Trăn trở trước hoàn cảnh khó khăn của nhiều sinh viên, ThS Nguyễn Thị Hoàng Oanh, Trưởng phòng Quan hệ quốc tế, kiêm Phó trưởng khoa Đông phương học, Trường đại học Lạc Hồng, đã không ngần ngại "gõ cửa" các doanh nghiệp (DN) để xin học bổng cho sinh viên.
Trăn trở trước hoàn cảnh khó khăn của nhiều sinh viên, ThS Nguyễn Thị Hoàng Oanh, Trưởng phòng Quan hệ quốc tế, kiêm Phó trưởng khoa Đông phương học, Trường đại học Lạc Hồng, đã không ngần ngại “gõ cửa” các doanh nghiệp (DN) để xin học bổng cho sinh viên. Nhờ đó, nhiều bạn trẻ đã gác được nỗi lo học phí để yên tâm học tập, rèn luyện, chinh phục ước mơ.
Ths Nguyễn Thị Hoàng Oanh, Trưởng phòng Quan hệ quốc tế, kiêm Phó trưởng khoa Đông phương học Trường đại học Lạc Hồng. Ảnh: H.Yến |
Tính từ năm 2019 đến nay, cô Nguyễn Thị Hoàng Oanh đã vận động được hơn 2,6 tỷ đồng học bổng, trợ giúp cho trên 60 sinh viên ngành tiếng Trung, Khoa Đông phương học Trường đại học Lạc Hồng.
* Vượt rào cản vì sinh viên nghèo
Cô Oanh từng là sinh viên tốt nghiệp loại giỏi ngành tiếng Trung của Trường đại học Lạc Hồng. Sau khi ra trường, cô được giữ lại trường công tác và gắn bó với “ngôi nhà chung” Lạc Hồng 13 năm.
Sinh ra trong gia đình thuần nông, bản tính ham học, ham làm đã giúp cô không ngừng vươn lên trong học tập, cuộc sống và cả công việc. Cô từng được học bổng thạc sĩ toàn phần và học tập tại Thượng Hải (Trung Quốc). Hiện nay, cô đang tiếp tục làm nghiên cứu sinh.
Xuất thân từ khó khăn nhưng nhờ có trình độ học vấn và sự năng động, cô Oanh đã tạo dựng được cơ ngơi vững chắc (có DN riêng). Do đó, cô Oanh hiểu rằng nếu vì khó khăn mà sinh viên phải bỏ học thì không chỉ các em bị dang dở ước mơ mà có thể cuộc sống sau này sẽ càng bấp bênh, khó khăn hơn. Trăn trở với điều đó, cô Oanh đã quyết định sẽ tìm kiếm sự giúp dỡ của các DN Đài Loan - Trung Quốc để xây dựng quỹ học bổng cho sinh viên ngành tiếng Trung.
Nghĩ là làm, ban đầu cô Oanh tìm đến các DN có mối quan hệ thân thiết, trình bày hoàn cảnh khó khăn của sinh viên để vận động học bổng. Dần dà, chính những DN này lại chủ động mời thêm bạn bè, người quen chung tay hỗ trợ. Nhờ đó, quỹ học bổng của ngành tiếng Trung ngày càng phát triển.
Cô Oanh tâm sự: “Khó khăn nhất khi mới bắt đầu vận động học bổng cho sinh viên chính là rào cản tâm lý của chính mình. Tôi rất ngại khi phải mở miệng đi “xin tiền” DN. Rồi cũng có người “lời ra tiếng vào” về công việc của tôi. Tuy nhiên, nếu tôi bỏ cuộc thì sẽ có nhiều sinh viên nghèo phải bỏ học. Vì vậy, tôi đã tự động viên mình vượt qua chướng ngại tâm lý đó để tiếp tục công việc. Khó khăn nữa là mối quan hệ của tôi với các DN Đài Loan - Trung Quốc còn ít nên chưa có nhiều nguồn học bổng”.
Để có cơ sở vững chắc, tạo niềm tin cho DN, cô Oanh yêu cầu sinh viên có hoàn cảnh khó khăn phải có giấy xác nhận của địa phương. Bên cạnh đó, giáo viên chủ nhiệm các lớp phải gần gũi, tìm hiểu rõ hoàn cảnh của sinh viên để có sự giúp đỡ kịp thời, đúng đối tượng. Việc trao học bổng cũng được minh bạch, công khai. Những trường hợp sinh viên được hỗ trợ đóng học phí thì chính giảng viên phụ trách sẽ đóng học phí rồi giao biên lai lại cho sinh viên…
Với cách làm đó, nguồn học bổng dành cho sinh viên ngành tiếng Trung ngày càng dồi dào. Năm 2019, cô Oanh vận động được hơn 900 triệu đồng, năm 2020 được hơn 600 triệu đồng, riêng năm 2021 cá nhân cô Oanh vẫn vận động được hơn 1,1 tỷ đồng. Nhờ đó, rất nhiều sinh viên đã vượt qua được khó khăn của dịch Covid-19 để tiếp tục chương trình học.
* Kết nối DN, tìm kiếm việc làm cho sinh viên
Nguyễn Thị Kim Phúc, sinh viên năm 3 ngành tiếng Trung, Khoa Đông Phương học là một trong số những sinh viên được nhận học bổng này. Kim Phúc được chu cấp học bổng trong 7 học kỳ với tổng số tiền 84 triệu đồng. Dịp Tết vừa rồi, Kim Phúc còn được mạnh thường quân đỡ đầu tặng thêm 2 triệu đồng.
Kim Phúc chia sẻ: “Quỹ học bổng của ngành tiếng Trung đã giúp em có thể học tiếp chương trình học, hoàn thành ước mơ của mình. Ngoài ra, ngành còn tổ chức CLB tiếng Trung, kết nối với DN Trung Quốc để chúng em được giao tiếp, thực hành tiếng Trung. Các thầy cô trong khoa còn tạo nhóm trên Wechat để kết nối sinh viên với DN. Khi các công ty có nhu cầu tuyển dụng thì sẽ đăng thông tin trên đó. Nếu chúng em thấy phù hợp thì sẽ gửi CV online để dự tuyển cho DN”.
Hiện ngành tiếng Trung Trường đại học Lạc Hồng đang kết nối với hơn 200 DN Đài Loan - Trung Quốc ở các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh. Nhu cầu tuyển dụng lao động của các DN này là rất lớn. Vì vậy, hiện nay 100% sinh viên ngành tiếng Trung Trường đại học Lạc Hồng đều có việc làm ngay sau khi ra trường.
Theo PGS-TS Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng, sự sống còn của một trường đại học phụ thuộc rất nhiều vào sự gắn kết với DN. Sinh viên do trường đào tạo ra phải được DN sử dụng. Bên cạnh sự năng động, tự tìm kiếm việc làm của sinh viên thì vai trò cầu nối của nhà trường cũng sẽ góp phần lớn vào thành công này. Cùng với đó, việc kết nối tốt với DN cũng sẽ tranh thủ được sự ủng hộ và tài trợ thêm kinh phí cho giảng viên, sinh viên nghiên cứu, học tập; tài trợ máy móc phục vụ đào tạo, giảng dạy văn hóa DN, giảng dạy kỹ năng mềm cho giảng viên, sinh viên…Kết nối DN còn giúp trường đại học khai thác tối đa khả năng nghiên cứu của giảng viên để có được nhiều đề tài ứng dụng thực tế…
PGS-TS Nguyễn Vũ Quỳnh nhận xét: “Trong thời gian qua, với vai trò của trưởng ngành tiếng Trung, cô Oanh đã gắn kết rất tốt với các DN Đài Loan, Trung Quốc. Cá nhân cô đã vận đông được nhiều xuất học bổng cho không chỉ sinh viên mà còn cả giảng viên; tổ chức được nhiều đoàn giảng viên, sinh viên ngành tiếng Trung đi thực tập ngôn ngữ tại Trung Quốc và Đài Loan. Hiện tại, cô đang được Ban giám hiệu tín nhiệm giữ chức Trưởng phòng Quan hệ quốc tế, kiêm Phó trưởng khoa Đông phương học. Tôi tin tưởng cô Oanh sẽ thúc đẩy hoạt động hợp tác quốc tế của Trường đại học Lạc Hồng phát triển hơn nữa”.
Hải Yến