Trong những nội dung định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã nhấn mạnh: "Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc" (Tập 1, tr 115, 116).
Trong những nội dung định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã nhấn mạnh: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc” (Tập 1, tr 115, 116).
Tiết mục ca múa Đồng Nai - miền Đông vững bước đi lên do Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh thực hiện, phát sóng trên trang Facebook của trung tâm. Ảnh: L.Na |
Ngay từ ngày thành lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Trong công cuộc kiến thiết nước nhà, có bốn vấn đề cùng phải chú ý đến, cùng phải coi trọng ngang nhau là: chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội” (Báo Cứu Quốc số ra ngày 8-10-1945). Chính vì vậy, văn hóa được coi là một trong những trụ cột phát triển bền vững đất nước; và chủ thể của văn hóa nói riêng, sự phát triển bền vững đất nước nói chung chính là “con người Việt Nam”.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (khi đương nhiệm Thủ tướng) từng nói: “Khi chúng ta hội nhập sâu vào kinh tế thị trường thì cái lo của chúng ta là có giữ được văn hóa không? Nếu chúng ta đánh mất văn hóa thì chúng ta mất tất cả, nếu chúng ta giữ được văn hóa thì chúng ta giữ được sự trường tồn của dân tộc. Giữ gìn văn hóa là cốt lõi trong đoàn kết dân tộc” (Thiên Điểu - Báo Tuổi Trẻ, 2019).
Tuy nhiên, bài toán nguồn lực đầu tư cho văn hóa và con người cần giải quyết như thế nào? Trong giai đoạn 2016-2020, định mức dành cho phát triển văn hóa khoảng 1,8% tổng ngân sách nhà nước hằng năm, song đồng chí Nguyễn Xuân Phúc đã thừa nhận: “Hiện nay, tỷ lệ chi cho văn hóa chỉ đạt 1,71% nhưng vẫn chưa mang tính bền vững và đồng đều giữa các địa phương” (Thu Sâm - Báo Nhân Dân 2019).
Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, theo Tổng cục Thống kê thì chi cho giáo dục, đào tạo năm 2020 bình quân 1 người đi học tại trường công lập hơn 6,1 triệu đồng/người/năm, thấp hơn nhiều so với trường dân lập (25,3 triệu đồng/người/năm) và tư thục (17,8 triệu đồng/người/năm). Trung bình các hộ dân trong nước phải chi hơn 7 triệu đồng/năm cho một người đang đi học, tăng khoảng 7% so với năm 2018. Ở thành thị, các hộ chi 10,7 triệu đồng cho một thành viên đi học, gấp 2,1 lần so với mức chi ở nông thôn.
Nếu xét về giới, chi tiêu cho giáo dục và đào tạo không có sự khác biệt nhiều. Song nếu xét thực tế chi cho giáo dục và đào tạo theo vùng miền, thì sự chênh lệch tương đối lớn giữa 6 vùng kinh tế trong nước, cao nhất là vùng Đông Nam bộ hơn 11 triệu đồng/người/năm, gấp 3,6 lần so với vùng trung du và miền núi phía Bắc (3,1 triệu đồng/người/12 tháng).
Theo quan điểm của Tổng cục Thống kê, mức chi khác biệt giữa các vùng cũng phản ánh tương đối về trình độ văn hóa và có sự phân hóa kinh tế theo vùng. Đồng Nai nằm trong vùng chi tiêu cao cho giáo dục - đào tạo và năng động về kinh tế, cho thấy tiềm lực phát triển của Đồng Nai rất lớn trong hiện tại và tương lai.
Trong dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 có nội dung đáng chú ý: “Dự kiến tăng mức đầu tư cho văn hóa lên 2% tổng chi ngân sách hằng năm”. Điều đáng mừng là trong Quyết định 1909/QĐ-TTg được Phó thủ tướng Vũ Đức Đam ký ngày
12-11-2021 phê duyệt chiến lược này đã ghi rõ: “Phấn đấu tăng mức đầu tư cho văn hóa tối thiểu 2% tổng chi ngân sách hằng năm”. Đây là nội dung cho phép tăng nguồn lực đầu tư cho văn hóa một cách cơ bản và giúp những người làm công tác văn hóa yên tâm hơn trong quá trình làm nghề của mình.
Với vai trò là người quản lý văn học nghệ thuật, nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, trăn trở trong bài viết: Xin tiền là việc nhẹ nhàng hơn các nhiệm vụ khác của Hội. Đây là câu chuyện gia tăng nguồn lực văn hóa bằng xã hội hóa và ông cho rằng cơ sở vật chất, các giải thưởng và hoạt động chuyên môn đều có thể xã hội hóa một phần nếu được tập thể và xã hội đồng thuận, thấu hiểu. Tuy nhiên, ở góc độ người làm nghề, đó là mong muốn văn nghệ sĩ trước hết phải là những người làm công tác văn học nghệ thuật một cách tốt nhất, chuyên nghiệp nhất. Đó là điều đáng suy ngẫm về xu hướng xã hội hóa văn hóa trong nền kinh tế thị trường hiện nay, khi mà tất cả đều có thể trở thành hàng hóa và được định giá theo lợi ích, lợi nhuận...
Năng lực của văn hóa Việt Nam chính là: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”, không ai khác do con người Việt Nam thực hiện. Ngành Văn hóa cũng như đội ngũ văn nghệ sĩ nước nhà cần lắm sự ủng hộ, hỗ trợ sâu sắc, toàn diện hơn của toàn xã hội.
Nhà văn Trần Thu Hằng