Nhớ lại những ngày nguy kịch trong bệnh viện, nhiều bệnh nhân Covid-19 tưởng bản thân không thể vượt qua. Thậm chí có không ít sản phụ gần như kiệt sức vì vừa nhiễm virus SARS-CoV-2, vừa phải vượt cạn, tính mạng ngàn cân treo sợi tóc.
Nhớ lại những ngày nguy kịch trong bệnh viện, nhiều bệnh nhân Covid-19 tưởng bản thân không thể vượt qua. Thậm chí có không ít sản phụ gần như kiệt sức vì vừa nhiễm virus SARS-CoV-2, vừa phải vượt cạn, tính mạng ngàn cân treo sợi tóc.
Chị N.T.V. (ngụ xã Phú Đông, H.Nhơn Trạch) được các bác sĩ, nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất chúc mừng trong ngày xuất viện. Ảnh: T.Tâm |
Thế nhưng, nhờ sự cứu chữa, chăm sóc, động viên của đội ngũ y, bác sĩ, nhiều bệnh nhân Covid-19 đã không buông xuôi và không ngừng hy vọng. Cuối cùng may mắn cũng mỉm cười, họ đã dần hồi phục và trở về đoàn tụ với gia đình trong niềm hạnh phúc khôn tả.
* Vượt qua ranh giới sinh tử
Sau hơn 2 tháng điều trị bệnh Covid-19 ở bệnh viện, mới đây chị N.D. (ngụ P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) được trở về nhà. Nhìn mái tóc dài phải cạo trọc để thuận lợi trong điều trị bệnh, khuôn mặt hốc hác, thân hình gầy gò của chị, con gái 5 tuổi của chị đã không nhận ra mẹ.
Thấy con gái đứng từ xa nhìn mẹ nửa muốn lại gần nhưng nửa vẫn còn sợ hãi vì trông mẹ quá khác khiến nước mắt chị D. chực trào. Từng ấy thời gian điều trị bệnh đã làm hao mòn thân thể của chị đến mức con gái còn không thể nhận ra. Nhưng rồi, chị lại trấn tĩnh lại vì niềm vui sướng khi được sống và trở về nhà, đoàn tụ với gia đình.
Chị còn nhớ, khi đang nửa tỉnh nửa mê trong bệnh viện, chị nghe bác sĩ nói, chồng chị nhắn phải cố gắng lên. Chị phải sống và trở về với gia đình. Điều này đã tạo động lực cho chị không ngừng cố gắng, quyết tâm chống chọi với bệnh tật.
Thông tin từ Trung tâm Chỉ huy điều hành phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, cộng dồn từ tháng 4-2021 (đợt dịch thứ 4) đến nay, toàn tỉnh có 62 ngàn bệnh nhân Covid-19 đã được điều trị khỏi bệnh/76 ngàn ca nhiễm bệnh. |
Chị D. bồi hồi kể lại, khi mang thai 30 tuần, chị phát hiện bị nhiễm SARS-CoV-2. Sau đó, chị được đưa đến Bệnh viện Dã chiến số 6 (đóng tại ký túc xá Trường đại học Đồng Nai, P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa). Đến đêm thứ 2, chị bắt đầu sốt cao, ho nhiều, khó thở. Mang thai đã mệt, nay lại bị nhiễm bệnh nên sức khỏe của chị yếu dần.
Ngay sau đó, chị được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất (TP.Biên Hòa), thở máy liên tục nhưng tình trạng bệnh vẫn diễn tiến ngày càng nặng. Sau hơn 1 tuần điều trị, bệnh tình không thuyên giảm, bác sĩ khuyến cáo phải mổ lấy thai sớm (hơn 31 tuần) để bảo toàn tính mạng cả mẹ và con.
“Lúc đó, chồng và người thân trong gia đình tôi đều là F1 phải đi cách ly tập trung nên tôi nhờ người quen mua toàn bộ đồ dùng cho tôi sinh con. May mắn sau khi mổ lấy thai, con tôi được bình an, không bị nhiễm bệnh. Riêng tôi bắt đầu rơi vào hôn mê” - chị D. kể lại
Từ đó, chị bắt đầu chuỗi ngày giành lại sự sống của chính mình. Với sự giúp sức từ các y, bác sĩ đến nhân viên tế, sau 3 ngày hôn mê sâu, chị D. bắt đầu tỉnh lại. Tình trạng bệnh có chuyển biến tốt nhưng việc tập thở sau thời gian dài phải thở máy là thời gian khó khăn nhất đối với chị. Nghị lực, ý chí và niềm tin chiến thắng bệnh tật đã giúp chị D. vượt qua tất cả và khỏi bệnh, được trở về trong vòng tay người thân.
Tương tự, trong giọng nói còn yếu ớt, đôi khi vẫn thở gấp sau khi điều trị khỏi Covid-19, chị N.T.V. (ngụ xã Phú Đông, H.Nhơn Trạch) cho biết, có nhiều lúc chị không tin mình vẫn còn sống.
Chị V. kể lại, sống trong khu nhà trọ nên chị nhiễm bệnh lúc nào không hay. Do sức khỏe yếu, lại đang trong thai kỳ nên bệnh tình của chị xấu đi rất nhanh. Khi bệnh trở nặng, có nguy cơ tử vong, chị được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất điều trị. Thai chưa đủ 30 tuần nhưng do tình hình sức khỏe của chị diễn tiến rất xấu nên bác sĩ chỉ định phải mổ lấy con ra.
Sau ca phẫu thuật, bệnh tình chị V. bắt đầu trở nặng, phải chạy ECMO hay còn gọi là tim phổi nhân tạo (là phương pháp oxy hóa qua màng ngoài cơ thể, sử dụng một hệ tuần hoàn để thực hiện quá trình trao đổi oxy ở bên ngoài của cơ thể nhằm hỗ trợ và duy trì chức năng sống ở các bệnh nhân suy tuần hoàn hoặc suy hô hấp nặng), siêu lọc máu một thời gian dài.
“Tôi không biết mình đã hôn mê bao lâu, chỉ biết khi tỉnh dậy mọi thứ như một giấc mơ. Các bác sĩ đã động viên và giúp tôi tự tập thở dần. Giờ tôi chỉ mong sớm được gặp con vì bé đang phải điều trị một số bệnh lý do sinh non” - chị V. chia sẻ.
Sau hơn 2 tháng điều trị, chị V. đã vượt qua ranh giới sinh tử và được trở về nhà bên người thân. Để được gặp con, chị phải chờ thêm một thời gian nữa. Chị đang đếm từng ngày để được ôm con vào lòng cho thỏa những tháng ngày nhớ mong.
* Hạnh phúc ngày đoàn viên
Nói chuyện với chúng tôi, chị N.T.M. (ngụ TT.Vĩnh An, H.Vĩnh Cửu) cứ căn dặn: “Chị ơi, nếu gặp các F0 hãy nói với họ phải cố lên, vượt qua đau đớn và đừng buông xuôi. Chỉ cần có ý chí, niềm tin, tuân thủ phác đồ điều trị, ăn uống theo lời bác sĩ dặn thì sẽ khỏi bệnh và được về nhà sớm”.
Theo nhiều bệnh nhân Covid-19 đã khỏi bệnh, trong lúc điều trị bệnh không có người thân bên cạnh, ngoài sự nỗ lực của bản thân còn phải vô cùng biết ơn đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế tại các bệnh viện đã tận tình chữa trị, chăm sóc, động viên, giúp họ vượt qua ranh giới sinh tử. Nhất là luôn động viên tinh thần để người bệnh có thêm ý chí kiên cường chiến thắng dịch bệnh, sớm được đoàn tụ với gia đình. |
Từng là bệnh nhân Covid-19 nặng, suy hô hấp, nguy kịch nhưng sau 35 ngày điều trị ở các bệnh viện khác nhau, trải qua nhiều đợt thập tử nhất sinh thì nay chị M. đã khỏi bệnh, được xuất viện đoàn viên với cha mẹ, chồng và 2 con nhỏ. Chỉ có trải qua lằn ranh sinh tử, chị mới thấy quý trọng sức khỏe và thời gian đoàn tụ cùng gia đình.
Chị M. kể lại, chị bán hàng ở chợ TT.Vĩnh An. Sau khi bùng phát ổ dịch tại đây, chị cũng nằm trong số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 phải đưa đi cách ly y tế tập trung. Khi xét nghiệm, gia đình chị có 6 người nhiễm, chỉ duy nhất chồng chị không bị nhiễm bệnh. Còn lại mẹ, em gái và 2 con chị đều trở thành F0 và được đưa đi cách ly ở các nơi khác nhau.
Những ngày đầu, gia đình chị M. còn giữ được liên lạc, nhưng khi chị và mẹ bị bệnh nặng phải chuyển đến bệnh viện tuyến trên thì hoàn toàn không còn biết được tình trạng của nhau nữa. Chị M. bị hôn mê, rơi vào nguy kịch. Sợ mình không qua khỏi, chị xin bác sĩ gọi điện về gia đình để có thể gặp họ lần cuối.
Sau khi “chiến thắng” bệnh Covid-19, chị N.T.M. (giữa, ngụ TT.Vĩnh An, H.Vĩnh Cửu) được trở về đoàn tụ bên gia đình và 2 con |
Anh H.G.S. (chồng chị M.) cũng kể lại, do là F1 nên anh bị cách ly tập trung và nóng lòng chờ tin tức của người thân. Anh đã điếng người khi nhận cuộc điện thoại trăn trối của vợ.
“Tôi như nghẹt thở, cố gắng nghe từng lời nói rất khó nhọc của vợ mà không thốt nên lời. Tôi chỉ nói được với vợ một câu là: em hãy cố gắng về với gia đình. Khi tiếng điện thoại ngắt, tôi dường như chết lặng khi biết tình trạng vợ quá nguy kịch, sợ không qua khỏi” - anh S. kể lại.
Bẵng đi mấy ngày không còn biết tin tức của vợ thì anh S. nhận được điện thoại từ bệnh viện báo vợ anh đã tỉnh và có dấu hiệu hồi phục, lúc đó anh mới thở phào nhẹ nhõm.
“Tôi nghĩ mình sẽ chết nên gọi điện dặn chồng tất cả mọi việc trong nhà. Nói xong, tôi bắt đầu rơi vào hôn mê và không còn biết gì nữa. Cho đến khi tỉnh dậy, tôi mới biết mình hãy còn sống nên vui mừng khôn tả. Dù rất mệt nhưng tôi luôn cố gắng từng chút một. Vì bác sĩ nói tôi càng cố gắng điều trị, luyện tập, sức khỏe sớm hồi phục, sẽ càng sớm về bên người thân, gia đình” - chị M. vừa kể vừa khóc.
Đến nay, gia đình chị M. lần lượt từng người được trở về nhà. Mọi người gặp lại nhau vui mừng khôn siết. Những ngày chia ly, bệnh tật đang dần lùi xa, gia đình họ lại được sum vầy, hạnh phúc.
Tố Tâm