Báo Đồng Nai điện tử
En

Bán lẻ truyền thống cần phương án thích nghi sau đại dịch

08:01, 15/01/2022

Những diễn biến khó lường của dịch Covid-19 đã tác động rất lớn tới lĩnh vực thương mại, dịch vụ, trong đó những cửa hàng, sạp kinh doanh truyền thống, nhỏ lẻ là những đối tượng chịu tác động trực tiếp, gặp nhiều khó khăn nhất trong thời gian qua.

Những diễn biến khó lường của dịch Covid-19 đã tác động rất lớn tới lĩnh vực thương mại, dịch vụ, trong đó những cửa hàng, sạp kinh doanh truyền thống, nhỏ lẻ là những đối tượng chịu tác động trực tiếp, gặp nhiều khó khăn nhất trong thời gian qua.

Người dân chọn mua các sản phẩm tiêu dùng tại điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam ở xã Trà Cổ  (H.Tân Phú). Ảnh: H.Hải
Người dân chọn mua các sản phẩm tiêu dùng tại điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam ở xã Trà Cổ (H.Tân Phú). Ảnh: H.Hải

Linh động ứng ph ótrong tình hình mới

Các sạp, cửa hàng bán lẻ truyền thống có lợi thế về giá cả hơn so với các cửa hàng tiện lợi. Tuy nhiên, các sạp hàng truyền thống cần chủ động trong việc đảm bảo nguồn gốc hàng hóa, niêm yết giá… để có thể nâng cao sức cạnh trạnh, đồng thời chủ động ứng phó với những rủi ro, sự cố bất ngờ như tình hình dịch bệnh…

Ông Phạm Đình Khiêm, đại diện Ban Quản lý chợ Vĩnh An (TT.Vĩnh An, H.Vĩnh Cửu) cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến hoạt động của chợ, nhất là công tác chuẩn bị hàng tết. Hiện nay, số lượng sạp hoạt động trở lại tại chợ đã phục hồi được khoảng 70-80%. Trong thời gian tới, chợ sẽ tiếp tục nâng cao các biện pháp tuyên truyền cho tiểu thương thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo thực hiện các quy định về giá và niêm yết giá, vệ sinh an toàn thực phẩm… để từng bước phục hồi, linh hoạt thích ứng, thu hút khách hàng trong tình hình mới.

Tương tự, ông Võ Văn Phi, Trưởng ban Quản lý chợ Biên Hòa chia sẻ, tình hình dịch bệnh đã tác động không nhỏ tới sức mua và công tác dự trữ hàng tết tại chợ, tới thời điểm này, nhiều tiểu thương còn thận trọng trong việc trữ hàng tết. Trong thời gian tới, chợ sẽ chủ động tăng cường các biện pháp tuyên truyền, phòng, chống dịch bệnh, công tác bình ổn giá, trong đó có đăng ký 3 điểm bán hàng bình ổn giá tại chợ đối với các mặt hàng như: gạo, thịt heo, dầu ăn, nước chấm các loại… Đồng thời, chủ động về công tác báo giá hằng ngày và niêm yết giá, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là vào dịp cao điểm cận Tết sắp tới.

Nhiều tiểu thương tại các chợ, các cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ chia sẻ mong muốn chính quyền địa phương có phương án hỗ trợ về thuế, tiền hoa chi, phí dịch vụ… một cách phù hợp, kịp thời để từng bước phục hồi, ổn định hoạt động kinh doanh.

Bên cạnh đó, để thích ứng với diễn biến dịch bệnh, nhiều tiểu thương, cửa hàng bán lẻ còn linh động các kênh bán hàng trực tuyến để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Bà Ánh Nguyệt, chủ cửa hàng kinh doanh thực phẩm tết ở P.Tam Hiệp (TP.Biên Hòa) cho biết, hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán 2022 khá đa dạng, từ bánh kẹo, đồ khô, giỏ quà trưng Tết... Các loại thực phẩm nhìn chung có tăng giá so với năm ngoái nhưng không nhiều. Năm nay sức mua trực tiếp giảm mạnh so với mọi năm do người dân có tâm lý lo ngại dịch bệnh, thắt chặt chi tiêu nên chuyển qua hình thức đặt hàng online.

“Nắm bắt nhu cầu đó, năm nay ngoài bán hàng trực tiếp tôi còn đẩy mạnh bán hàng qua mạng xã hội như Facebook và Zalo. Đồng thời, theo tôi năm nay công nhân lao động ở lại Đồng Nai ăn Tết khá đông để phòng dịch nên từ trước đây 1 tháng, tôi đã chủ động tìm kiếm và trải nghiệm các sản phẩm đặc sản ở các vùng, miền khác, nếu thấy ngon miệng, giá cả hợp lý tôi sẽ nhận đặt hàng online để kiếm thêm nguồn thu. Cửa hàng của tôi đều miễn phí vận chuyển trong nội thành và hỗ trợ ship cho khách ở xa để thu hút khách hàng, kích cầu mùa mua sắm Tết” - bà Nguyệt chia sẻ.

Từng bước hiện đại, chuyên nghiệp các sạp hàng

Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn ra phức tạp, các kênh bán lẻ hiện đại được dự báo sẽ ngày càng phát triển trong tương lai và tạo ra sự cạnh tranh không nhỏ với các mô hình bán lẻ truyền thống. Điều này đòi hỏi công tác nâng cao vai trò, khả năng, hiệu quả hoạt động chợ, cửa hàng truyền thống, nhỏ lẻ cần có phương án, kế hoạch dài hơi để hướng tới thích ứng, cải tiến, nâng cao công tác quản lý, kinh doanh và khai thác chợ, mô hình bán lẻ truyền thống đạt hiệu quả, văn minh thương mại…

Trong thời gian qua, Sở Công thương đã triển khai nhiều chương trình nâng cấp, phát triển chợ truyền thống, nhất là ở khu vực nông thôn, để người dân có thêm sự lựa chọn khi mua hàng, đặc biệt là các kênh, điểm bán hàng Việt, thực phẩm an toàn, đảm bảo vệ sinh…

Mới đây, Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) đã phối hợp với các địa phương khai trương 5 điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi Tự hào hàng Việt Nam tại các xã, phường: Trà Cổ (H.Tân Phú), Thanh Sơn (H.Định Quán), Phước Khánh (H.Nhơn Trạch), Bàu Sen
(TP.Long Khánh) và Hố Nai (TP.Biên Hòa). Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 28 điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam ở toàn bộ các huyện, thành phố của tỉnh, trong đó có 26 điểm được triển khai từ nguồn kinh phí của tỉnh.

Bà Văn Thị Nguyệt, chủ cửa hàng tạp hóa Mười - một điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam ở xã Trà Cổ cho hay, điểm bán hàng được hỗ trợ chi phí mua kệ, tủ, giá trưng bày, biển hiệu Tự hào hàng Việt Nam; chi phí cải tạo, tu sửa điểm bán hàng... theo quy chuẩn. Điểm bán hàng này được triển khai góp phần giúp cho người dân có điều kiện mua sắm hàng Việt như: các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm khô, gia vị, nước chấm… Hàng hóa được hướng dẫn sắp xếp khoa học, ngăn nắp giúp người mua lựa chọn sản phẩm thuận tiện hơn.

Hoàng Hải

Tin xem nhiều