Báo Đồng Nai điện tử
En

GS-TS Võ Thanh Thu: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0, phục vụ đắc lực cho sự phát triển bền vững của Đồng Nai

11:12, 24/12/2021

Phát triển công nghiệp 4.0 là vấn đề được thế giới cũng như bất cứ quốc gia, địa phương nào đều quan tâm để hướng tới phát triển bền vững. Đồng Nai hiện là một trong những tỉnh, thành đóng vai trò trọng điểm trong nền kinh tế của Việt Nam và đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 từ điều hành của chính quyền cho đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN), tuy nhiên mức độ ứng dụng còn hạn chế.

GS-TS Võ Thanh Thu
GS-TS Võ Thanh Thu

Phát triển công nghiệp 4.0 là vấn đề được thế giới cũng như bất cứ quốc gia, địa phương nào đều quan tâm để hướng tới phát triển bền vững. Đồng Nai hiện là một trong những tỉnh, thành đóng vai trò trọng điểm trong nền kinh tế của Việt Nam và đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 từ điều hành của chính quyền cho đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN), tuy nhiên mức độ ứng dụng còn hạn chế.

Xung quanh vấn đề này, GS-TS Nhà giáo nhân dân Võ Thanh Thu đã có trao đổi về những giải pháp mà Đồng Nai có thể áp dụng trong thời gian tới.

 Mức độ ứng dụng công nghệ 4.0 vẫn còn hạn chế

* Thưa bà, chúng ta nói nhiều về cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 trong thời gian qua, theo GS, các thành tố nào có ảnh hưởng đến việc triển khai CMCN 4.0?

- Có thể nói, hệ sinh thái ảnh hưởng mạnh mẽ đến việc triển khai CMCN 4.0. Hệ sinh thái ở đây muốn nói đến là môi trường bên ngoài để các DN áp dụng những thành tựu của khoa học, công nghệ vào hoạt động của mình. Cụ thể bao gồm hành lang pháp lý cho phát triển công nghệ 4.0, chiến lược phát triển công nghệ 4.0 của địa phương và ngành. Cơ sở hạ tầng 4.0 gồm: đường truyền internet, độ phủ sóng, cơ sở dịch vụ hỗ trợ triển khai; chính quyền điện tử, dịch vụ công 4.0; triển khai phân vùng 4.0 ở địa phương. Ngoài ra còn là trình độ và nhận thức của cán bộ quản lý nhà nước ở địa phương cũng như thực trạng nguồn nhân lực và chính sách hỗ trợ mà địa phương, quốc gia đang áp dụng.

* Vậy theo đánh giá của GS, đối với cộng đồng DN, việc áp dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất, kinh doanh đã phát triển đến mức độ nào?

- Trên thực tế, dù đã có nhiều nỗ lực song không ít DN trên địa bàn Đồng Nai chưa nhận thức đầy đủ tính cấp thiết và ích lợi của triển khai ứng dụng công nghệ 4.0 trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nghiên cứu cho thấy tình hình ứng dụng công nghệ 4.0 trong các DN, trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn tỉnh chưa sâu và rộng, có đến 34% DN được khảo sát chưa biết thông tin, hoặc chưa hiểu sâu về công nghệ 4.0 trong khi 54% biết nhưng tự nhận là chưa đầy đủ. Chỉ có khoảng 10% số DN đã và đang áp dụng chiến lược công nghệ 4.0 mang tính bài bản. Có gần 52% DN, cơ sở kinh doanh dịch vụ chưa có chiến lược; 38,5% DN đang xây dựng chiến lược ứng dụng công nghệ 4.0.

* Như vậy, DN còn rất nhiều việc phải làm để thúc đẩy ứng dụng công nghệ 4.0, thưa bà?

- Như đã nói, đa số các DN trên địa bàn tỉnh mới chỉ ứng dụng các công nghệ 4.0 giản đơn, chi phí đầu tư ít. Tình hình đầu tư cho phát triển ứng dụng công nghệ 4.0 trong các DN, cơ sở kinh doanh ở Đồng Nai còn thấp: 90% đầu tư dưới 1 tỷ đồng/năm/DN. Các DN hiện phần lớn có quy mô nhỏ và vừa, sản xuất theo lối truyền thống ít sử dụng công nghệ 4.0 trong vận hành sản xuất và kinh doanh. Do vậy dẫn đến sức cạnh tranh trên thị trường chưa được như ý muốn. Nhiều sản phẩm ở Đồng Nai chưa truy xuất được xuất xứ. Bên cạnh đó, các DN trên địa bàn tỉnh ít sử dụng dịch vụ tư vấn cung cấp giải pháp 4.0, đây là loại hình dịch vụ giúp cho các DN, đặc biệt DN nhỏ và vừa trong điều kiện nguồn lực có hạn.

* Không chỉ phát triển công nghiệp mà Đồng Nai còn là địa phương trọng điểm về nông nghiệp của cả nước, vậy trong lĩnh vực này, trình độ ứng dụng công nghệ 4.0 ra sao, thưa GS?

- Nông nghiệp của Đồng Nai chỉ chiếm gần 6% GDP của tỉnh, nhưng là trụ đỡ nền kinh tế của tỉnh. Nông nghiệp Đồng Nai có thể tăng trưởng nhanh hơn, hiệu quả hơn nếu tỉnh tăng cường ứng dụng công nghệ cao, trong đó có công nghệ 4.0.

Doanh nghiệp ngành gỗ Đồng Nai tham quan hệ thống máy móc tiên tiến để ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Ảnh: Vương Thế
Doanh nghiệp ngành gỗ Đồng Nai tham quan hệ thống máy móc tiên tiến để ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Ảnh: Vương Thế

Tuy một số lĩnh vực của các ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã bước đầu áp dụng được công nghệ của nông nghiệp 4.0 nhưng nhìn chung, việc áp dụng đó còn manh mún, tự phát. Trình độ ứng dụng công nghệ 4.0 trong nông nghiệp Đồng Nai chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Ví dụ, Đồng Nai hiện có 246 trang trại chăn nuôi heo và 170 trang trại chăn nuôi gà ứng dụng công nghệ cao. Đối với các tỉnh khác, đây là những con số quá ấn tượng, nhưng nếu đem so với tổng số hơn 2.200 trang trại trên địa bàn tỉnh thì còn khiêm tốn. Đề án Nghiên cứu khả thi về phát triển bền vững nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Israel trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2025, tầm nhìn 2030 còn chậm.

Cần sự quyết tâm lớn từ chính quyền và doanh nghiệp

* Hiện nay, GS đang thực hiện đề tài nghiên cứu về CMCN 4.0 với phát triển kinh tế - xã hội ở Đồng Nai, vậy theo GS, muốn phát triển theo hướng này, tỉnh cần có những giải pháp gì?

- Trong giai đoạn hiện nay, phát triển, ứng dụng công nghệ 4.0 là điều không cần phải bàn cãi, là xu hướng của toàn thế giới. Để có thể thúc đẩy, triển khai rộng rãi, tôi cho rằng trước hết là phải tăng cường ý thức, quyết tâm của lãnh đạo tỉnh, điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong phát triển công nghệ 4.0, xây dựng chiến lược, phân bổ ngân sách, giám sát việc thực thi. Trong đó, cần nâng cấp Kế hoạch 7.600/KH-UBND ngày 3-7-2020 triển khai cuộc CMCN lần thứ 4 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai lên thành chiến lược phát triển công nghiệp 4.0 trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh cũng cần xây dựng Ban Chỉ đạo phát triển công nghiệp 4.0 do Phó chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban và giám đốc các sở, ban, ngành của tỉnh là thành viên. Mỗi sở, ban, ngành của tỉnh cần xây dựng những kế hoạch phát triển ứng dụng công nghệ 4.0 của ngành và cách thức tổ chức triển khai.

* Đó là về chiến lược chung, cụ thể hơn, Đồng Nai cần có những giải pháp nào?

- Cần thiết phải bắt tay ngay vào việc xây dựng trung tâm tư vấn ứng dụng công nghệ 4.0 và chuyển đổi số trực thuộc Ban Chỉ đạo phát triển công nghiệp 4.0 Đồng Nai (nếu được thành lập). Trên cơ sở đó, tỉnh Đồng Nai nên đánh giá phân loại trình độ phát triển công nghệ 4.0 theo ngành, theo vùng để có những giải pháp cụ thể.

 Một vấn đề nữa cần lưu ý là không có bất cứ địa phương nào có thể độc lập phát triển một mình nếu không liên kết.  Đồng Nai cần chủ động phối hợp với các tỉnh, thành trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhất là TP.HCM để xây dựng chiến lược phù hợp.

* Để ứng dụng công nghệ 4.0, nhân lực có vai trò như thế nào, thưa bà?

- CMCN 4.0 đang làm thay đổi mạnh mẽ phương thức sản xuất, kinh doanh của các DN trên toàn cầu. Người lao động cần có đủ kiến thức, kỹ năng (bao gồm cả kỹ năng cứng về kỹ thuật số, công nghệ, lập trình, tương tác giữa người với người máy; kỹ năng mềm như: khả năng tư duy, kỹ năng cá nhân, kỹ năng về xã hội…) mới đáp ứng được yêu cầu. Đồng Nai là tỉnh công nghiệp nên mức độ giao thương lớn, đáp ứng về nhu cầu về ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, kinh doanh của DN cần đặt lên hàng đầu, tuy nhiên nguồn nhân lực còn hạn chế. Do vậy, tôi cho rằng nên thực hiện đề án riêng về phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu cuộc CMCN 4.0 ở Đồng Nai bởi thời gian qua đây là một lĩnh vực còn yếu nếu so với nhu cầu của địa phương cũng như tương quan với các tỉnh, thành trọng điểm khác.

 * Xin cảm ơn bà!

GS-TS Võ Thanh Thu (sinh năm1955) hiện là giảng viên cao cấp tại Trường đại học Kinh tế TP.HCM, Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách thương mại quốc tế của VCCI. Bà là tác giả của trên 25 đầu sách viết các vấn đề quan hệ quốc tế; kinh doanh xuất nhập khẩu; đầu tư quốc tế; thanh toán quốc tế... Bên cạnh đó, GS-TS Võ Thanh Thu cũng làm chủ nhiệm và tham gia nghiên cứu trên 30 công trình cấp nhà nước, cấp bộ, cấp tỉnh, thành phố về các vấn đề thương mại quốc tế, tác động của hội nhập quốc tế đến nền kinh tế Việt Nam; tác động của CMCN 4.0 đối với sự phát triển kinh tế của các địa phương…

Vương Thế (thực hiện)

 

 

Tin xem nhiều