Tháng 1-2019, Tổng cục Thống kê công bố Việt Nam hiện có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật từ 2 tuổi trở lên, trong đó có khoảng 1 triệu người tự kỷ. Trong số 1 triệu người tự kỷ tại Việt Nam, phần lớn không được chẩn đoán, do đó họ không nhận được sự chăm sóc, trị liệu hoặc giáo dục phù hợp để giúp họ có được cuộc sống vui vẻ và hạnh phúc.
Tháng 1-2019, Tổng cục Thống kê công bố Việt Nam hiện có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật từ 2 tuổi trở lên, trong đó có khoảng 1 triệu người tự kỷ. Trong số 1 triệu người tự kỷ tại Việt Nam, phần lớn không được chẩn đoán, do đó họ không nhận được sự chăm sóc, trị liệu hoặc giáo dục phù hợp để giúp họ có được cuộc sống vui vẻ và hạnh phúc.
Cha mẹ giữ vai trò quyết định cho sự tiến bộ và quá trình hòa nhập cho trẻ tự kỷ. Ảnh minh họa |
Thực tế, không khó để chúng ta tìm thấy một trẻ tự kỷ không được đến trường. Gia đình có trẻ tự kỷ, chậm phát triển cũng khó tìm được sự tham vấn, hỗ trợ của chuyên gia để có thể chăm sóc, hỗ trợ con đúng cách. Không phải ngẫu nhiên mà người ta nói “bệnh tự kỷ là bệnh của nhà giàu”. Hầu hết những trường hợp trẻ tự kỷ được đưa đi khám và can thiệp, học tập là những đứa trẻ thuộc gia đình có điều kiện, hoặc chí ít cũng đủ ăn, đủ mặc.
Trong khi đó, phần lớn trẻ tự kỷ, chậm phát triển sinh ra và lớn lên trong những gia đình có thu nhập thấp thì chỉ đành cam chịu, không nhận được sự hỗ trợ phù hợp. Điều này có nhiều nguyên nhân. Về mặt chủ quan, có thể do cha mẹ chưa dành sự quan tâm đúng mức cho trẻ, chưa có sự hiểu biết nhất định để sớm nhận ra dấu hiệu bất thường của con nhằm đưa trẻ đi khám và can thiệp sớm.
Mặt khác, có thể phụ huynh nhận ra dấu hiệu bất thường và mong muốn con được khám, can thiệp sớm nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn nên chỉ đành cho con ở nhà để tự chăm sóc hoặc gửi con đi học tạm ở trường mầm non hay các nhà, nhóm trẻ. Tại đây, giáo viên không có chuyên môn về giáo dục đặc biệt nên không biết cách để can thiệp cho trẻ. Vì vậy, dù vẫn “đi học” đều đặn nhưng trẻ không hề có tiến bộ. Đến khi trẻ quá tuổi mầm non, trường mầm non không nhận nữa mà trẻ thì không đủ điều kiện để vào lớp 1. Vậy là, cha mẹ chỉ đành để con ở nhà, quanh quẩn với 4 bức tường hoặc khá hơn thì quanh quẩn trong hẻm cụt. Do đó, trẻ không có nhiều cơ hội để giao tiếp xã hội khiến cho trẻ không có tiến bộ.
Về mặt khách quan, hiện nay, số lượng các trung tâm bảo trợ, nhà mở công lập để đón nhận trẻ tự kỷ còn rất hạn chế và chỉ có ở khu đô thị. Như vậy, trẻ ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa càng khó có cơ hội được tiếp cận và thụ hưởng chương trình giáo dục đặc biệt.
Đối với những trẻ tham gia học ở các trường theo diện giáo dục hòa nhập cũng gặp phải không ít khó khăn. Trong đó, một số cơ sở giáo dục không muốn tiếp nhận trẻ diện giáo dục hòa nhập hoặc không hướng dẫn, không tạo điều kiện thuận lợi để phụ huynh hoàn thành các thủ tục nhằm giúp trẻ được học theo diện giáo dục hòa nhập. Do đó, trẻ liên tục bị ở lại lớp do không đạt được chuẩn kiến thức, kỹ năng như học sinh bình thường. Sau nhiều năm học liên tiếp như vậy, phụ huynh đành phải cho con nghỉ học.
Tường Vi