Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhà khoa học muốn kết nối khoa học với cộng đồng

09:11, 19/11/2021

Khi là nghiên cứu sinh, tiến sĩ (TS) Lê Ngọc Liễu từng là cô gái Việt Nam duy nhất đạt giải thưởng Green Talents dành cho các tài năng trẻ của Bộ Giáo dục và nghiên cứu Cộng hòa liên bang Đức với đề tài nghiên cứu về năng lượng tái tạo.

TS Lê Ngọc Liễu, giảng viên ngành công nghệ thực phẩm của Trường đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP.HCM)
TS Lê Ngọc Liễu, giảng viên ngành công nghệ thực phẩm của Trường đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP.HCM)

Khi là nghiên cứu sinh, tiến sĩ (TS) Lê Ngọc Liễu từng là cô gái Việt Nam duy nhất đạt giải thưởng Green Talents dành cho các tài năng trẻ của Bộ Giáo dục và nghiên cứu Cộng hòa liên bang Đức với đề tài nghiên cứu về năng lượng tái tạo.

Trong hơn 10 năm với vai trò là nhà khoa học, TS Lê Ngọc Liễu đã đạt nhiều giải thưởng và vinh dự là tài năng trẻ có thành tích xuất sắc trong học tập, công tác ở lĩnh vực khoa học, công nghệ đạt Giải thưởng Khoa học công nghệ thanh niên Quả cầu vàng. TS Lê Ngọc Liễu đang tập trung nghiên cứu vấn đề tận dụng các nguồn phế phẩm của ngành nông nghiệp để tạo ra những sản phẩm bảo vệ môi trường với giá trị gia tăng cao.

Sản xuất nông nghiệp không chất thải

 Tại sao TS lại chọn nghiên cứu những đề tài tận dụng nguồn phế phẩm của ngành nông nghiệp để tạo ra những sản phẩm bảo vệ môi trường?

- Ngành nông nghiệp tạo ra lượng phế phẩm rất lớn, có thể lên đến 70-80% trọng lượng. Những phế phẩm nếu bỏ đi có thể ảnh hưởng lớn đến môi trường, trong khi bản thân nó lại chứa rất nhiều hợp chất có giá trị.

Lĩnh vực tôi đang tập trung nghiên cứu giúp giải quyết được vấn đề ô nhiễm do nguồn phế phẩm trong sản xuất nông nghiệp; tạo giá trị cao hơn cho sản phẩm; giúp tăng thu nhập cho người nông dân cũng như tạo đầu ra cho nguồn nông sản của Việt Nam.

Một ví dụ cụ thể là dự án nghiên cứu gần đây của tôi thực hiện cùng với Trường University of Liege - Gembloux Argo-Bio Tech (Bỉ) tận dụng nguồn phế phẩm từ thanh long. Các nhánh thanh long già chặt bỏ đi được dùng để sản xuất nhiên liệu sinh học. Còn vỏ của trái thanh long được dùng để trích ly polymer sinh học, có thể phát triển thành bao bì phân hủy sinh học.

Hiện nay, bao bì nhựa đang là vấn đề về môi trường bức bách không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới vì nó không phân hủy được mà tích lũy lại trong lòng đất, trong lòng đại dương qua hàng trăm, hàng ngàn năm. Do đó, khi phát triển được bao bì sinh học có thể giúp giảm thiểu vấn đề ô nhiễm môi trường.

 Được biết, TS có hợp tác với doanh nghiệp tại Đồng Nai triển khai nhiều đề tài nghiên cứu khoa học?

- Tôi tham gia nhóm các nhà khoa học của Trường đại học Quốc tế hợp tác với Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (H.Định Quán) triển khai nhiều đề tài nghiên cứu chế biến thực phẩm, sản phẩm từ phế phẩm của trái ca cao.

Tôi tham gia trong mảng tận dụng vỏ cứng ngoài của trái ca cao. Vỏ cứng này có thể chiếm hơn 70% trọng lượng trái và bị bỏ đi trong quá trình chế biến, gây ra lãng phí rất lớn. Trong khi đó, vỏ chứa một lượng lớn chất xơ, pectin và các hợp chất kháng oxy hóa có nhiều ứng dụng và lợi ích sức khỏe.

Nhóm chúng tôi đã tận dụng vỏ cứng này để chế biến các sản phẩm thực phẩm như: xúc xích chay, bánh cracker và dùng vỏ cứng này trích ly hợp chất pectin và hợp chất phenolic (có tính kháng oxy hóa). Bằng cách này, chúng ta có thể đem lại giá trị gia tăng cho cây ca cao.

 Theo TS, Đồng Nai có những lợi thế nào về nguồn nguyên liệu, thị trường để phát triển sản phẩm, thực phẩm bảo vệ môi trường?

- Tỉnh Đồng Nai có nhiều mặt hàng nông sản thuộc danh mục sản phẩm chủ lực quốc gia nên có thể tiếp cận các chính sách ưu đãi của Nhà nước. Đồng thời, tỉnh đang phát triển kết nối nông nghiệp và công nghiệp chế biến, do đó có nhiều lợi thế trong phát triển các sản phẩm thực phẩm.

Mặt khác, người tiêu dùng hiện nay cũng tăng nhận thức về môi trường, góp phần định hướng các doanh nghiệp trong lĩnh vực này phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Đưa khoa học vào cuộc sống

 Những đề tài nghiên cứu của TS đều quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường. Có phải đây là định hướng trong hoạt động nghiên cứu khoa học của TS?

TS Lê Ngọc Liễu (trái) thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu chế biến thực phẩm từ vỏ trái ca cao tại Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (H.Định Quán)
TS Lê Ngọc Liễu (trái) thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu chế biến thực phẩm từ vỏ trái ca cao tại Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (H.Định Quán)

- Đúng vậy. May mắn nhận được giải thưởng Green Talents năm 2013, tôi có cơ hội đến Đức 2 tuần tham quan các trường đại học và các viện nghiên cứu, gặp gỡ trao đổi với nhiều nhà khoa học trẻ trên toàn thế giới và các chuyên gia tại Đức làm việc trên nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau. Nhờ đó, tôi có cái nhìn sâu sắc và toàn diện những vấn đề cấp bách cần giải quyết để thế giới có thể phát triển bền vững và giúp thế giới tốt đẹp hơn. Một trong những vấn đề cần giải quyết là bảo vệ môi trường. Do đó, các hoạt động nghiên cứu của tôi đều định hướng cho mục tiêu này.

 Có ý kiến cho rằng nhiều nghiên cứu về sản phẩm thân thiện môi trường của Việt Nam chủ yếu dừng lại ở quy mô phòng thí nghiệm. Theo TS, có những khó khăn nào trong việc đưa các đề tài nghiên cứu vào thực tế?

- Để có thể thương mại hóa sản phẩm cần có sự gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp, nhà nghiên cứu và sự đầu tư, hỗ trợ từ phía Nhà nước. Thành công ở phòng thí nghiệm chỉ là bước khởi đầu. Để có thể thương mại hóa cần có bước trung gian sản xuất thử, và thực tế thì bước này thậm chí cần đầu tư và tốn kém nhiều hơn nhưng lại có nhiều rủi ro hơn bước thử nghiệm trong phòng thí nghiệm.

Do đó, hiện các doanh nghiệp vẫn e ngại đầu tư, đồng thời các đề tài dự án cũng chưa hỗ trợ nhiều ở bước này, thường dừng lại ở việc chuyển giao kết quả nghiên cứu ở quy mô phòng thí nghiệm.

 Ngoài công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học, điều gì khiến TS tham gia trong nhiều chương trình như: khoa học sự sống, tham gia nhóm sáng lập dự án thực phẩm cộng đồng?

- Từ nhỏ tôi đã yêu thích khoa học tự nhiên. Tôi may mắn gặp nhiều thầy cô giỏi hướng dẫn và định hướng, dạy tôi cách tự học, cách đặt vấn đề và cách nghiên cứu. Tôi nghĩ nhà khoa học không phải là nghề nghiệp gì lớn lao, chỉ cần bạn thích học và không ngừng học hỏi, luôn tìm tòi khám phá là bạn sẽ tiếp cận gần với khoa học.

Chính vì vậy, bên cạnh nghiên cứu và giảng dạy ở trường đại học, tôi quan niệm cần chia sẻ và kết nối khoa học với cộng đồng để mọi người hiểu hơn về sự cần thiết của khoa học.

Do đó, tôi tham gia nhiều chương trình bên ngoài trường học. Tiêu biểu có hoạt động với Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng Oxford (Oxford University Clinical Research Unit, Oucru) từ năm 2017 đến nay trong chương trình Kết nối khoa học với cộng đồng, phi lợi nhuận được hỗ trợ bởi Wellcome Trust International Engagement Awards (Anh).

Mục tiêu của chương trình nhằm chia sẻ kiến thức, giúp nhiều người hiểu hơn về giá trị và sự cần thiết của nghiên cứu khoa học; khuyến khích giới trẻ theo đuổi sự nghiệp trong lĩnh vực khoa học và tạo điều kiện cho mọi người nhìn nhận thế giới ở những khía cạnh mới.

Bên cạnh đó, tôi cũng tham gia xây dựng và phát triển dự án phi lợi nhuận Thực phẩm cộng đồng (https://thucphamcongdong.vn/) với vai trò phó trưởng dự án. Dự án nhằm cung cấp kiến thức khoa học thường thức, chính xác, khách quan và đáng tin cậy về thực phẩm, dinh dưỡng và sức khỏe cho người Việt với mong muốn lan tỏa tri thức, chung tay vì sức khỏe cộng đồng.

 Xin cảm ơn tiến sĩ!

TS Lê Ngọc Liễu sinh ra và lớn lên ở xã Gia Bình, H.Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Cô tốt nghiệp Trường đại học Bách Khoa TP.HCM năm 2007 và bảo vệ thành công luận án TS tại Trường đại học Quốc gia Singapore năm 2014. Cô có thời gian làm việc nghiên cứu sau TS tại Trường Khoa học và công nghệ của Đức vua Abdullah, Ả Rập Saudi đến năm 2017.

Hiện cô đã xuất bản khoảng 30 bài báo SCIE và 1 bằng sáng chế đa quốc gia (Hoa Kỳ, châu Âu, Tổ chức Trí tuệ thế giới). Cô cũng nhận nhiều giải thưởng khoa học như: Green Talents (Cộng hòa Liên bang Đức), IES Prestigious Engineering Achievement Awards (Singapore), chung kết quốc gia giải thưởng ASE AN-US Science Prize  for Women, Giải thưởng Khoa học công nghệ thanh niên Quả cầu vàng.

Bình Nguyên (thực hiện)

Tin xem nhiều