1. Đã 2 năm nay, Ngày Thơ Việt Nam - ngày hội lớn của những người làm thơ và yêu thơ không được tổ chức ở hầu hết các địa phương trong cả nước do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.
1. Đã 2 năm nay, Ngày Thơ Việt Nam - ngày hội lớn của những người làm thơ và yêu thơ không được tổ chức ở hầu hết các địa phương trong cả nước do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Đây là thiệt thòi của giới văn nghệ sĩ nói chung và người yêu thơ nói riêng bởi “sân chơi” dành cho thơ vốn đã ít ỏi, vì dịch bệnh càng bị thu hẹp lại. Nhà thơ và người yêu thơ thiếu cơ hội gặp gỡ, giao lưu, thưởng thơ... Thế nhưng chính trong thời điểm này, nhiều nhà thơ, nhất là những nhà thơ trẻ đã chủ động tìm cơ hội đưa thơ đến với công chúng qua kênh YouTube cá nhân, Facebook hay fanpage. Những sáng tác mới được cập nhật liên tục đã giúp các nhà thơ có điều kiện giao lưu, chia sẻ với nhau nhiều hơn và đặc biệt, người yêu thơ dễ dàng trao đổi, bày tỏ ý kiến của mình về tác phẩm.
Sự tương tác sinh động này thực sự đã tạo ra một môi trường mới mẻ, không bị giới hạn về thời gian, không gian, dễ dàng kết nối người yêu thơ cả trong và ngoài nước.
2. Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, hầu hết các hoạt động giải trí, trong đó có sân khấu, phim ảnh đều bị “đóng băng”. Nhà hát, rạp chiếu phim… ngưng hoàn toàn mọi hoạt động; nghệ sĩ thất nghiệp phải loay hoay đủ nghề để kiếm sống. Thế nhưng, ngọn lửa đam mê, yêu nghề đã thôi thúc các nghệ sĩ phải thích nghi, để vừa đỡ nhớ nghề, vừa để khán giả không quên mình. Một số đoàn nghệ thuật, trong đó có Nhà hát Nghệ thu Đồng Nai đã tự đổi mới mình, tìm cách tiếp cận khán giả bằng công nghệ thời 4.0. Những chương trình biểu diễn nghệ thuật có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu vẫn được thực hiện. Nhà hát vẫn sáng đèn, nghệ sĩ vẫn được biểu diễn dù vắng bóng khán giả.
Biểu diễn online, livestream cho khán giả xem dù không thể bằng biểu diễn trực tiếp nhưng giúp nghệ sĩ cảm thấy mình còn được “sống”, được “thở” với nghệ thuật, không vì dịch bệnh mà nguội lạnh tình yêu với nghề. Đó cũng là cách để nghệ sĩ chia sẻ khó khăn với người dân cả nước do dịch bệnh đồng thời thắp lên ngọn lửa của niềm tin và hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn ở phía trước…
3. Ngày Thơ Việt Nam năm nay có chủ đề Hãy sống và hy vọng sẽ được các địa phương linh hoạt tổ chức cho phù hợp với tình hình dịch bệnh ở địa phương, đảm bảo an toàn, qua đó làm lan tỏa vẻ đẹp của thơ ca, của văn hóa dân tộc vào mọi mặt đời sống. Trong công văn gửi các địa phương về việc tổ chức Ngày Thơ Việt Nam năm 2022, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều đặc biệt nhấn mạnh: “Năm 2021 là một năm khó khăn, nhiều thách thức và cả mất mát đối với đất nước bởi đại dịch Covid-19. Nhưng trong khó khăn, thách thức và mất mát ấy, tinh thần Việt Nam lại một lần nữa hiện ra với vẻ đẹp văn hóa cao thượng và ý chí sống mãnh liệt như đã được chứng minh trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Đó là tình yêu thương đồng loại, sự dâng hiến cho cộng đồng, là sự đồng lòng giữa chính quyền và người dân cho sự bình an của con người và sự phát triển của đất nước, đặc biệt là niềm hy vọng lớn lao của con người Việt Nam vào một tương lai tốt đẹp hơn”.
Một năm khởi đầu từ mùa Xuân. Hãy sống và hy vọng vào một tương lai tốt đẹp qua vẻ đẹp của thi ca, nghệ thuật…
Minh Ngọc