Theo kế hoạch, Ban Bí thư Trung ương Đảng sẽ tổ chức chủ trì, chỉ đạo Hội nghị Văn hóa toàn quốc bằng hình thức trực tuyến vào ngày 24-11-2021. Hội nghị đặc biệt quan trọng này giúp chúng ta đánh giá thực trạng kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm đổi mới; từ đó đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021-2026, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo kế hoạch, Ban Bí thư Trung ương Đảng sẽ tổ chức chủ trì, chỉ đạo Hội nghị Văn hóa toàn quốc bằng hình thức trực tuyến vào ngày 24-11-2021. Hội nghị đặc biệt quan trọng này giúp chúng ta đánh giá thực trạng kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm đổi mới; từ đó đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021-2026, tầm nhìn đến năm 2045.
Nét đẹp trong doanh nghiệp. Ảnh: Bùi Viết Đồng |
Nhân dịp này, Báo Đồng Nai cuối tuần giới thiệu các bài viết của PGS-TS Huỳnh Văn Tới về xây dựng môi trường văn hóa doanh nghiệp và nhà văn Trần Thu Hằng về việc tăng nguồn lực đầu tư cho văn hóa.
1. Con người dù cá thể hay tập thể đều không thể sống tách rời môi trường. Tách rời môi trường tự nhiên, con người không bằng một con vật. Tách rời môi trường xã hội, con người không thể thành NGƯỜI. Môi trường tự nhiên tạo ra sự sống. Môi trường xã hội tạo ra cách sống. Trong môi trường xã hội, môi trường văn hóa là bộ phận cấu thành quan trọng nhất.
2. Ông bà ta xưa đã nhận ra môi trường văn hóa tạo nên nhân cách con người: “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”, “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”, “Thời thế tạo anh hùng”.
Đảng ta, Nhà nước ta, nhân dân ta luôn quan tâm đến việc xây dựng môi trường văn hóa. Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) xem việc xây dựng môi trường văn hóa là một trong 10 nhiệm vụ quan trọng. Nghị quyết số 33 của Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) đã xác định xây dựng môi trường văn hóa là một trong 5 mục tiêu chung; trong đó, doanh nghiệp được xem là đơn vị cơ sở cần phải xây dựng môi trường văn hóa.
3. Nói đến doanh nghiệp, người ta thường quan tâm đến các con số: Đến cuối năm 2017, cả nước có 610.637 doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh với tổng số là 14,82 triệu lao động, chiếm khoảng 15% dân số; đem lại lợi ích xã hội to lớn. Thực trạng doanh nghiệp Việt Nam hiện có đặc điểm chung: Doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ là chủ yếu. Thực lực và tiềm lực mỏng manh, sức cạnh tranh còn yếu; nền kinh tế ở Việt Nam còn trẻ, hội nhập kinh tế thị trường thế giới còn chậm; môi trường kinh doanh chưa hoàn thiện, còn nhiều trở ngại trong phát triển; đội ngũ doanh nhân mỏng, nặng tính tự phát, thiếu chuyên nghiệp; nền tảng dân trí của người lao động chưa cao, mức sống thấp, thiếu đội ngũ công nhân kỹ thuật trình độ cao.
4. Với đặc điểm như thế, việc xây dựng môi trường văn hóa có ý nghĩa là xây dựng nền tảng tinh thần, động lực phát triển và sức mạnh nội sinh để doanh nghiệp vượt khó, tăng trưởng, cạnh tranh lành mạnh, phát triển bền vững.
Hưởng ứng Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, một số sự kiện dự kiến được Bộ VH-TTDL chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan liên quan tổ chức như: triển lãm với chủ đề Văn hóa soi đường cho quốc dân đi vào ngày 21-11 tại Trung tâm triển lãm Vân Hồ; chương trình nghệ thuật chào mừng hội nghị với chủ đề Việt Nam với khát vọng phát triển phồn vinh và hạnh phúc vào ngày 23-11 tại Nhà hát lớn Hà Nội... |
Về lý lẽ, xây dựng môi trường văn hóa không chỉ là xây dựng những con số nhảy múa, vài mặt hoạt động nhất thời, những mỹ hiệu rực rỡ mà phải là xây dựng hệ thống giá trị, hành lang pháp lý, chuẩn mực đạo lý cho doanh nghiệp, của doanh nghiệp, vì doanh nghiệp.
Về cấu trúc, xây dựng môi trường văn hóa doanh nghiệp không phải chỉ ở nội bộ của mỗi đơn vị doanh nghiệp, mà ở cả hệ thống bên ngoài, bên trong và phía trước của doanh nghiệp, nói cách khác là xây dựng môi trường của môi trường văn hóa.
Hệ thống bên ngoài tác động đến môi trường văn hóa doanh nghiệp chính là đường lối, chính sách về kinh tế, hệ thống pháp luật và vai trò quản lý vĩ mô của Nhà nước, tạo được thị trường cạnh tranh lành mạnh, đảm bảo cho doanh nghiệp được phát huy nội lực, dựa trên nền tảng văn hóa dân tộc.
Hệ thống bên trong của doanh nghiệp chính là những thiết chế, quy chế dân chủ cơ sở và tổ chức hoạt động của doanh nghiệp do doanh nghiệp tạo ra.
Hệ thống phía trước của doanh nghiệp chính là mục tiêu phát triển, điểm đến của doanh nghiệp. Điểm đến của doanh nghiệp trong môi trường văn hóa không chỉ là lợi nhuận, mà còn là vấn đề bản sắc, thương hiệu và vị thế của doanh nghiệp trong xã hội, nhất là trong lòng người.
5. Việc xây dựng môi trường văn hóa doanh nghiệp không phải là việc riêng của doanh nghiệp. Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XIII xác định: Đó là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, hệ thống quản lý, các tổ chức đoàn thể toàn xã hội trong việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
6. Đường lối, chủ trương, pháp luật, chính sách đã rõ, nhưng rõ trên giấy, vấn đề là làm sao để sự rõ trên giấy ấy bước ra thực tế, tỏa sáng trong đời. Có mấy vấn đề từ thực tế đang mong chờ việc tiếp tục xây dựng môi trường văn hóa trong doanh nghiệp Việt Nam:
Thứ nhất, về nhận thức, cần làm rõ để cùng nhận thức đủ - đúng về vai trò, ý nghĩa của xây dựng môi trường văn hóa cho doanh nghiệp và trong doanh nghiệp. Nghị quyết 33 yêu cầu xây dựng mỗi đơn vị bao gồm tất cả các loại đơn vị đều có môi trường văn hóa tốt. Doanh nghiệp là hiện thân của nhân tố mới trong xã hội, hiện đại trong sản xuất, có tính tổ chức và kỷ luật cao, tạo ra nhiều giá trị, đóng góp lớn cho đất nước; nhưng là cộng đồng lỏng lẻo trong kết nối văn hóa.
Thứ hai, xây dựng môi trường văn hóa trong doanh nghiệp có tác động nhiều chiều, trước hết, cho “sức khỏe” của chính doanh nghiệp, tiếp đến là cho tiến bộ của xã hội và cho sự cường thịnh của đất nước. Ở Đồng Nai, thường dùng liễn đối với ý nghĩa doanh nghiệp và quốc gia là sự tương tác máu thịt, là quan hệ văn hóa cộng tồn:
DOANH NGHIỆP PHÁT TÀI: ĐA, CÁT, LỢI
QUỐC GIA HƯNG THỊNH: PHÚ, LẠC, CƯỜNG
Thứ ba, là vấn đề đổi mới cách tổ chức thực hiện, đánh giá và đầu tư phát triển. Thực tế, lâu nay, các doanh nghiệp đều có phong trào xây dựng đời sống văn hóa sở. Nhưng phong trào này thường nặng hình thức, mang tính biểu diễn, chạy theo các con số chỉ tiêu không thực chất; cho nên, rất nhiều doanh nghiệp được bình xét đạt chuẩn, thậm chí được khen thưởng nhưng vẫn còn tình trạng trốn thuế, nợ thuế, đình công, lãng công, thiếu an toàn vệ sinh lao động...
Việc xây dựng môi trường văn hóa doanh nghiệp đang chờ đợi bộ quy chuẩn và quy tắc ứng xử về văn hóa cho doanh nghiệp. Cách giám sát, đánh giá, bình chọn cũng theo đó đạt mục đích thực chất. Có 5 nội dung thuộc đặc thù của doanh nghiệp cần xây dựng thành quy chuẩn chung cho môi trường văn hóa trong doanh nghiệp: Một là, mức độ hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch và nộp thuế; Hai là, mức độ đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động theo quy định; Ba là, mức độ thực hiện đúng chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội, quyền và lợi ích người lao động; Bốn là, mức độ, hiệu quả tham gia công tác an sinh xã hội với chính quyền địa phương; Năm là, có thiết chế văn hóa, phong trào hoạt động văn hóa và quy chế về chăm lo cho đời sống của người lao động thuộc doanh nghiệp, động viên và phát huy nhân tố con người.
Thứ tư, là phát huy nhân tố con người. Theo Nghị quyết 33, con người là sản phẩm cao nhất của nền văn hóa. Trong doanh nghiệp, con người cần được phát huy cao nhất nhân cách, phẩm chất, đạo đức, kỹ năng đã được hình thành. Con người là chủ thể của doanh nghiệp, cần phải được tôn trọng, bảo vệ; được phát huy hết khả năng hiện có, được học tập, bồi dưỡng nhằm đạt đến khả năng cần có và có thể có. Con người có thể không làm giỏi kỹ thuật bằng robot, nhưng cảm xúc, tâm hồn và sự sáng tạo không robot nào thay thế được. Chăm sóc cho con người không thể khấu hao như đối với máy móc, ngoài việc trả lương còn là việc chăm sóc tinh thần, tạo điều kiện giao lưu, hưởng thụ và phát huy tài năng.
Thứ năm là xây dựng thương hiệu và văn hóa kinh doanh. Thương hiệu là giá trị đặc biệt của doanh nghiệp, không thể mua bằng tiền, xây dựng nó bằng tâm sức của toàn doanh nghiệp trong thời gian dài. Mỗi doanh nghiệp cần có chiến lược và từng bước xây dựng được thương hiệu của doanh nghiệp mình. Thương hiệu của doanh nghiệp góp lại hình thành quốc hiệu.
Thứ sáu là vấn đề môi trường hội nhập quốc tế. Văn hóa là con đường hội nhập quốc tế thênh thang nhưng còn nhiều chông gai. Việt Nam đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nhiều doanh nghiệp làm ăn với nhiều quốc gia, môi trường hội nhập về kinh tế, khoa học kỹ thuật khá tốt, nhưng môi trường hội nhập về văn hóa quả không dễ dàng. Nhiều sự cách biệt về phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo còn tạo trở ngại cho giao tiếp để hội nhập.
Thứ bảy, là nguồn nhân lực CEO, lãnh đạo quản lý doanh nghiệp. Đội ngũ này, trong thực tiễn làm lãnh đạo quản lý doanh nghiệp cũng cần được bồi dưỡng, cập nhật về các vấn đề văn hóa liên quan đến doanh nghiệp, nhất là lịch sử văn hóa địa phương. Trong mỗi doanh nghiệp, ở bộ phận văn phòng, nhân sự, đối ngoại cũng nên có người am hiểu, đạt chẩn về văn hóa để tham mưu và điều hành việc xây dựng môi trường văn hóa.
PGS-TS Huỳnh Văn Tới