Báo Đồng Nai điện tử
En

Xoay xở cho sinh viên thực tập trong đại dịch

11:12, 10/12/2021

Đặc trưng của trường nghề là phải tăng cường thực hành với tổng thời lượng lên đến 70% thời gian toàn khóa học. Thậm chí với những nghề chất lượng cao, thời gian thực hành tại doanh nghiệp chiếm khoảng 40%.

Đặc trưng của trường nghề là phải tăng cường thực hành với tổng thời lượng lên đến 70% thời gian toàn khóa học. Thậm chí với những nghề chất lượng cao, thời gian thực hành tại doanh nghiệp chiếm khoảng 40%. Đại dịch Covid-19 đã khiến các trường gặp rất nhiều khó khăn trong việc sắp xếp cho sinh viên thực hành.

Tại Đồng Nai, suốt từ tháng 5-2021 khi đại dịch bùng phát, sinh viên đã phải tạm dừng đến trường. Để không bị đứt gãy nguồn cung nhân lực, các trường đã phải xây dựng lại kế hoạch giảng dạy, thay đổi chương trình và phương thức đào tạo để thích ứng với thực tiễn. Theo đó, có trường tổ chức cho sinh viên năm cuối thi tốt nghiệp sớm; có trường lại lựa chọn phương án tổ chức học 3 tại chỗ; cũng có trường phải đợi đến khi tình hình dịch ổn định trở lại rồi mới cho sinh viên đi thực tập tại doanh nghiệp để hoàn thành khóa học…

Kể từ ngày 22-11, các trường nghề trên địa bàn tỉnh đã từng bước cho sinh viên đi học trở lại. Trong đó, ngoài ưu tiên sinh viên năm cuối thì các trường cũng bố trí cho sinh viên năm 2 đến trường để thực hành.

Nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch, mỗi lớp học đều phải chia làm 2 ca. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho nhà trường. Trước hết, giảng viên phải tăng thời gian làm việc gấp đôi, phải làm công tác chuẩn bị kỹ càng hơn, sẵn sàng hướng dẫn thêm cho những sinh viên vắng mặt do dịch bệnh… Do giãn cách lớp học, các chi phí cho công tác đào tạo cũng đội lên. Tuy nhiên, để đảm bảo cho công tác đào tạo, các trường đều nỗ lực vượt khó để sinh viên được thực hành trực tiếp tại trường.

Hiện tại, học sinh, sinh viên các trường nghề đều đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19 mũi 2. Tuy vậy, để đảm bảo giãn cách nhằm hạn chế tối đa tình trạng lây nhiễm Covid-19, các trường vẫn chỉ bố trí cho sinh viên học các nội dung thực hành đến trường; các nội dung lý thuyết vẫn tiếp tục học online tại nhà…

Mặc dù đã chủ động và tìm nhiều giải pháp nhưng một số ngành nghề sinh viên vẫn bị chậm tiến độ tốt nghiệp so với thông thường. Đối với việc học online, mặc dù các trường đã trang bị các phần mềm mô phỏng để sinh viên dễ hình dung, thậm chí có các phần mềm thực hành ảo trên máy tính nhưng vẫn khó đảm bảo hình thành kỹ năng cho sinh viên.

Nếu tình trạng này kéo dài thì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, đồng nghĩa với việc sinh viên khó có thể đáp ứng được yêu cầu kỹ năng lao động của doanh nghiệp, kéo theo nguy cơ thất nghiệp của sinh viên. Vì vậy, ngoài nỗ lực của các trường nghề trong việc tăng cơ hội thực hành cho sinh viên, các doanh nghiệp cũng cần chia sẻ trách nhiệm bằng cách chuẩn bị sẵn sàng các khóa huấn luyện thực tế khi tuyển dụng những sinh viên tốt nghiệp trong giai đoạn dịch Covid-19.

Tường Vi


 

Tin xem nhiều