Báo Đồng Nai điện tử
En

Bà mẹ Dĩ An

11:02, 11/02/2022

Cách đây vừa đúng 100 năm - năm 1922, cụ bà Lê Thị Não cất tiếng khóc chào đời trên vùng đất có danh xưng là Dĩ An. Theo từ điển Hán - Việt thì từ "Dĩ" có nghĩa là luôn luôn, cho tới mãi mãi, là vĩnh viễn và "An" có nghĩa là yên ổn, an vui, bình an...

Cách đây vừa đúng 100 năm - năm 1922, cụ bà Lê Thị Não cất tiếng khóc chào đời trên vùng đất có danh xưng là Dĩ An. Theo từ điển Hán - Việt thì từ “Dĩ” có nghĩa là luôn luôn, cho tới mãi mãi, là vĩnh viễn và “An” có nghĩa là yên ổn, an vui, bình an...

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh tặng quà chúc thọ cụ bà Lê Thị Não. Ảnh: V.Truyên
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh tặng quà chúc thọ cụ bà Lê Thị Não. Ảnh: V.Truyên

Có lẽ những lưu dân thời đi mở cõi, khi dừng chân tại vùng đất này để khẩn hoang lập ấp, dựng làng lấy hai từ Dĩ An đặt tên cho vùng đất mới mở với ước nguyện con cháu muôn đời mai sau sẽ có cuộc sống yên bình vĩnh viễn.

Nhưng với bà Hai Não là kết tinh của tình yêu nồng thắm của một đôi nam nữ công nhân cao su của đồn điền Sở hội từ lúc cất tiếng khóc chào đời cho đến năm 1975, khi bước vào tuổi 53, bà luôn sống trong những hoàn cảnh bất an. Nguyên nhân sâu xa là do những ràng buộc của lễ giáo phong kiến và sự thống trị của các thế lực ngoại bang, hết thực dân Pháp đến đế quốc Mỹ.

Trước hết là do quan niệm “môn đăng hộ đối”, nên mối tình công nhân tan vỡ, khi mở mắt chào đời, bà không biết mặt cha mình là ai và bốn năm sau đó, lúc làm khai sinh, bà mang tên họ Lê của người cha kế mà ông bà ngoại gá nghĩa cho một người hàng xóm nên bà sống trong cảnh thiếu thốn tình cảm của cả cha lẫn mẹ. Đây quả một thiệt thòi lớn đối với cô bé Hai Não mà một thời tuổi thơ đi qua khoảng lặng thiếu vắng vị ngọt của không khí gia đình vào những năm tháng đầu đời, đã trui luyện cho cô Hai ý chí tự lập tuyệt vời. 

Năm 16 tuổi để tự nuôi bản thân mình, theo con đường của cha mẹ, cô Hai Não đăng ký làm phu cạo mủ cao su; nhưng vốn giống tính ông ngoại: “Kiến nghĩa bất vi vô dõng dã/ Lâm nguy bất cứu mạc anh hùng”, nên khi gặp cảnh cai xu, cặp rằn ức hiếp, đánh đập phu cao su, cúp lương… cô Hai không chịu nổi nên bỏ việc chuyển nghề buôn thúng bán bưng. Từ đó, đôi chân nhỏ nhắn của cô Hai đi khắp hang cùng ngõ hẻm của quê hương Dĩ An, từ An Bình, Đông Hòa, Bình An, Bình Đường đến Tân Đông Hiệp, Bình Trị; ra đến Tân Hạnh, Hóa An, xuống Biên Hòa, Bà Rịa, Phan Thiết; về Sài Gòn xuôi Cần Thơ, Kiên Giang, Rạch Giá, Cà Mau… Nhờ quyết định có tính bước ngoặt về nghề nghiệp của thời ấy mà sau này, khi tham gia cách mạng, cô Hai có điều kiện triển khai mạng lưới quân báo của tỉnh Biên Hòa rộng khắp.

***

Trong dòng chảy như triều dâng thác đổ của Cách mạng Tháng Tám diễn ra trên quê hương Dĩ An, nhất là khi thực dân Pháp tái chiếm làng Đông Hòa, giết người dân vô tội, chôn chung một hố chôn tập thể 35 người ở ấp Cây Gõ, làm trái tim cô Hai quặn thắt, sục sôi căm thù quân xâm lược. Thế là cô Hai tham gia Hội Phụ nữ cứu quốc, thoát ly ra chiến khu Thuận An Hòa, nhưng vẫn giữ thế hợp pháp của một người buôn bán nhỏ nên tổ chức đưa cô Hai vào đơn vị quân báo của tỉnh Biên Hòa. Nhờ vỏ bọc là người mua thúng bán bưng nên cô Hai có thể giấu tài liệu, thuốc Tây từ Sài Gòn về Chiến khu Đ một cách an toàn. Nên nhớ, thời đó, chỉ vài lọ ký ninh trị sốt rét giấu trong hành lý mà bị địch phát hiện thì bị bắt ngay lập tức nhưng bằng trí thông minh, lanh lẹ khéo léo, cô Hai đều qua mắt địch một cách tài tình.

Qua nhiều thử thách, cô Hai được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam với lời thề “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” và từ lúc “mặt trời chân lý chói qua tim”, cô Hai đã vượt qua biết bao thử thách, gian nan trên mảnh đất mà tổ tiên ước vọng bình yên mãi mãi.

Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Nguyễn Hữu Nguyên (trái) tặng quà chúc thọ cụ bà Lê Thị Não
Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Nguyễn Hữu Nguyên (trái) tặng quà chúc thọ cụ bà Lê Thị Não

Thử thách đầu tiên là giữa năm 1951, trên đường đi công tác, lính của Việt Nam Cộng hòa nổ súng ập vào một cơ sở ở ấp Đông Chiêu, cô bị một viên đạn bắn vào chân. Mặc dù đã chủ động thiêu hủy tài liệu của cách mạng, nhưng chúng vẫn bắt cô đưa về bót Dĩ An tra tấn dã man với quyết tâm khai thác tin tức từ người con gái có dáng người nhỏ nhắn này. Nhưng với bản lĩnh kiên cường nên cho dù bị đánh đập liên tục cô vẫn nhất quyết không khai báo. Nên chúng giải cô về nhà lao Thủ Đức, một trong những nhà lao lớn nhất của miền Nam và tại đây những đứa con của cách mạng Pháp 1789 với Bản tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền nổi tiếng, đã lột hết quần áo của cô gái Việt Nam. Sau đó chúng dùng điện năng chích lên các đầu ngón tay, ngón chân, kể cả những điểm nhạy cảm nhất của người phụ nữ chúng cũng không chừa. Với ba phen, bảy bận, chín lần chết đi sống lại nhưng vẫn không làm cô gái Dĩ An mở miệng khai báo. Không khai thác được bằng những biện pháp hiện đại, những tên đồ tể của thế kỷ XX dùng những biện pháp tra tấn thời Trung cổ bằng cách để cô Hai trần truồng, chúng cột chặt tay chân ra sau rồi kéo lơ lửng lên sàn nhà thi nhau đấm đá văng từ góc này sang góc khác làm cho tay chân cô như bị gãy rời, đau đớn tận cùng. Trong cơn đớn đau ấy, cô Hai vẫn giữ khí tiết, sáng suốt suy nghĩ, sợ mình chịu đựng không nổi sẽ khai báo đồng chí, đồng bào nên cô quyết định cắn lưỡi tự vẫn. Thấy máu từ miệng của cô gái Việt Nam bị tình nghi là Việt Minh, tên sĩ quan Pháp yêu cầu dừng đánh đập nhưng bốn tên đồ tể người Việt vẫn cố đánh. Sau ba tháng đánh đập, tra khảo vẫn không có đủ chứng cứ buộc tội cô gái Dĩ An kiên cường là Việt Minh, bọn địch phải trả tự do cô Hai với thân thể mà dân gian gọi là “thân tàn ma dại” nhưng nghị lực và niềm tin của một người cộng sản vẫn hừng hực ý chí chiến đấu trong người phụ nữ ấy.

***

Trở về trong vòng tay yêu thương của Đảng và nhân dân với tư cách là một cán bộ Việt Minh kiên cường, cô Hai vẫn tiếp tục được phân công hoạt động hợp pháp với vỏ bọc là cô chủ tiệm tạp hóa ở Tân Đông Hiệp và đây là điểm hẹn của các chiến sĩ quân báo H.Tân Uyên do ông Cổ Tấn Chương chỉ huy và ông Huỳnh Văn Đính, Bí thư Huyện ủy biết rõ người phụ nữ này.

Trong số cán bộ quân báo thường lui tới địa điểm tiệm tạp hóa của cô Hai để tiếp nhận thông tin, có anh Nguyễn Văn Nhàn, thường được gọi là Sáu Nhàn, quê ở làng Tân Trạch, cù lao Mỹ Quới, H.Tân Uyên. Anh Sáu là một người có tính tình điềm đạm, hiền lành, cẩn trọng, ăn nói nhỏ nhẹ, ứng xử rất nghiêm cẩn. Sau nhiều lần gặp gỡ, anh Sáu đã có tình cảm với cô gái xinh đẹp có vóc người nhỏ nhắn của quê làng Bình Trị. Rồi cô gái ấy dần dần cũng thấy trái tim của mình rung động sau những lần gặp gỡ với chàng trai trẻ của quê hương bốn bề sông nước và một đám cưới đơn giản được tổ chức để kết nối hai trái tim của một thời chiến tranh.

***   

Kết quả của mối tình ngọt ngào giữa anh Sáu Nhàn và cô Hai Não là các anh Sơn, tức Lê Hoàng Quân; Hải tức Lê Hồng Phương; Minh Hùng, Kim Anh lần lượt ra đời như minh chứng cho tình yêu của những người cùng chí hướng. Nhưng có ai biết đâu, mỗi lần những đứa con thân yêu ra đời là mỗi lần bà mẹ Dĩ An phải cắn răng trước những nỗi đau xé lòng: Nào là những điều tiếng của bà con xóm làng, phụ nữ không có chồng mà lại có con nhưng đau đớn nhất là khi lên Hội đồng xã làm khai sinh cho con, cô Hai bị tra hỏi nhiều lần mới được làm giấy cho các con với phần cha của đứa trẻ phải ghi là: cha vô danh nên bốn đứa con của cô phải mang họ Lê của mẹ. Chỉ riêng Minh Hùng và Kim Anh, sau khi được đưa ra miền Bắc học tập mới được ghi đầy đủ tên cha và được mang họ Nguyễn.

***

Trong khi cô Hai vì lý tưởng cách mạng, phải cố gắng nén nỗi đau xé lòng về hoàn cảnh riêng của mình thì kẻ thù cũng đặt câu hỏi tồn nghi về người phụ nữ không chồng mà có con, vốn từng bị bỏ tù với nghi vấn là một cán bộ Việt Cộng có cỡ. Trước tình thế ấy, vỏ bọc quân báo hoạt động hợp pháp có thể bị lộ… mà cô Hai bị lộ thật, vì sau khi phối kiểm các nguồn, tin tình báo của quân đội Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa, chúng xác định bà Lê Thị Não là Thường vụ Thị ủy Dĩ An - một Việt Cộng chính gốc. Thế là hết truyền đơn, lời kêu gọi trở về với chính phủ quốc gia được kêu réo, rải truyền đơn từ máy bay trực thăng. Không thấy đối thủ có động tĩnh gì, chúng ra thông báo dán khắp hang cùng ngõ hẻm và phát loa từ máy bay: “Nếu ai chỉ dẫn bắt sống hoặc giết được nữ cán bộ cộng sản Lê Thị Não sẽ được thưởng 1 triệu đồng Việt Nam cộng hòa.

Nhận định tình hình, nếu để cô Hai Não công tác ở địa bàn Dĩ An sẽ không ổn nên chú Năm Trang, Bí thư Tỉnh ủy U1 Biên Hòa đề nghị cấp trên điều động cô Hai về công tác ở TX.Biên Hòa với nhiệm vụ khôi phục, xây dựng các cơ sở mới vùng ven nội thành Biên Hòa đã bị địch bóc vỡ tan nát sau Mậu Thân 1968 và Kỷ Dậu 1969. Để tiếp tục giữ thế hoạt động hợp pháp giữa lòng thành phố, cô Hai phải “chém vè” “lặn sâu” về Long Thành một thời gian rồi mới trở về chợ Đồn mua một căn nhà nhỏ để ở và từng bước gầy dựng cơ sở, khéo léo đấu tranh chính trị… với cái vỏ bọc của một bà mẹ đơn thân một nách mấy con.

Có vỏ bọc này cũng hay nhưng hay bị chú ý bởi mấy ông Hội đồng xã, cảnh sát chìm, cảnh sát nổi, lính bảo an, nghĩa quân, dân vệ… đối với một người phụ nữ đang xuân. Sợ có thể bị lộ, sau nhiều đểm suy nghĩ, cô Hai đề ra một kế hoạch đầy sáng tạo là nhờ anh Mười Đậu, một cơ sở cách mạng đáng tin cậy, trải qua nhiều thử thách từ đầu những năm 1951 đóng giả làm chồng để che mắt địch. Được chị Mười vui vẻ chấp nhận và được tổ chức đồng ý phương án kết hôn giả được triển khai nhưng người phản đối nhất là cô bé Kim Anh, nên cô Hai phải năm lần bảy lượt giải thích có lý có tình, Kim Anh mới gọi anh Mười bằng ba.

Một người phụ nữ có chồng và bốn mặt con được tổ chức công nhận hẳn hoi nhưng không thể công khai tiếp xúc với người “đầu ấp tay gối” là chồng mà phải nhờ người khác đóng giả làm chồng. Đến khi chồng chết, người vợ ấy không dám khóc cũng không dám để tang; chỉ anh Sơn được để tang cha nhưng phải gọi là cậu; linh cữu của chồng không dám quàn ở nhà mà phải để ở chùa để qua mắt địch… Đau! Đau rất đau nhưng trái tim của người phụ nữ ấy vẫn kiên cường và hẳn chú Sáu Nhàn, người chiến sĩ quân báo kiên cường ra đi trong cảnh nặng lòng của gia đình và người sương phụ họ Lê như vậy, nhưng cô Hai vẫn ráng kiềm chế cảm xúc, nuốt nước mắt vào trong tim. Khi người phụ nữ ấy, nhớ đến hố chôn tập thể 35 người dân vô tội và những người đồng chí của Sư đoàn 5 đã ngã xuống ở suối Mạch Mán quê mình. Nghĩ đến những nỗi đau đớn chồng chất của nhân dân và đồng đội, đồng chí là những nỗi đau còn lớn, lớn hơn rất nhiều so với nỗi đau của anh Sáu và bản thân mình nên cô Hai khấn nguyện: thôi thì anh hãy thanh thản ra đi về cõi vĩnh hằng, nước mắt em không dám khóc mà nuốt vào tim để giữ vững nguyên tắc bí mật, cả cho em, cho Sơn, Hải, Minh Hùng và Kim Anh.

Bên anh còn có Sơn đang để tang cha với tư cách là người cháu gọi cậu. Thôi thì, đó cũng là niềm an ủi, còn Hải đang ở chiến khu Bàu Hàm, Minh Hùng, Kim Anh đang học tập ở miền Bắc xa lắm, đâu nào biết ba mình đã đi về cõi trời rất xa, xa mãi. Còn má đang khóc bằng những giọt nước mắt chảy ngược vào trong tim với cả nỗi niềm của một người sương phụ không được để tang chồng; đứng trước linh cữu của anh mà lòng em chết lặng, xin lạy anh một lạy của người cậu của cháu Sơn. Ông sư của nhà chùa gõ chuông tụng niệm cầu nguyện anh về cõi vĩnh hằng.

Còn em, sẽ tiếp tục con đường mà vợ chồng mình đã xác định phải đi tới dù còn gian khổ và lắm nỗi hy sinh. Sơn ơi! Hải ơi! Minh Hùng ơi! Kim Anh hỡi! Các con phải tiếp tục đi theo con đường của cha. Rồi sau này, các cháu của bà cũng phải noi gương ông đi tiếp con đường mà ông bà đã nguyện thề khi “mặt trời chân lý chói qua tim”. Cô Hai lặng lẽ khấn vái bằng những lời nói thì thầm từ trái tim của một người vợ, người mẹ đau, rất đau trong hoàn cảnh của chiến tranh...

Trong không khí tươi vui, ấm áp của Xuân Nhâm Dần, ngày 25-1, UBND TP.Biên Hòa đã tổ chức lễ chúc thọ cụ Lê Thị Não - 100 tuổi, đảng viên 75 năm tuổi Đảng. Đến tham dự lễ mừng thọ cụ bà Lê Thị Não có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh và các đồng chí trong Ban TVTU, các sở, ngành của tỉnh và TP.Biên Hòa.

Mai Sông Bé

Tin xem nhiều