sở MN tư thục vẫn nỗ lực duy trì hoạt động.

Trường mầm non Nghé Ọ (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) lại rộn ràng tiếng trẻ thơ trong nhiều hoạt động vui chơi, học tập. Ảnh: T.Tâm
Trường mầm non Nghé Ngọ (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) lại rộn ràng tiếng trẻ thơ trong nhiều hoạt động vui chơi, học tập. Ảnh: T.Tâm

Đến nay, dù còn đối diện với nhiều khó khăn từ việc xây dựng, tu sửa lại cơ sở vật chất, tìm kiếm nguồn giáo viên mới và tuyển mới học sinh…, nhưng hầu hết chủ các cơ sở MN tư thục trên địa bàn rất phấn khởi vì trẻ đang trở lại trường ngày một đông hơn.

* Trẻ trở lại trường ngày càng đông

Mới chỉ đến gần cổng Trường MN Nghé Ngọ, nằm trong con hẻm nhỏ tại P.Trảng Dài (TP.Biên Hòa), chúng tôi đã nghe rõ tiếng lảnh lót đọc bài của những đứa trẻ. Từng tiếng đọc: “A, B, C…” nhịp nhàng, lâu lâu xen lẫn tiếng cười khúc khích, hát hò khiến cho ai đi qua đều cảm thấy vui.

Một số người dân xung quanh Trường MN Nghé Ngọ cho biết, từ khi trường mở cửa trở lại, khu vực này vui hẳn. Hằng ngày, nghe tiếng trẻ thơ ca hát, đọc bài hoặc nhìn các cháu nhảy aerobic ngoài sân rất đáng yêu. Nhớ hồi đại dịch Covid-19 bùng phát trong năm 2021, ngôi trường yên ắng đến buồn tẻ.

Theo thông tin từ Bộ GD-ĐT, hiện cả nước có khoảng hơn 500  trường MN tư thục phải giải thể, đó là chưa kể nhóm trẻ, lớp mẫu giáo tư thục nhỏ. Do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, rất nhiều cơ sở MN tư thục, nhóm trẻ, nhà trẻ… gặp khó khăn và cũng phải giải thể.

Chị Phương Anh, chủ Trường MN Nghé Ngọ cho hay, trường được thành lập từ năm 2018 với quy mô từ 140-150 bé ở các khối lớp mầm, chồi, lá. Trong lúc nhà trường đang đi vào ổn định thì dịch bệnh bùng phát, cô trò phải xa cách nhau tận 9 tháng khiến cho mọi thứ trở nên đìu hiu. Từ đó, kinh tế gia đình chị và nhiều giáo viên trong trường gặp rất nhiều khó khăn. Đa phần giáo viên đều thất nghiệp.

 “Vợ chồng tôi làm nghệ thuật và hoạt động chủ yếu trong môi trường giáo dục. Do đó, chúng tôi luôn muốn mang lại một môi trường giáo dục MN được đào tạo bài bản và rèn luyện về mặt năng khiếu cho trẻ. Chúng tôi đã muốn buông xuôi nhưng nhờ niềm đam mê và cố gắng, lời động viên từ phụ huynh nên ngôi trường đã hoạt động trở lại với đông trẻ hơn so với trước dịch. Tiếng cô, tiếng trò vang lên trong ngôi nhà chung này giúp cho chúng tôi có thêm sức mạnh và niềm tin vượt qua khó khăn” - chị Phương Anh cho hay.

Tương tự, ngôi nhà chung của nhóm trẻ Kim Cương Vàng (P.Trảng Dài) trong 9 tháng nghỉ dịch cũng trở nên vắng lặng. Thế nhưng khi được hoạt động trở lại, chỉ hơn 1 tháng, chủ cơ sở đã sửa sang, quét dọn cơ sở sạch đẹp và đón nhiều trẻ nhỏ đến lớp.

Chị Trần Thị Hà, chủ nhóm trẻ Kim Cương Vàng kể lại, lúc trước, cơ sở luôn có trên 100 trẻ ở nhiều khối lớp khác nhau. Nhưng đến nay chỉ có khoảng 50% học sinh trở lại trường do nhiều phụ huynh vẫn còn e ngại sợ con đi học bị nhiễm bệnh; ngoài ra có nhiều trẻ về quê sinh sống chưa quay trở lại.

Kể lại những ngày khi dịch bệnh bùng phát trong năm 2021, chị Hà cho biết, lúc đó trường không có nguồn thu, thấy thầy cô giáo thất nghiệp không có thu nhập nên vợ chồng chị chuyển hướng sang làm chả lụa, vừa tạo công ăn việc làm vừa kiếm thêm thu nhập. Nhờ đó, mọi người cùng vượt qua được những khó khăn trong đại dịch. Khi được mở cửa trở lại, thầy cô lại bắt tay vào việc dọn dẹp, sửa sang lại mọi thứ để tạo ra môi trường sạch đẹp hơn. Có như vậy phụ huynh mới yên tâm gửi con để đi làm.

“Khi dịch bệnh được kiểm soát, cơ sở được hoạt động trở lại chúng tôi rất vui. Thời gian đầu còn nhiều khó khăn, nhưng thấy nhiều học sinh quay lại trường, giáo viên có việc làm, chúng tôi rất phấn khởi. Thời gian tới, chúng tôi sẽ nâng cao chất lượng hoạt động, nhất là quan tâm đến chất lượng bữa ăn; chú trọng rèn luyện kỹ năng sống và mời giáo viên nước ngoài đến dạy tiếng Anh cho trẻ để thu hút trẻ trở lại trường đông hơn” - chị Hà cho hay.

* Bám trụ với nghề

Trên thảm cỏ ở sân Trường MN Nghé Ngọ, cô giáo Lê Thị Hồng Tuyên vẫn miệt mài đọc từng trang truyện đạo đức cho các trẻ lớp lá nghe. Trong ánh mắt trẻ ánh lên niềm thích thú, còn trong nụ cười cô giáo luôn ẩn chứa niềm hạnh phúc khó tả.

Cô Tuyên tâm sự, được trở lại trường để nuôi dạy, chăm sóc trẻ MN khiến cô rất hạnh phúc. Đối với cô, những ngày dịch bệnh bùng phát phải sống trong cảnh thất nghiệp như một cơn ác mộng mà cô chưa bao giờ nghĩ tới. Thời điểm đó, để có thu nhập, cô chuyển hướng sang nấu trà sữa bán. Thế nhưng vì nhớ lớp, nhớ trẻ nên mỗi ngày cô lại lên mạng xã hội tìm các truyện hay rồi gửi qua nhóm Zalo lớp để cha mẹ đồng hành với cô dạy con ở nhà và để cô trò không quên nhau.

Thật ra thu nhập nghề giữ trẻ không cao, công việc lại khá vất vả nhưng cứ yêu và xem trẻ như con của mình thì dù có bao khó khăn, tôi nghĩ mình cũng sẽ vượt qua để bám trụ với nghề. Thấy các con lớn lên mỗi ngày là tình yêu trong tôi cũng lớn lên theo các con” - chị NGUYỄN THỊ AN, giáo viên Trường MN Hoa Mai (H.Trảng Bom) tâm sự.

“Dù thất nghiệp nhiều tháng liền nhưng tôi chưa từng nghĩ mình sẽ bỏ nghề dạy trẻ để chuyển hướng làm việc khác. Mỗi ngày, tôi tự lên mạng học thêm nhiều kỹ năng, rèn thêm chữ để có thể tiếp tục mang đến cho trẻ những kiến thức bổ ích khi cô trò cùng đến lớp. Tôi tin nếu có tâm huyết với nghề, yêu trẻ thì sẽ giúp các em phát triển toàn diện hơn” - cô Tuyên chia sẻ.

Tương tự, cô Nguyễn Thị An, giáo viên Trường MN Hoa Mai (H.Trảng Bom) cho biết, dù phải dậy sớm để đến lớp dọn dẹp vệ sinh phòng học và đón trẻ nhưng cô rất vui vì có thể quay lại với công việc mà mình yêu thích. Nhìn lớp học thông thoáng, sạch sẽ; nghe tiếng chào trong trẻo của trẻ thơ mỗi khi đến lớp và cùng các em cất tiếng hát mỗi ngày, cô như xóa tan những tháng ngày buồn bã vì dịch bệnh. 

Cô An kể lại, cô làm nghề giữ trẻ ở các trường MN được 10 năm nay. Thế nhưng chưa khi nào lại thấy cuộc sống bấp bênh, thất nghiệp kéo dài như đợt dịch Covid-19. Dịch bệnh kéo dài khiến cô trò vẫn không được gặp nhau nên cô An buộc phải chọn một công việc khác để mưu sinh và từng nghĩ sẽ từ bỏ luôn nghề giữ trẻ. Thế nhưng, khi trường MN được hoạt động trở lại, cô đã sớm quay về trường vì nỗi nhớ trường, nhớ trẻ.

Cô An cho biết, công việc giữ trẻ vốn rất vất vả và chiếm nhiều thời gian, hầu như cả ngày xoay vần với trẻ nhỏ từ ăn uống, ngủ nghỉ và rèn chữ, tô tranh…, nhưng mỗi ngày trôi qua, cô đều thấy rất vui và hạnh phúc. Chỉ thấy “đàn con” khôn lớn mỗi ngày là cô cảm thấy mãn nguyện. 

Trong khi đó, là giáo viên tiếng Anh, cô Lê Thị Oanh có rất nhiều cơ hội để chọn cho mình một nghề khác thay vì phải cố bám trụ lại nhóm trẻ Kim Cương Vàng. Cô Oanh chia sẻ, việc bỏ lớp để chọn nghề khác đối với cô không khó nhưng cô muốn góp chút công sức để trở thành người gieo chữ và truyền cảm hứng học tiếng Anh cho trẻ ngay từ nhỏ để sau này các em học tiếng Anh tốt hơn.

Cô Oanh là trợ giảng của giáo viên nước ngoài dạy tiếng Anh cho nhóm trẻ Kim Cương Vàng. Khi dịch bệnh bùng phát năm 2021, nhóm trẻ này đóng cửa, nhiều người khuyên cô đi tìm công việc khác để làm. Thế nhưng nếu cô tìm công việc khác thì sẽ khó kiếm được người trợ giảng cho giáo viên nước ngoài dạy tiếng Anh ở cơ sở này vì cô là “cầu nối” giúp giáo viên nước ngoài và trẻ MN của cơ sở hiểu nhau hơn, hiệu quả giảng dạy cao hơn.

Tố Tâm

Tin xem nhiều