Tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV diễn ra vừa qua, một trong những vấn đề "nóng" được nhiều đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung là làm sao để giảm việc rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần.
Tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV diễn ra vừa qua, một trong những vấn đề “nóng” được nhiều đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung là làm sao để giảm việc rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần.
Người lao động đến Bảo hiểm xã hội tỉnh để giải quyết thủ tục hồ sơ. Ảnh: T.LÂM |
Các đại biểu cho rằng, đây là thực trạng đáng lo ngại, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động (NLĐ) mà còn làm ảnh hưởng tới tình hình kinh tế - xã hội cũng như việc đảm bảo chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.
* Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Trả lời câu hỏi của các đại biểu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin, từ đầu năm 2021 đến nay, đã có khoảng 870 ngàn người rút BHXH một lần. Nếu so với năm 2020, con số này tăng lên rất nhiều.
Trong khi đó, theo các chuyên gia, việc nhận BHXH một lần chỉ mang lại cho NLĐ lợi ích trước mắt chứ thực chất NLĐ không lường hết được những nguy cơ sẽ đến với mình như đánh mất nhiều quyền lợi lâu dài của bản thân.
Theo các chuyên gia, nếu lãnh BHXH một lần, NLĐ sẽ mất khoảng 1,14 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH trước năm 2014 và khoảng 0,64 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH sau năm 2014. Bên cạnh đó, khi nhận BHXH một lần, NLĐ sẽ không còn cơ hội được hưởng lương hưu, không có nguồn thu nhập ổn định hằng tháng để đảm bảo cho cuộc sống khi về già. |
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, có nhiều lý do dẫn đến tình trạng này, trong đó có nguyên nhân đời sống khó khăn, dịch bệnh… Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã nêu những giải pháp căn cơ trong thời gian tới, đầu tiên là phải chăm lo cho đời sống NLĐ. Khi đời sống NLĐ được nâng cao, cuộc sống được bảo đảm thì sẽ không còn nghĩ đến việc rút BHXH một lần. Cùng với đó, phải tăng cường thông tin, truyền thông, nâng cao nhận thức để cho NLĐ hiểu và thấy được sự cần thiết cũng như lợi ích lâu dài của chính sách BHXH.
Phát triển BHXH một cách bền vững nhằm bảo đảm an sinh xã hội lâu dài cho NLĐ cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trước hết, khi chưa sửa Luật BHXH, cần tiếp tục tuyên truyền, vận động để người dân hiểu về lợi ích thiết thực của loại hình bảo hiểm này và NLĐ có ý thức chuẩn bị cho tuổi già một cách chủ động từ khi còn trẻ. Mặt khác, từ thực trạng quy định hiện hành của pháp luật về chính sách hưởng BHXH một lần cũng như các hệ lụy, bất cập về mục tiêu an sinh xã hội, về tổ chức thực hiện, một số đại biểu đề xuất sớm nghiên cứu sửa đổi quy định về hưởng BHXH một lần để nhằm giảm số lượng người hưởng một lần.
* Cần sớm sửa đổi luật
Giám đốc BHXH tỉnh Phạm Minh Thành cho rằng, để đảm bảo an sinh xã hội trong tương lai, Luật BHXH nên sửa đổi theo hướng cần có quy định, điều kiện chặt chẽ hơn trong việc hưởng BHXH một lần.
Ông Thành nêu ví dụ như điều kiện để được hưởng BHXH một lần phải thuộc các đối tượng như: ra nước ngoài để định cư; người đang bị mắc bệnh nguy hiểm, hiểm nghèo… Hoặc thực hiện theo nguyên tắc có đóng có hưởng. Theo đó, nếu muốn hưởng BHXH một lần, NLĐ có thể hưởng phần họ đóng, còn phần doanh nghiệp, Nhà nước yêu cầu người sử dụng lao động đóng thì nên giữ lại.
Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bùi Xuân Thống nêu ý kiến, NLĐ rút bảo hiểm một lần thường có hoàn cảnh khó khăn. Không ít trường hợp lãnh BHXH một lần xong lại tiếp tục xin vào công ty cũ để đi làm lại. Doanh nghiệp vẫn nhận nhưng không ký hợp đồng lao động, từ đó, không đóng thêm các khoản này cho NLĐ nữa. Trong khi đó, trước đây, NLĐ đã làm tại doanh nghiệp lâu năm, đáng lẽ mức lương và mức đóng các loại bảo hiểm cao. Vì vậy, cần tăng cường khảo sát, đánh giá, kiểm tra để làm rõ và có giải pháp xử lý các vấn đề liên quan sau khi NLĐ lãnh BHXH một lần.
Chị Hồ Thị Hiền (ngụ P.Long Bình, TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Cách đây hơn 1 tuần, tôi mới nhận BHXH một lần với số tiền hơn 130 triệu đồng sau hơn 10 năm tham gia BHXH. Tôi đã cân nhắc rất kỹ trước có nên rút hay không và cuối cùng đã chọn phương án rút. Nguyên nhân chính là do suốt thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 đã làm ảnh hưởng lớn đến công việc và cuộc sống của gia đình tôi, khiến mọi thứ trở nên bất ổn và khó khăn hơn. Với nhiều mối lo trước mắt, tôi cần phải có một khoản tiền để trang trải”.
Cũng theo chị Hiền, nhận được số tiền lớn trong thời điểm khó khăn chị cảm thấy vui mừng nhiều hơn là lo lắng cho tương lai sau này không có lương hưu. “Ở góc độ của NLĐ, tôi cho rằng, để NLĐ như chúng tôi không lãnh BHXH một lần, cốt lõi nhất là đời sống được nâng cao hơn. Tôi mong muốn Đảng, Nhà nước, tỉnh có thêm nhiều chính sách hơn nữa chăm lo, hỗ trợ đời sống NLĐ” - chị Hiền bộc bạch.
Thảo Lâm
Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh NGUYỄN THỊ NHƯ Ý:
Cần giải pháp mở rộng diện bao phủ BHXH
Số lượng người hưởng BHXH một lần có tốc độ tăng so với năm trước. Tác động tiêu cực của việc này có thể thấy rõ. Do đó, cần phải phân tích rõ nguyên nhân tại sao tăng như vậy, từ đó đưa ra các giải pháp khắc phục kịp thời. Mặt khác, số lượng hưởng BHXH một lần tăng nhanh chóng dẫn tới độ bao phủ BHXH tăng chậm hơn.
Tôi cho rằng, cần tiếp tục thực hiện các giải pháp mở rộng diện bao phủ BHXH. Trong đó, cần đẩy mạnh công tác mở rộng diện bao phủ BHXH tự nguyện. Do vậy, tôi đề nghị Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh việc phát triển BHXH tự nguyện và nâng mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cao hơn…
Giám đốc BHXH tỉnh Phạm Minh Thành:
BHXH là nền tảng an sinh xã hội
BHXH chính là nền tảng an sinh xã hội mà lúc trẻ, lúc còn sức lao động, chúng ta tham gia đóng để tới tuổi nghỉ hưu được hưởng chế độ hưu trí; được chăm lo cuộc sống, sức khỏe khi về già không còn khả năng lao động. Điều này cũng sẽ góp phần củng cố ngày càng vững chắc hơn nền an sinh xã hội vững mạnh của đất nước.
Tình trạng số người hưởng BHXH một lần đang có xu hướng tăng lên là điều đáng lo ngại. BHXH một lần ngày càng tăng sẽ phá vỡ đi ý nghĩa to lớn của việc được hưởng lương hưu. Mặt khác, hiện nay, một năm Chính phủ phải chi nhiều ngàn tỷ đồng để trợ cấp hỗ trợ chăm lo người già không có lương hưu.
Bà HỒ THỊ THÀNH (ngụ P.Phước Tân, TP.Biên Hòa):
Nên giảm thời gian quy định tham gia BHXH
Theo quy định của Luật BHXH, điều kiện thời gian tối thiểu tham gia BHXH để có cơ hội được hưởng chế độ hưu trí đủ 20 năm. Điều này dẫn đến nhiều người không tích lũy đủ số năm đóng BHXH để được hưởng lương hưu.
Theo tôi nên quy định thời gian tham gia BHXH giảm xuống, chẳng hạn như đóng 10 năm là có thể đủ điều kiện để được hưởng lương hưu. Như vậy, mặc dù mức lương hưu có thể thấp hơn nhưng theo tôi vẫn tốt hơn và góp phần thể hạn chế bớt việc NLĐ rời bỏ hệ thống BHXH trước tuổi nghỉ hưu.