Báo Đồng Nai điện tử
En

Giáo viên chủ nhiệm ở đại học

11:02, 11/02/2022

Bên cạnh cố vấn học tập, một số trường đại học vẫn duy trì đội ngũ giáo viên chủ nhiệm (GVCN). GVCN sẽ nắm danh sách lớp, danh sách ban cán sự, tìm hiểu hoàn cảnh của sinh viên, lắng nghe tâm sự, chia sẻ của sinh viên để có sự giúp đỡ, hỗ trợ hoặc kịp thời kết nối, phối hợp với gia đình khi cần giải quyết các vấn đề liên quan.

Bên cạnh cố vấn học tập, một số trường đại học vẫn duy trì đội ngũ giáo viên chủ nhiệm (GVCN). GVCN sẽ nắm danh sách lớp, danh sách ban cán sự, tìm hiểu hoàn cảnh của sinh viên, lắng nghe tâm sự, chia sẻ của sinh viên để có sự giúp đỡ, hỗ trợ hoặc kịp thời kết nối, phối hợp với gia đình khi cần giải quyết các vấn đề liên quan.

Rời xa vòng tay gia đình, đời sống sinh viên có rất nhiều cám dỗ: không bị quản thúc chặt chẽ của gia đình nên thường xuyên chơi bời, nghiện game, bài bạc; thậm chí quá sa đà vào chuyện tình cảm, yêu đương mà quên mất việc học… Vì vậy, vai trò của GVCN ở bậc đại học càng trở nên quan trọng. Họ chính là những người quan tâm, gần gũi, là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho sinh viên. Mặt khác, khi bước vào giảng đường đại học, các bạn trẻ cũng có phần chín chắn hơn, tự tin hơn để tâm sự, chia sẻ với GVCN hoặc chủ động tìm đến GVCN khi cần sự giúp đỡ. Nhờ đó, khoảng cách giữa GVCN và sinh viên dễ dàng được rút ngắn.

GVCN có nhiều điều kiện để hiểu cặn kẽ hơn không chỉ hoàn cảnh gia đình mà cả tư tưởng, tình cảm của sinh viên. Nhiều GVCN thậm chí còn xem sinh viên như con, em trong gia đình. Chính những tình cảm, sự giúp đỡ kịp thời của GVCN đã giúp sinh viên cảm thấy ấm áp, vơi đi nỗi nhớ người thân trong những năm học tập xa nhà.

Hiện nay, có quan điểm cho rằng sinh viên đại học không phải là “học sinh cấp 4” nên việc duy trì đội ngũ GVNC là không cần thiết. Bởi sinh viên cần phải tự chịu trách nhiệm cho mọi hoạt động, hành vi của cá nhân. Sự quan tâm, bảo bọc của GVCN có thể khiến sinh viên ỷ lại, mất đi tính chủ động, năng động.

Tuy nhiên, thực tế tại các trường có duy trì đội ngũ GVCN cho thấy, nếu giáo viên tâm huyết, nhiệt tình và có kỹ năng chủ nhiệm tốt thì góp phần sinh viên không bị chểnh mảng học hành và có định hướng tốt cho tương lai. Việc gần gũi với GVCN còn giúp sinh viên có thêm cơ hội mở rộng kiến thức chuyên ngành, có cơ hội cùng tham gia nghiên cứu khoa học, học hỏi kỹ năng nghề nghiệp…

Để sinh viên năng động, phát triển các kỹ năng mềm, GVCN sẽ thường xuyên nhắc nhở, động viên, tạo điều kiện, thậm chí dẫn dắt để sinh viên tham gia các hoạt động ngoại khóa về học thuật, văn hóa, xã hội, văn nghệ, thể thao…

Ngày nay, với sự hỗ trợ của internet và mạng xã hội, GVCN có nhiều điều kiện thuận lợi hơn để gắn kết với sinh viên nên bất cứ khi nào cần sinh viên đều có thể tương tác với GVCN. Mặt khác, GVCN cũng dễ dàng kết nối với gia đình sinh viên khi cần thiết. Công tác phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong việc thúc đẩy học tập, rèn luyện; uốn nắn đạo đức, lối sống của sinh viên càng hiệu quả hơn.

Có thể nói, GVCN chính là cầu nối để sinh viên không chỉ hoàn thành chương trình học mà còn gắn bó thân thiết hơn với trường đại học, biến ngôi trường thực sự trở thành “ngôi nhà thứ hai” của mỗi sinh viên.

Tường Vi


 

Tin xem nhiều
Theo học ngành kỹ thuật xây dựng tại Đại học Duy Tân