Báo Đồng Nai điện tử
En

Trăn trở với nghề mây tre đan

11:02, 11/02/2022

Đó là chia sẻ của anh Nguyễn Văn Hào, chủ cơ sở mây tre lá Thanh Bình đóng chân trên địa bàn xã Hưng Lộc, H.Thống Nhất. Thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, cơ sở của anh phải tăng tốc sản xuất liên tục để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Đó là chia sẻ của anh Nguyễn Văn Hào, chủ cơ sở mây tre lá Thanh Bình đóng chân trên địa bàn xã Hưng Lộc, H.Thống Nhất. Thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, cơ sở của anh phải tăng tốc sản xuất liên tục để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Các sản phẩm được chế tác tại mây tre đan Thanh Bình đều được làm thủ công, tinh xảo và chất lượng tốt. Ảnh: V.Thế
Các sản phẩm được chế tác tại mây tre đan Thanh Bình đều được làm thủ công, tinh xảo và chất lượng tốt. Ảnh: V.Thế

Thuận lợi về đơn hàng là vậy nhưng theo đuổi nghề này với anh Hào cũng không ít gian truân, trong đó việc truyền nghề và tuyển dụng người trẻ hiện nay không phải dễ dàng.

* Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu

Anh Nguyễn Văn Hào đã có hơn 10 năm đi theo nghề sản xuất mây tre đan ở Đồng Nai. Trước đây, anh làm việc cho các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu lớn ở Biên Hòa. Sau nhiều năm làm việc, anh tích lũy được những kinh nghiệm quý giá trong nghề và thấy rằng cần phải quyết tâm tạo lập sự nghiệp riêng của mình để có thể thực hiện những sáng tạo, ý tưởng mới mẻ, mà nếu chỉ đi làm thuê sẽ khó lòng triển khai được.

Ban đầu, anh Hào cũng mới sản xuất nhỏ, lẻ theo đơn đặt hàng của thị trường, hoạt động âm thầm nhưng dần dần, với kinh nghiệm của mình, cơ sở đã có những đơn hàng lớn. Năm 2018, anh được địa phương vận động đăng ký kinh doanh và thành lập cơ sở mang tên mây tre lá Thanh Bình. Từ đây, hoạt động sản xuất được sắp xếp quy củ hơn và mây tre lá Thanh Bình bước sang giai đoạn phát triển mới.

Theo anh Hào, để đảm bảo chất lượng sản phẩm được tốt, nguồn nguyên liệu anh sử dụng là từ vùng trồng mây ở Bảo Lộc, Madagui của tỉnh Lâm Đồng. Khu vực này có khí hậu phù hợp cho cây mây sinh trưởng, cho ra nguồn nguyên liệu mây bền, đẹp và đặc biệt, sản phẩm của anh phải dùng mây già, đạt chuẩn.

 “Đối với mặt hàng thủ công mỹ nghệ chế tác từ nguyên liệu mây thì tuổi, độ bền của cây mây rất quan trọng. Nguyên liệu đạt chuẩn, các sản phẩm khi hoàn chỉnh như bàn ghế sofa, xích đu, đèn trang trí, ghế cà phê hay các sản phẩm theo đơn đặt hàng sẽ có độ bền rất cao” - anh Hào khẳng định.

Hiện nay, các sản phẩm của cơ sở được cung ứng cho nhiều doanh nghiệp, đối tác để phục vụ xuất khẩu ra thị trường thế giới. Phần còn lại, cơ sở tiêu thụ trong nước với các thị trường trọng điểm là TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương cũng như các tỉnh, thành phát triển du lịch, các khu du lịch, resort cần sản phẩm mây tre đan để trang trí.

Anh Nguyễn Văn Hào (giữa) giới thiệu sản phẩm với đối tác tại Phòng Trưng bày sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu Đồng Nai
Anh Nguyễn Văn Hào (giữa) giới thiệu sản phẩm với đối tác tại Phòng Trưng bày sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu Đồng Nai

Dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm nay, cơ sở của anh xuất hàng đi liên tục nhưng vẫn không đủ để cung ứng cho các đối tác. “Sau thời gian sụt giảm vì bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, càng về cuối năm, lượng hàng dồn về nhiều hơn, thậm chí chúng tôi có cả đơn hàng ổn định trong năm 2022. Đối với đơn hàng nhỏ lẻ, tôi thậm chí phải tạm ngưng nhận” - anh Hào cho biết thêm.

Để chuyên nghiệp hóa và tạo thương hiệu tốt hơn nữa, năm 2021, anh Hào tiếp tục đưa sản phẩm tham gia cuộc thi Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh. Kết quả. mặt hàng xích đu mây của cơ sở đã được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu địa phương. Anh Hào cũng đưa các sản phẩm do cơ sở sản xuất được trưng bày và giới thiệu tại phòng trưng bày, giới thiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu Đồng Nai. Tại đây, cùng với hàng chục cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, mây tre đan Thanh Bình có cơ hội giao lưu, học hỏi và hợp tác để cùng tìm ra hướng phát triển mới.

Theo đánh giá của ông Lâm Quang Liêm, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Đồng Nai, các sản phẩm của cơ sở mây tre đan Thanh Bình có tiềm năng tốt trên thị trường. Qua khảo sát, đánh giá, trung tâm sẽ có những hỗ trợ để cơ sở tiếp tục nâng chất lượng sản phẩm, đa dạng mẫu mã và phát triển kênh giới thiệu thương hiệu.

* Bài toán tuyển dụng và truyền nghề cho người trẻ

Hơn 10 năm đi theo nghề, sở dĩ anh Nguyễn Văn Hào vẫn còn trụ lại, phát triển được là nhờ tình yêu, niềm đam mê với việc chế tạo sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ mây để xuất khẩu. “Thực sự, càng làm, tôi càng đam mê khi tạo ra những sản phẩm nguyên liệu từ thiên nhiên, từ rừng trồng nên bảo vệ tốt môi trường, giá cả sản phẩm lại phải chăng phù hợp cả thị trường trong nước lẫn xuất khẩu” - anh Hào chi sẻ.

Hiện tại, ngoài cơ sở sản xuất, chế tác chính ở xã Hưng Lộc, H.Thống Nhất, cơ sở mây tre đan Thanh Bình còn có khu trưng bày, giới thiệu và kinh doanh ở TP.HCM. Dự định sắp tới của anh Hào là sẽ tiếp tục mở thêm một địa điểm trưng bày, quảng bá sản phẩm ở tỉnh Lâm Đồng cũng như tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất. Quỹ đất để anh mở rộng quy mô nhà xưởng cũng đã được chuẩn bị, tuy nhiên 2 năm qua, do khó khăn bởi ảnh hưởng của dịch bệnh nên kế hoạch này phải tạm ngừng.

Tuy có điều kiện để phát triển và mở rộng sản xuất, xuất khẩu như vậy nhưng điều trăn trở với anh Hào là trong tương lai, việc duy trì sản xuất được đến năm nào là rất khó nói bởi cũng như hầu hết nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống khác, nghề chế tác sản phẩm mây tre đan ngày càng mai một và thưa vắng lao động tâm huyết với nghề.

Nguyên do là đối với việc chế tác sản phẩm mây tre đan, việc sản xuất hầu như đều làm bằng thủ công. Tính tỉ mỉ và sự tâm huyết của người thợ đổ dồn vào mỗi sản phẩm là rất lớn, thế nhưng đa phần người trẻ hiện nay khi vào làm việc tại cơ sở không có được sự cẩn thận, chăm chút ấy. Mỗi lần nhận thợ, đào tạo nghề cũng phải mất thời gian nhưng sau này, rất ít lao động trẻ gắn bó được lâu dài, điều này khiến cho sự phát triển của cơ sở trong tương lai cũng gặp khó khăn.

 “Như thời điểm hiện tai, trước và sau Tết, hàng của chúng tôi xuất đi liên tục nhưng không dám nhận thêm thợ vào. Bởi vì việc đào tạo để làm được việc mất vài tháng nhưng vấn đề là các em không theo nghề được lâu dài. Đây cũng là nỗi trăn trở chung của các cơ sở công nghiệp nông thôn trong khu vực” - anh Hào cho biết thêm.

Anh Nguyễn Văn Hào, chủ cơ sở mây tre lá Thanh Bình cho hay: “Chúng tôi đi lên từ kinh tế hộ gia đình, ban đầu là sản xuất nhỏ lẻ trong thầm lặng nhưng dần dần phát triển và được sự ủng hộ của địa phương cũng như quý khách hàng. Điều mà các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn như chúng tôi mong mỏi là chính quyền địa phương, trong đó có các cán bộ phụ trách cần sâu sát hơn nữa, nắm bắt những khó khăn của đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn mình quản lý. Do phần đa chủ cơ sở thiếu kiến thức nền về những quy định pháp luật chuyên ngành nên có những quy định không hiểu được cặn kẽ. Để doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có điều kiện phát triển thì cần được thông tin rõ ràng, dễ hiểu ngay từ đầu, từ việc thành lập đến đặt tên cơ sở cũng như các quy định liên quan”.

Vương Thế

 

Tin xem nhiều