Báo Đồng Nai điện tử
En

Thơ thiền và câu chuyện về thiền

05:01, 22/01/2022

Bất luận những gì trong cuộc sống, con người nên có cái tâm, cái tầm để làm công việc hữu ích để lại mai sau cho người, cho đời.

Về đời nhà Lý (1063-1096) có câu chuyện về thơ thiền của thiền sư Mãn Giác. Ngài cảm tác bài thơ sau đây:

Xuân khứ bất hoa lạc

Xuân đáo bất hoa khai

Sự trục nhãn tiền quá

Lão tòng đầu chủng lai

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận

Tiền đình tạc dạ nhất chi mai.

Tạm dịch:

Xuân đi trăm hoa rụng

Xuân đến trăm hoa cười

Trước mắt việc đi mãi

Trên đầu già đến rồi

Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết

Đêm qua sân trước một cành mai.

Thiền cũng như thơ thiền không có đối tượng, nên không có lý luận, giải thích. Do vậy, ai tu nấy chứng, ai làm nấy biết. Câu chuyện sau đây nói lên ý niệm ấy.

Hai vị sư đi khất thực về lội qua con suối, tuy không sâu nhưng nước chảy xiết. Hôm ấy, tình cờ gặp một cô gái đứng chần chờ trên bờ như muốn nhờ người giúp đỡ dìu qua suối. Một vị sư biết ý nên cõng cô ta qua bên kia bờ. Xong cả hai vị sư tiến bước… Khi về đến chùa, chưa kịp đặt bình bát xuống bàn, vị sư thứ hai với vẻ mặt tức giận nói:

- Tôi không ngờ thầy tu hành đã bao lâu mà nay phải phạm giới “cõng người đàn bà qua suối”. Vị sư kia sực nhớ và ôn tồn đáp:

- Thế à, đệ chỉ cõng cô ta qua một khúc suối ngắn, còn huynh thì cõng cô ta trong tâm thức một đoạn đường dài từ suối về đến chùa.

Và đến một ngày kia, có một vị sư nọ xuống núi đi vào làng để khất thực và mỗi lần đi phải qua một chuyến đò ngang. Cô lái đò nhìn thấy nhiều lần sư liếc nhìn cô nên cô lái đò cảm thấy khó chịu và nghĩ cách phản ứng. Đến khi đò cập bến, mọi người trên chuyến đò phải trả tiền. Đến lượt sư, cô bảo:

Sư phải trả tôi 4 hào thay vì 2 hào một chuyến.

Sư ngạc nhiên hỏi:

- Vì sao tôi phải trả tiền gấp đôi…?

Cô lái đò trả lời:

- Hai hào sau vì sư nhìn tôi…

Vị sư không nói nên lời vội trả tiền và cất bước.

Lượt về, sư bước xuống đò với vẻ mặt trầm ngâm và quyết không nhìn mặt cô lái đò nữa. Nhưng lần về này, cô lấy của vị sư 8 hào và cô giải thích:

- Lần đầu sư đi qua nhìn tôi bằng mắt, lần này sư nhìn tôi ở trong tâm thức.

Sau đó, vị sư liền ngộ ra “Không đâu xa… Phật pháp ở trong tâm mình!

Từ đó, theo sử lược, vua Trần Nhân Tông (1279-1293) là một ông vua sống trọn vẹn về đời và đạo. Vị vua này đã 3 lần đánh đuổi quân Nguyên Mông ra khỏi bờ cõi và bang giao tốt đẹp với Chiêm thành ở phía Nam. Vua đã gả con gái của mình là Huyền Trân công chúa cho vua Chiêm là Chế Mân để lấy châu Ô và châu Rí, tức từ tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế ngày nay.

Sau khi chiến thắng giặc ngoại xâm Nguyên Mông, ngài nhường ngôi lại cho con là Trần Anh Tông, Ngài lên núi Yên Tử xuất gia đầu Phật và lập nên dòng Thiền “Trúc Lâm Yên Tử” ngày nay. Ngài đã làm bài thơ thiền với nhan đề:

Cư trần lạc đạo

Cư trần lạc đạo thả tùy duyên

Cơ tắc xan hề khốn tắc miên

Gia cư hữu bảo lưu tầm mịch

Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.

Về sau được Ngô Tất Tố dịch:

Ở đời vui đạo hãy tùy duyên’

Đói đến thì ăn mệt ngủ liền

Của báu trong nhà thôi tìm kiếm

Dối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền.

Nói tóm lại, bất luận những gì trong cuộc sống, con người nên có cái tâm, cái tầm để làm công việc hữu ích để lại mai sau cho người, cho đời.

Washington DC, cuối tháng 12-2021.

Xuân Đức

Tin xem nhiều