Báo Đồng Nai điện tử
En

"Người lái đò" vẻ vang...

06:11, 20/11/2021

Sinh thời, Bác Hồ từng nói: "Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh...".

Sinh thời, Bác Hồ từng nói: “Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh...”. Họ thầm lặng đưa những “chuyến đò” qua sông bằng tình yêu thương và nỗ lực không mệt mỏi cho sự nghiệp trồng người. Gần 2 năm “giặc” Covid-19 hoành hành làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống xã hội. Trong đó, ngành GD-ĐT là một trong những ngành chịu tác động nặng nề nhất khi trường lớp phải đóng cửa, thầy trò không được gặp mặt nhau, việc dạy và học hoàn toàn bị đảo lộn. Vượt qua những lúng túng, khó khăn ban đầu, toàn ngành đã đồng lòng đổi mới, thích ứng linh hoạt trong điều kiện dịch bệnh để tổ chức dạy và học online hay qua truyền hình với mục tiêu “tạm dừng đến trường nhưng không dừng học”.

Không ít thầy cô dù lớn tuổi, gặp khó khăn khi tiếp cận với công nghệ phục vụ cho bài giảng nhưng đã nỗ lực “vượt lên chính mình” để thích nghi và ngày càng thuần thục hơn với hình thức giảng dạy trực tuyến. Nhiều thầy cô chịu khó tìm tòi, nghiên cứu những phần mềm, phương pháp giảng dạy phù hợp nhất cho trường, cho lớp và cho đàn em thân yêu.

Dịch bệnh còn chứng kiến sự lăn xả của những người thầy khi tham gia cùng các lực lượng tuyến đầu chống dịch với muôn vàn công việc khác nhau. Từ lên danh sách, cập nhật số liệu người dân lấy mẫu xét nghiệm, tham gia tiêm chủng đến việc làm tình nguyện viên ở những khu vực cách ly, phong tỏa...

Nhiều thầy cô giáo ở Đồng Nai ngay trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng nhất đã không ngại hiểm nguy đem sách giáo khoa đến tận nhà học sinh, giúp các em chuẩn bị cho năm học mới. Khi chứng kiến học trò của mình vì hoàn cảnh gia đình khó khăn chưa thể trang bị phương tiện học tập, không ít thầy cô đã sẵn sàng bỏ tiền túi để mua tặng hay vận động các nhà hảo tâm cùng chung tay vì học sinh nghèo, không để các em phải gián đoạn việc học.

Và những ngày này, khi tỉnh chuẩn bị thí điểm cho học sinh trở lại trường học, thầy cô vừa dạy online, vừa tranh thủ thời gian lên trường dọn dẹp, trang trí trường lớp để ngày tới trường cả thầy và trò thoải mái, yên tâm dạy và học nhất.

Cô giáo một trường THCS ở TP.Biên Hòa tâm sự rằng, gần 20 năm gắn bó với bục giảng, chưa bao giờ cô thấy nhớ học trò như thời điểm này. Gần 7 tháng kể từ kỳ nghỉ hè vội vã do dịch bệnh bùng phát, cô không có cơ hội gặp mặt một học sinh nào. Khi tiếp nhận lớp chủ nhiệm của năm học mới, cô cũng chỉ biết sĩ số, danh sách học sinh và làm quen với các em qua màn hình máy tính, điện thoại… Cô trò vì thế mà vẫn còn khoảng cách.

Điều làm cô bất ngờ vào đúng dịp 20-11 này là những cô cậu học trò trong lớp đã bí mật tặng cô những “sản phẩm” online ghi lại lời chúc, bài hát, bức tranh xinh xắn gửi tặng đến cô. Phụ huynh cũng gửi đến cô nhiều lời chúc qua tin nhắn Zalo, Facebook… Do vậy, dịp 20-11 năm nay, dù không có hoa tươi hay những chương trình kỷ niệm hoành tráng nhưng cô vẫn cảm thấy hạnh phúc vì được gắn bó với nghề cao quý trong những nghề cao quý…

Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, vào Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, người thầy vẫn được cả xã hội nhớ đến, tôn vinh và trân trọng.         

Minh Ngọc

Tin xem nhiều